Nghiên cứu của MIT: đây mới là cách tốt nhất để trò chuyện với trẻ để sau này con thành công, cha mẹ làm ra bao nhiêu tiền không quan trọng
Ngôn ngữ đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình nuôi dạy con.
- 06-01-2020Từng nhiều lần bị công chúng chê cười nhưng khi Melania Trump nói ra quan điểm dạy con của mình, ai cũng đồng tình khen ngợi
- 03-01-2020Mẹ của tỷ phú Elon Musk đã giúp con thành thiên tài nhờ cách nuôi dạy mà nhiều phụ huynh Việt còn ngần ngại: "Đừng coi con là đứa trẻ không biết gì!"
Có một sự thật mất lòng như thế này: trẻ em tới từ gia đình khá giả sẽ có được kết quả học tập cao hơn những em tới từ mái ấm khó khăn về mặt kinh tế. Có thể thấy rõ lý do tại sao, khi điều kiện kinh tế cho phép trẻ tiếp xúc với giáo dục chất lượng cao, chắc chắn điểm các em có được trên lớp sẽ cao hơn.
Thế nhưng nghiên cứu mới sẽ khiến bạn ngạc nhiên, bởi lẽ không chỉ tiền bạc mới quyết định tương lai các em: việc phát triển ngôn ngữ giai đoạn trẻ đang lớn mới chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công cho trẻ, một khi các em bước vào trường học. Ngôn ngữ mới là lý do tạo nên khác biệt về mặt điểm số khi năm học kết thúc.
Tại sao ư? Nói đơn giản, việc tiếp xúc với ngôn ngữ của trẻ chính là việc trẻ gặp bao nhiêu từ ngữ khi đang lớn, nhưng không phải từ nào cũng được - phải là những từ ngữ thực sự kích thích não bộ trẻ. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng những cuộc hội thoại giữa cha mẹ và bé - vốn đã có tính chất khác nhau trong những gia cảnh khác nhau, hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau - sẽ định hướng cho sự nghiệp học hành của trẻ sau này.
Bài viết này sẽ cho bạn thấy một cuộc hội thoại cho trẻ thành công sẽ ra sao.
Không phải cứ tiếp xúc với nhiều từ ngữ là tốt
Đã từ rất lâu rồi, các chuyên gia tin rằng lượng từ trẻ gặp khi còn nhỏ sẽ quyết định kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sau này cũng như thành tựu trẻ đạt được khi đi học. Đầu thập niên 90, từ một nghiên cứu nhỏ, người ta hình thành giả thuyết "khoảng cách 30 triệu từ", cho rằng trẻ em ở các hộ nghèo sẽ nghe ít hơn 30 triệu từ so với trẻ sống trong gia đình trung lưu. Bởi trẻ tiếp xúc với ít từ ngữ hơn, nên giả thuyết cho rằng vốn từ của các bé sẽ nhỏ, đồng nghĩa với việc chậm tiến trên lớp.
Tuy nhiên nghiên cứu lỗi thời này không đúng.
Dựa theo một nghiên cứu khác sử dụng nhiều dữ liệu hơn, loại ngôn ngữ mà trẻ gặp trong những năm đầu đời - khi mà cấu trúc não lẫn khả năng nhận thức vẫn đang phát triển - mới gây ảnh hưởng tới những từ ngữ mà trẻ sẽ tiếp thu.
Bằng việc đánh giá một nhóm có số lượng trẻ lớn hơn và loại bỏ thành kiến chủng tộc (hai yếu tố có thể phản bác lại giả thuyết "khoảng cách 30 triệu từ"), các nhà nghiên cứu thấy rằng tính chất những cuộc hội thoại giữa cha mẹ và bé có thể được chia theo hoàn cảnh kinh tế xã hội một cách rõ ràng.
Dựa theo nghiên cứu năm 2017 do Viện Công nghệ Massachusetts MIT thực hiện, thì khi so với những gia đình khá giả, cha mẹ kiếm được số tiền khiêm tốn hơn sẽ ít thực hiện những cuộc hội thoại mang tính trao đổi thông tin, khám phá một chủ đề cụ thể hay quyết định một vấn đề. Trong nghiên cứu này, cách biệt tài chính giữa các gia đình nằm trong khoảng từ kiếm được 6.000 USD/năm tới 250.000 USD/năm.
Dựa trên kết quả này, các nhà khoa học tại MIT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chỉ nói chuyện CHO con nghe, mà hãy nói chuyện VỚI con - việc mà cha mẹ nào cũng làm được, không cần biết họ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Các nhà nghiên cứu nói rằng những cuộc trò chuyện có yếu tố tương tác qua lại giữa hai người sẽ cải thiện khả năng ngôn ngữ của con, nhiều khả năng sẽ khiến con thành công hơn trên con đường học hành, hơn hẳn việc chỉ dạy cho con những từ ngữ phức tạp.
Những nhà nghiên cứu khác cũng tìm được bằng chứng cho thấy tần suất và ngữ cảnh tương tác với con cũng ảnh hưởng tới khả năng phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ. Giáo sư Katelyn Kurkul đang công tác tại Đại học Merrimack, đã nghiên cứu về vấn đề này khi còn là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Boston, đồng ý với nhận định trên. Đặc biệt hơn, cô và đội ngũ của mình phân tích cách thức bậc cha mẹ từ các nhóm hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau sẽ trả lời trẻ chưa đi học theo những cách khác nhau, và những lời lý giải mà cha mẹ đưa cho bé sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu của trẻ.
Tại sao ngôn ngữ "cơ học máy móc" lại khiến trẻ thành công hơn
Trong nghiên cứu mới nhất (vẫn đang trong giai đoạn kiểm duyệt, chưa được xuất bản), các nhà nghiên cứu theo dõi trẻ từ 3-5 tuổi thuộc nhóm hoàn cảnh kinh tế xã hội từ thấp cho tới trung bình. Họ cho các hộ gia đình chơi với một mạch điện đơn giản, với mục đích khơi gợi trí tò mò và nuôi dưỡng khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Nếu nối được mọi mảnh ghép với nhau, đèn trong mạch điện sẽ sáng.
Theo lẽ tự nhiên, trẻ sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi cho cha mẹ về những món đồ bé chưa bao giờ gặp. "Chúng tôi đánh giá cách trả lời của cha mẹ với những câu hỏi kiểu ‘Một cái công tắc hoạt động như thế nào?’, một câu hỏi mà trẻ ba tuổi rất dễ đặt ra," cô Kurkul nói.
Hoàn cảnh kinh tế của gia đình không ảnh hưởng gì tới loại câu hỏi trẻ có thể đặt ra. "Đa số đều giống nhau: đều có mục đích tìm kiếm thông tin cho tới những câu hỏi thông thường. Điểm khác biệt nằm tại câu trả lời của cha mẹ," cô Kurkul nhận định.
Cụ thể hơn, cha mẹ thuộc nhóm gia đình khá giả sẽ sử dụng ngôn ngữ "máy móc cơ học" chứ không như các bậc cha mẹ có thu nhập thấp. Ví dụ, một câu trả lời "máy móc" với câu hỏi "công tắc hoạt động như thế nào?" sẽ là "Công tắc gắn với mạch điện. Bây giờ là công tắc đang mở, khi con đóng công tắc lại, con sẽ đóng kín mạch lại và cho điện truyền qua dây."
Một câu trả lời không máy móc, đơn giản thì sẽ chỉ là "công tắc cho phép con tắt và bật".
Ngôn ngữ "máy móc" của câu trả lời đầu tiên - thường được sử dụng bởi các gia đình khá giả tham gia thử nghiệm - sẽ cho trẻ nhiều thông tin hơn. Quan trọng hơn, nó sẽ khiến trẻ hỏi thêm nhiều câu nữa, tạo nên một cuộc trò chuyện trao đổi thông tin có lợi cho quá trình phát triển não bộ.
Song song với việc sử dụng ngôn ngữ "máy móc", các gia đình khá giả còn thường tránh trả lời vòng vo với các câu hỏi của trẻ, trong khi đó những gia đình có mức thu nhập thấp hơn sẽ thường ứng dụng cách thức trả lời này. Những câu trả lời vòng vo sẽ chỉ lặp lại thông tin có sẵn trong câu hỏi, không bổ sung thêm được thông tin gì hữu ích cả.
Ví dụ, nếu trẻ hỏi bố đã đi đâu, câu trả lời vòng vo sẽ là "bố ra ngoài rồi" - có thể thấy cách trả lời này không thêm được chút thông tin gì. Tuy nhiên, một câu trả lời không vòng vo sẽ là "bố ra ngoài mua đồ để chúng ta có sữa để uống và thức ăn để ăn" - câu trả lời cung cấp rất nhiều thông tin cho bé, và nhiều khả năng kích thích trẻ tiếp tục tham gia vào cuộc hội thoại.
Một ví dụ khác, khi được hỏi "Tại sao bố/mẹ lại khóc?", thì câu trả lời vòng vo sẽ là "Bố mẹ cũng thỉnh thoảng khóc". Thay vào đó, có thể trả lời rằng "Bố/mẹ khóc bởi vì bố/mẹ buồn"; đây lại là ví dụ nữa về một cách trả lời "máy móc".
Giáo sư Kurkul nói rằng khả năng trả lời không vòng vo và sử dụng ngôn ngữ máy móc sẽ dựa nhiều vào kiến thức và trình độ học vấn của bậc cha mẹ. "Hai yếu tố đó ảnh hưởng nhiều tới vốn từ của cha mẹ và việc họ có được tiếp xúc với nhiều từ ngữ không," cô Kurkul nói. Đây cũng giải thích được tại sao cha mẹ có mức thu nhập thấp thường trả lời vòng vo, bởi lẽ họ không đủ vốn từ để đưa ra được câu trả lời thích hợp.
"Bên cạnh đó, cha mẹ có mức thu nhập trung bình cho tới cao có thể đưa con cái họ tới bảo tàng và cho trẻ tiếp xúc với những môi trường giàu ngôn ngữ, những nơi trẻ thuộc sống trong mức kinh tế xã hội thấp sẽ khó tiếp cận hơn," cô Kurkul bổ sung.
Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với ngôn ngữ rất quan trọng
Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng dù gia đình có hoàn cảnh kinh tế xã hội ra sao, vẫn có các bậc cha mẹ cắt bớt thông tin truyền đạt trong câu trả lời của mình, bởi lẽ họ giả định rằng con cái chưa sẵn sàng đón nhận những thông tin ấy. "Họ không nói ra những câu trả lời phức tạp bởi lẽ họ nghĩ rằng dù có nói gì chẳng nữa, họ cũng vẫn tin rằng đứa trẻ không cần biết hoặc sẽ không hiểu ý của họ là gì," giáo sư Kurkul nói.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng bỏ qua việc trẻ sẵn sàng phát triển đến đâu, về bản chất các em vẫn mong muốn được nghe những lời giải thích cặn kẽ, ngay cả khi các em chưa hiểu toàn bộ nội dung câu trả lời."
Nói một cách khác, trẻ có thể không hiểu những gì bạn đang giải thích, nhưng các em sẽ thu nhận những điểm mấu chốt và sẽ tự xâu chuỗi sự việc lại, vậy nên lời giải thích cụ thể của bạn chắc chắn xứng đáng với công sức bỏ ra.
Ví dụ, nếu như bạn giải thích cho trẻ cách mạch điện hoạt động, "trẻ có thể không hiểu được toàn bộ khái niệm này, nhưng có thể biết rằng nếu như gắn tất cả cách phần lại với nhau, đèn sẽ sáng," giáo sư Kurkul nói. "Nếu như bạn không sử dụng ngôn ngữ máy móc để giải thích, có khi trẻ sẽ còn chẳng biết những thứ đơn giản ấy."
Lời cuối
Kết luận chung của toàn bộ quá trình nghiên cứu này là dù học vấn của bạn tới đâu, bạn làm công việc gì và làm ra bao nhiêu tiền, thì để giúp trẻ học ngôn ngữ hay tiếp nhận kiến thức và hỗ trợ cho quá trình học tập của trẻ, chất lượng của các cuộc đàm thoại giữa bạn và trẻ đóng vai trò rất lớn.
"Chất lượng các cuộc nói chuyện mới quan trọng, không phải là số lượng," giáo sư Kurkul kết luận. "Đừng chỉ tập trung vào những gì bạn đang nói, mà hãy để ý tới cả cách bạn nói nữa. Khi trẻ đặt câu hỏi, nghĩ dành ra vài giây để hình dung ra câu trả lời bạn sẽ sử dụng, trước khi trả lời trẻ. Và đừng sử dụng câu ‘vì bố/mẹ bảo thế’, cách trả lời đó không giúp được trẻ mà lại khiến các em không coi cha mẹ là một nguồn kiến thức đáng tin cậy."
Và khi các bạn không biết câu trả lời, cố đừng nói "bố/mẹ không biết" bởi lẽ các bạn có thể làm lụi tàn óc tò mò của trẻ. "Trong thời buổi sẵn thông tin như ngày nay, cha mẹ có thể nói rằng ‘Bố/mẹ không biết, nhưng ta hãy cùng đi tìm hiểu xem,’", cô Kurkul nói. "Và lúc đó bạn và trẻ sẽ có thể cùng nhau học thứ mới."
Tham khảo Fatherly
Trí thức trẻ