Nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và WB: Góc nhìn mâu thuẫn đến khó tin trong tuyển dụng và bổ nhiệm giữa cán bộ công chức và doanh nghiệp, người dân
Các cán bộ công chức (CBCC) cho rằng được đào tạo chính quy, bài bản cộng với có năng lực, kinh nghiệm và thành tích công tác tốt là 2 yếu tố quan trọng của tuyển dụng và bổ nhiệm. Còn người dân và doanh nghiệp lại cho rằng con cháu, quan hệ thân quen hoặc dùng lợi ích mới quan trọng.
Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã xuất bản một báo cáo về kiểm soát xung đột lợi ích (XĐLI) trong khu vực công tại Việt Nam. Quá trình nghiên cứu có sự tham vấn của Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ… với nhiều kết quả khá thú vị.
Theo báo cáo này, hai hoạt động có nhiều XĐLI bậc nhất là đấu thầu và tuyển dụng/bổ nhiệm nhân sự.
Đối với hoạt động đấu thầu, CBCC có cách nhìn khá tích cực. Trong số 32% CBCC có biết rõ trường hợp đấu thầu ở cơ quan họ trong 12 tháng gần thời điểm nghiên cứu, có tới 71% cho rằng, đấu thầu lần đólà minh bạch và khách quan. Chỉ có tỷ lệ thấp số CBCC này cho rằng, có vấn đề chạy chọt để thắng thầu (12%) và có hiện tượng ưu ái cho người thân (18%).
Ngược lại, doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực hơn. Trong số 18% số DN có tham gia đấu thầu với cơ quan Nhà nước trong 12 tháng gần nghiên cứu, chỉ có 36% cho rằng cuộc đấu thầu đó là khách quan, minh bạch. Trong khi đó, 38% tin rằng có chạy chọt và 50% cho rằng có sự ưu ái người thân.
Đối với hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm, kết quả khảo sát cho thấy bức tranh hoàn toàn tương phản trong đánh giá của CBCC so với 2 nhóm đối tượng còn lại là DN và người dân. Cụ thể, theo đánh giá của CBCC, hai yếu tố quan trọng nhất của người được tuyển dụng và bổ nhiệm là: được đào tạo chính quy, bài bản; có năng lực, kinh nghiệm và thành tích công tác tốt (từ 81% đến 91%).
Trong khi đó, 2 yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất với doanh nghiệp và người dân là: con cháu hoặc có quan hệ thân thiết với người có chức vụ, quyền hạn; dùng lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác ( từ 44% đến 70%).