Nghịch lý trái phiếu lợi suất âm: Khi người cho vay 'trả lãi' cho người đi vay
Khoảng 13.000 tỷ USD trái phiếu trên thị trường tài chính quốc tế hiện nay mang lợi suất âm. Trái phiếu lợi suất âm chiếm khoảng 1/4 khoản nợ đầu tư được theo dõi qua Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg Barclays.
Một trong những lý thuyết cơ bản của vay nợ là người đi vay phải trả lãi cho người cho vay. Quy luật này đã bị đảo lộn trong thị trường trái phiếu toàn cầu, khi hiện nay có khoảng 13.000 tỷ USD trái phiếu mang lợi suất âm. Các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này đến ngày đáo hạn sẽ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra, tính cả lãi.
Lợi suất âm trở nên phổ biến làm giảm lãi suất trên các khoản nợ, kể cả các khoản vay rủi ro cao, mang lại lợi suất cho người vay và thiệt hại đối với người cho vay hoặc tiết kiệm. Tuy nhiên, những tỷ lệ âm này phần nhiều phản ánh dấu hiệu của những vấn đề tiềm ẩn trong nền kinh tế.
Trái phiếu lợi suất âm chiếm khoảng 1/4 khoản nợ cấp đầu tư được theo dõi qua Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg Barclays. Các nhà đầu tư phải trả tiền để sở hữu hơn 80% trái phiếu chính phủ liên bang và địa phương của Đức, gần như toàn bộ thị trường trái phiếu chính phủ Đan Mạch là loại mang lợi suất âm. Mỹ là một trong số ít các quốc gia không có các món nợ mang lợi suất âm.
Một trong những giả định cơ bản của vay nợ là người đi vay phải trả lãi cho người cho vay. Ảnh: Economic Times. |
Tại sao trái phiếu có thể mang lợi suất âm? Câu chuyện bắt đầu khi một nhà đầu tư mua loại trái phiếu với giá cao hơn mệnh giá của nó. Nếu tổng số tiền lãi mà trái phiếu trả trong suốt thời gian nắm giữ thấp hơn giá mà nhà đầu tư đã trả cho trái phiếu, nhà đầu tư thua lỗ và trái phiếu được coi là có lợi suất âm.
Các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn - và cuối cùng chấp nhận thua lỗ - do cần tính bảo đảm và thanh khoản của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp chất lượng cao. Các quỹ đầu tư lớn như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và tổ chức tài chính có thể có những nơi an toàn khác để gửi gắm tài sản của họ.
Các cơ quan quản lý chính sách tiền tệ đã hạ lãi suất trái phiếu bằng cách giữ lãi suất cơ bản đặc biệt thấp kể từ khủng hoảng tài chính, nhằm khuyến khích vay mượn giúp tăng trưởng kinh tế. Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống dưới 0 trong năm 2014, hàng loạt cơ quan tiền tệ khác của châu Âu cũng áp dụng lãi suất âm.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản nhanh chóng tiếp bước, dù ngân hàng này đã áp dụng lãi suất 0% từ hai thập kỷ trước. Các ngân hàng trung ương cũng hạ lãi suất bằng cách bắt tay vào mua các khoản nợ dài hạn, một động thái sau này được coi như biện pháp nới lỏng định lượng.
Các ngân hàng trung ương đang tương tác với các lực lượng kinh tế lớn hơn. Việc tăng lãi suất thường đi kèm với mục đích kiềm chế lạm phát. Nhưng giá cả không tăng mạnh, và các kỳ vọng lạm phát của thị trường cho thấy rất ít khả năng trong tương lai. Riêng tại Nhật Bản, những lo ngại không ngừng về giảm phát – vật giá lao dốc – có thể khiến lợi suất âm trở thành lựa chọn hợp lý.
Lạm phát thường đi đôi với nền kinh tế vững mạnh. Trong khi các ngân hàng trung ương nỗ lực kích thích tăng trưởng, vài chính phủ có phần bảo thủ hơn. Đức là ví dụ. Mặc dù thị trường trái phiếu sẵn sàng trả tiền cho nước này để được vay, chính phủ Đức khá miễn cưỡng khi mạo hiểm thặng dư ngân sách.
Một giả thuyết cho rằng nhân khẩu học sẽ giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp vĩnh viễn. Châu Âu được cho là đang trải qua quá trình tương tự Nhật Bản - khi dân số già đi và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm, có thể nhu cầu của người tiêu dùng sẽ không đủ cao để đẩy giá cả tăng lên. Trong khi đó, các quỹ hưu trí sẵn sàng mua các trái phiếu dài hạn - chấp nhận lãi suất thấp - để đáp ứng các khoản nợ hưu trí tăng lên của họ.
|
Chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương châu Âu, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Đan Mạch những năm gần đây. |
Lãi suất âm của loại trái phiếu an toàn nhất đã tác động tới khắp các thị trường khác. Một số trái phiếu rác của công ty có mệnh giá bằng EUR mang lợi suất âm. Các nhà đầu tư đang đấu thầu giá của tất cả các loại tài sản rủi ro hơn từ cổ phiếu đến trái phiếu thị trường mới nổi, nhằm tìm kiếm lợi suất tốt hơn.
"Một câu hỏi lớn và lựa chọn khó khăn đối với người tiết kiệm", Andrew Bosomworth, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư của Pimco tại Đức cho biết.
Mặt khác, hầu hết các ngân hàng ở châu Âu chưa thể áp dụng lãi suất âm đối với người gửi tiền, làm giảm biên lãi suất. Những người ủng hộ lãi suất âm cho rằng dù gì thì thu nhập chung của ngân hàng cũng đã tăng lên nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. Nhưng các nhà cho vay lớn ở châu Âu nói rằng tiếp tục giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ. Giám đốc tài chính của Deutsche Bank, James von Moltke nói với Bloomberg vào ngày 24/7 rằng lãi suất thấp hơn "gây ra rủi ro đáng kể cho chúng tôi".
Mỹ chưa bao giờ có trái phiếu kho bạc mang lợi suất âm, nhưng tương lai ấy sẽ không còn xa. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm chạm 0,14% trong năm 2011 và ở mức rất thấp cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2015.
Với trái phiếu kho bạc 10 năm trả khoảng 2%, lợi suất âm dường như còn cả một chặng đường dài – giá trái phiếu sẽ phải tăng khoảng 20%. Nhưng dấu âm đã trở nên quá phổ biến ở quá nhiều nơi trên thế giới, nên dường như không có gì là không thể. Scott Thiel, chiến lược gia có thu nhập cố định tại BlackRock Inc. cho biết " không có chương nào trong cẩm nang trái phiếu của bạn nói về điều này".