MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý trên phố Wall: Đại dịch, suy thoái, bất ổn xã hội - tất cả xảy ra cùng lúc lại được coi là 1 cơ hội để mua vào!

14-06-2020 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Mặc cho đại dịch và các cuộc biểu tình khiến cản trở cuộc sống thường ngày chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", nhiều nhà đầu tư vẫn quan niệm rằng "con tàu nước Mỹ" sẽ tiếp tục ra khơi và chính phủ sẽ không để cho các ông lớn hàng không phá sản. Những thùng dầu không thể cứ ở mức giá âm.

Hàng triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái, các thành phố trên khắp cả nước chìm trong làn sóng biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây sau cái chết của 1 người đàn ông da màu. Đã có hơn 110.000 người Mỹ thiệt mạng vì dịch bệnh, và tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp không chỉ riêng ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới.

Nhưng đến ngày 10/6, S&P 500 đã tăng gần 43% so với mức đáy lập hồi tháng 3. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn cầu đã hồi phục hơn 20.000 tỷ USD. Chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 11% kể từ đầu năm đến nay. Sau phiên giảm gần 7% ngày 12/6, thị trường đã phục hồi trở lại. Vậy thì lý do gì tạo nên những điều trái ngược hoàn toàn như vậy?

Theo các chuyên gia phân tích trên phố Wall – những người kỳ cựu dày dặn kinh nghiệm nhưng cũng phải cảm thấy ngạc nhiên về những gì đang diễn ra, có một số lý do nhìn có vẻ rời rạc và nhỏ nhặt nhưng lại giúp giải mã hiện tượng này. Đó là thị trường việc làm bất ngờ khởi sắc, lãi suất siêu thấp, mức giá rẻ của một số nhóm cổ phiếu và những nhà đầu tư bán khống bị buộc phải bán ra cổ phiếu để cover lại những cú đặt cược quá bi quan của mình.

Nhưng không có lý do nào trong nhóm trên lý giải được điều gì đang diễn ra trong tâm trí và cảm xúc của nhà đầu tư. Làm cách nào họ có thể nhấn nút mua trong khi đang chứng kiến biểu tình trên diện rộng và nền kinh tế đang phải đóng cửa đầy đau đớn? Một phần nguyên nhân là bởi nhiều chuyên gia tài chính khá xa lạ với những sự kiện đời thường như vậy, nhưng kể cả những nhà đầu tư cá nhân – nhóm đông đảo trên các mạng xã hội như Reddit, Stocktwits và Twitter cũng tự tách bạch giá cổ phiếu ra khỏi thế giới phía sau cánh cửa nhà.

"Tôi đã trải qua khủng hoảng tài chính 2008", John Keh (33 tuổi, đang sống ở Richmond, California), người gần đây đã mua vào các cổ phiếu công nghệ trên nền tảng giao dịch trực tuyến Etrade, nói. "Vì thế tôi hiểu rằng giá cổ phiếu sẽ hồi phục". Anh chỉ ra trong 1 cuộc khủng hoảng, thị trường chứng khoán sẽ neo vào những gói trợ cấp của chính phủ (mà hiện giờ đang rất dồi dào) và vận mệnh của những tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học đạt giải Nobel Robert Shiller, các chuyên gia phân tích đang không đánh giá đúng mức cách các câu chuyện có thể ảnh hưởng đến thị trường lớn như thế nào. Cụ thể ở đây là câu chuyện đang ám ảnh tâm trí của các nhà đầu tư: có thể kiếm được bộn tiền nếu như bắt đáy. Đó là suy nghĩ của Jack McCann, 25 tuổi và đang sống ở Anh, khi quyết định mua các cổ phiếu hàng không trong tháng 4, sau khi chứng kiến giai đoạn mà anh cho là "cú đánh lớn nhất" vào thị trường mà anh từng chứng kiến trong đời. Jack đã kiếm được mức lợi suất 24%.

Shiller cho rằng đà tăng điểm dài kỷ lục hậu khủng hoảng 2008 và cú phục hồi của thị trường sau khi lao dốc không phanh mùa Giáng sinh 2018 đã khiến 1 cú hồi phục hình chữ V choán lấy trí nhớ của hầu hết các nhà đầu tư. "Ngay bây giờ, nhà đầu tư quan niệm các NHTW sẽ cứu lấy thị trường. Tháng 3 của năm 2020 cũng giống như năm 2009, là thời điểm mà thị trường chạm đáy", ông nói.

Cũng chính giai đoạn 2009 đã dạy nhiều người hãy tách bạch giữa những tin tức trên CNN và những bộ não theo dõi thị trường. Tina Byles Williams, CEO của Xponance, người đang quản lý 1 quỹ trị giá 10 tỷ USD ở Philadelphia, không lạ gì điều này. Trong tuần mà quyết định mua cổ phiếu được cô đưa ra hồi tháng 3 trở nên giống như 1 lời tiên tri chính xác, tin tức về cái chết của người George Floyd dưới tay cảnh sát bắt đầu xuất hiện. Nhưng như cô nhận xét: xét trên rất nhiều mặt thì phố Wall đã mất kết nối với phố Chính từ lâu rồi, và thậm chí với người da đen và da màu ở phố Chính thì tình trạng còn tồi tệ hơn". Họ giống như 2 vũ trụ song song không biết đến sự tồn tại của nửa kia.

Seshu Badrinath, nhiếp ảnh gia 51 tuổi sống ở Connecticut, chia sẻ nhiều khách hàng đã hủy hẹn vì Covid-19. Ông cũng giao dịch cổ phiếu trên tài khoản Robinhood nhưng thường xuyên tự hỏi làm sao các nhà đầu tư chứng khoán vẫn có thể thắng lớn trong hoàn cảnh những gì diễn ra ở ngoài đời thực tồi tệ như vậy. Đầu tuần này, ông đã quyết định bỏ chút lợi nhuận để quyên góp cho quỹ từ thiện Equal Justice Initiative.

Mặc cho đại dịch và các cuộc biểu tình khiến cản trở cuộc sống thường ngày chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", nhiều nhà đầu tư vẫn quan niệm rằng "con tàu nước Mỹ" sẽ tiếp tục ra khơi và chính phủ sẽ không để cho các ông lớn hàng không phá sản. Những thùng dầu không thể cứ ở mức giá âm. Rất nhiều trong số các công ty có cổ phiếu tăng giá bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa, và những nhà đầu tư nhỏ lẻ lại nhanh chóng đổ tiền vào những cổ phiếu này. Trên ứng dụng Robinhood, American Airlines, United Airlines và Carnival nằm trong nhóm được ưa chuộng nhất.

Còn phải kể đến đội quân các nhà đầu tư cá nhân trung thành với chiến lược mua và nắm giữ, có lẽ mỗi tháng 1 phần tiền lương của họ sẽ tự động được trích ra đầu tư vào cổ phiếu. Theo Paul Nolte, nhà quản lý danh mục tại Kingsview Investment Management, có lẽ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã học được rằng họ nên mua vào thay vì lo lắng về mỗi đợt lên xuống của thị trường. Khảo sát trên các khách hàng của Vanguard cho thấy sau mỗi lần thị trường lao dốc thì kỳ vọng ngắn hạn của nhà đầu tư về thị trường và nền kinh tế sẽ trở nên bi quan hơn nhưng dự đoán dài hạn không thay đổi hoặc thậm chí còn cải thiện.

"Thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế" là câu nói phổ biến thường được dùng để bác bỏ tầm quan trọng của chỉ số S&P 500 hay chỉ số Dow Jones. Nhưng những gì đang diễn ra lại theo chiều ngược lại: các nhà đầu tư thường xuyên sẵn sàng bỏ qua những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày. "TTCK đơn giản là vậy – 1 "cái chợ" để mua và bán cổ phiếu của các công ty. TTCK có chút mối quan hệ với nền kinh tế, nhưng quan hệ đó không mạnh như mọi người vẫn nghĩ. Thay vào đó nó dựa trên các câu chuyện, và những câu chuyện thì luôn thay đổi", Shiller nói.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên