Nghịch lý thị trường dầu: Nguồn cung thiếu trầm trọng, các ‘Big Oil’ lại ôm cả núi tiền mặt không biết nên đầu tư vào đâu
Vì sao các ông lớn dầu mỏ có sẵn tiền trong túi nhưng đang chần chừ trong việc có nên tái đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp sản lượng?
- 13-03-2023Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành dầu thô Nga
- 13-03-2023Mạnh tay trừng phạt dầu Nga, châu Âu nhận "hung tin" khi nguồn cung thay thế chỉ bằng... 1/10
- 12-03-2023Mỹ kêu gọi các nhà giao dịch hàng hóa trên thế giới: “Cứ mạnh dạn kinh doanh dầu của Nga”
- 11-03-2023Cú hích bất ngờ cho nhu cầu dầu mỏ?
Exxon đang cân nhắc thay đổi chiến lược đối với châu Âu do chính phủ các nước này đang áp dụng các khoản thuế bất ngờ để thu lại một khoản tiền mà Big Oil kiếm được từ đợt tăng giá dầu và khí đốt hồi năm ngoái. Trong khi đó, Shell cảnh báo châu Âu nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt mới để thay thế nguồn cung bị mất từ Nga, thay vì “cầu may” như hiện tại. Theo CEO Aael Sawan, đó không phải là một chiến lược tốt.
Chevron, cùng với Talos Energy, trong khi đó, đã tung ra một kế hoạch mới cho việc xây một trung tâm lưu trữ và thu hồi carbon ở Texas (Mỹ). Bản kế hoạch mới này lớn gấp 3 lần so với ý tưởng ban đầu.
Tất cả chuyên gia dầu mỏ đang kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp hydro, đặc biệt là sản xuất hydro ít carbon từ hạt nhân, gió và mặt trời.
Đây chỉ là 1 phần tin tức phát đi từ Houston, nơi những người đứng đầu ngành công nghiệp dầu mỏ và người làm chính sách họp mặt hàng năm để thảo luận về năng lượng, chính trị và tương lai. Tuy nhiên, có một điểm gần như không được nhắc đến trên các bàn đàm phán trong cuộc họp này là các khoản đầu tư vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của những Big Oil.
“Thị trường chưa được đầu tư. Ai đó cần đầu tư nhiều hơn”, Karin Fawaz – Giám đốc nhóm năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của S&P Global Commodity Insights tóm tắt ngắn gọn về tình trạng của ngành công nghiệp dầu khí hiện nay trên Twitter.
Các nhà sản xuất dường như đang bị giằng xé giữa việc thay đổi chiến lược kinh doanh (chuyển đổi sang năng lượng sạch) dưới áp lực của các chính phủ hay bám sát hoạt động kinh doanh cốt lõi, vốn mang về lợi nhuận kỷ lục cho họ. Và trong lúc chưa đưa ra được quyết định cuối cùng, họ đã chia hàng trăm tỷ USD cho các cổ đông.
Tổng lượng tiền mà ngành công nghiệp dầu mỏ đã chia dưới dạng cổ tức vào năm ngoái là 170 tỷ USD, 140 tỷ USD khác cho việc mua lại cổ phần, theo WSJ.
Các khoản đầu tư trong cùng năm đạt 310 tỷ USD - tương đương mức chia cổ tức và mua lại cổ phần cộng lại. Số tiền này trông có vẻ lớn nhưng theo WSJ, mức chi có thể đã là 580 tỷ USD nếu các công ty dầu khí bớt hào phóng hơn trong việc chia cổ tức và mua lại.
Vấn đề là, không Big Oil nào cảm thấy chắc chắn trong việc đầu tư. Chắc chắn Shell, Exxon, Chevron hay BP đều nhận thức được thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, áp lực từ các chính phủ và cổ đông về việc không sản xuất thêm dầu và khí đốt lại đang chống lại nhu cầu thực tế về nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Áp lực đó vô tình khiến cho bất cứ quyết định đầu tư lớn nào đều trở thành rủi ro. Kết hợp với việc dù không đầu tư mạnh, các công ty này vẫn thu về các khoản lợi nhuận khổng lồ, các Big Oil đang chọn cách trì hoãn mọi việc – cả đầu tư cho dầu mỏ lẫn chuyển đổi sang các loại năng lượng sạch.
Về phía các chính phủ, họ cũng đưa ra những yêu cầu có thể xem là vô cùng khó khăn cho Big Oil: sản xuất dầu và khí đốt nhiều hơn, nhưng chỉ trong tương lai gần bởi thế giới đang chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, họ cũng tăng cường đánh thuế vì giá dầu và khí đốt cao.
“Bạn phải cẩn thận về việc dừng kế hoạch A quá sớm”, Mike Wirth của Chevron cho biết, đề cập việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các lựa chọn thay thế.
Bernard Looney của BP giờ đây cũng thừa nhận việc chuyển sang năng lượng tái tạo không mang lại kết quả như mong đợi. Ông chính là người đã rất nhiệt tình chấp nhận việc chuyển đổi từ 2 năm trước.
“Giảm nguồn cung trong khi nhu cầu không giảm chắc chắn dẫn đến tăng giá. Giá tăng đột biến sẽ dẫn đến biến động kinh tế và có nguy cơ làm suy yếu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”, vị lãnh đạo này cho hay.
Về phần mình, Sawan của Shell nói thẳng rằng việc cắt giảm dầu và khí đốt hiện nay là không tốt. “Tôi chắc chắn rằng thế giới sẽ cần dầu khí trong một thời gian dài. Do đó, việc cắt giảm sản lượng là không lành mạnh”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với British Times Radio.
Những phát biểu mạnh mẽ này dường như là dấu hiệu cho thấy không sớm thì muộn, các Big Oil sẽ rót vốn đầu tư mạnh mẽ trở lại vào dầu khí. Vấn đề là, cho đến khi các quyết định đầu tư được đưa ra và phát huy hiệu quả, thị trường có thể sẽ sớm rơi vào tình trạng thiếu hụt khi sự cân bằng trên thị trường đã mất đi.
Nhịp sống thị trường