MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiên cứu đề xuất vay vốn bằng sổ bảo hiểm xã hội

16-03-2023 - 23:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho hay, sẽ nghiên cứu đề xuất xem khoản đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) như một loại tài sản đảm bảo để vay tín dụng, thay vì người lao động nghỉ việc gặp khó khăn phải hưởng BHXH một lần.

Chiều 16/3, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo thông tin về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến người dân. Một trong những đề xuất sửa đổi luật được nhiều dư luận quan tâm liên quan tới quy định về BHXH một lần.

Nghiên cứu đề xuất vay vốn bằng sổ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi vào đầu năm 2024 để luật có hiệu lực từ năm 2025.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, dự luật đang đề xuất 2 phương án về chế độ hưởng BHXH một lần . Phương án 1: Giữ như quy định đang áp dụng (nghỉ việc và dừng đóng BHXH sau 12 tháng được hưởng BHXH một lần toàn bộ quá trình đóng). Phương án 2: Sửa đổi theo hướng nhóm đối tượng như trên chỉ được hưởng tối đa không quá 50% thời gian đóng, phần còn lại bảo lưu tới tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, dự luật chưa có điều khoản liên quan tới chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, dừng đóng BHXH gặp khó khăn tài chính có thể vay tín dụng thay vì hưởng BHXH một lần. Trường hợp này, người lao động có thể sử dụng tiền đã đóng BHXH (sổ BHXH) như một loại tài sản đảm bảo cho khoản vay (nếu người lao động không trả được có thể lấy tiền đã đóng BHXH để trả nợ).

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về đề xuất khoản tín dụng như trên, ông Hoan cho biết: “Đó cũng là một đề xuất hay, nhưng để xem sổ BHXH như một loại tài sản đảm bảo khoản vay tín dụng còn liên quan nhiều luật khác. Đơn vị soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này”.

Theo ông Hoan, giai đoạn 2016-2022, bình quân mỗi năm có khoảng 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, và năm sau luôn cao hơn năm trước. Hưởng BHXH một lần người lao động chịu rất nhiều thiệt thòi cho sau này khi hết tuổi lao động, giảm cơ hội hưởng lương hưu và các quyền lợi khác đi kèm. Nghị quyết 28 của Trung ương đặt nhiệm vụ nghiên cứu có chính sách phù hợp để giảm số lượng người hưởng BHXH một lần.

“Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được xây dựng theo hướng khuyến khích người lao động ở lại hệ thống thay vì hưởng BHXH một lần, như dễ tiếp cận lương hưu khi giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm; nếu tới tuổi nghỉ hưu, chưa đóng BHXH đủ năm để nhận lương hưu hàng tháng có thể nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng. Cùng đó, cơ quan soạn thảo luật đề xuất phương án chỉ hưởng BHXH một lần tối đa 50% thời gian đóng, phần còn lại để người lao động có thể đóng tiếp khi có việc, hoặc tới tuổi nghỉ hưu đóng một lần cho số năm còn thiếu. Mục tiêu chính vẫn là hướng tới tất cả người hết tuổi lao động có lương hưu”, ông Hoan nói thêm.

Nghiên cứu đề xuất vay vốn bằng sổ bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Dự thảo Luật BHXH hướng tới mục tiêu có thêm nhiều người hết tuổi lao động có lương hưu, giảm số lượng người lao động hưởng BHXH một lần.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH (đơn vị xây dựng dự thảo luật) cho biết thêm, qua khảo sát thực tế nhóm người lao động hưởng BHXH một lần, có một số người mất việc làm gặp khó khăn tài chính nên hưởng chế độ này. “Đơn vị soạn thảo sẽ nghiên cứu thêm, trong đó có chính sách tín dụng nhằm giảm số lượng người lao động hưởng BHXH một lần”, ông Cường nói.

Về việc giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, ông Cường cho rằng, chính sách này chủ yếu hướng tới nhóm người tham gia BHXH muộn, hoặc thời gian tham gia bị gián đoạn kéo dài. “Về nguyên tắc, lương hưu phụ thuộc với thời gian và số tiền đóng BHXH, mức đóng thấp và thời gian đóng ít sẽ có lương hưu thấp và ngược lại. Trước mắt hướng tới mục tiêu thêm nhiều người có lương hưu và bảo hiểm y tế miễn phí”, ông Cường nói.

Về cải thiện mức lương hưu với người đóng BHXH thời gian ngắn, ông Cường cho biết, nghiên cứu thêm các chính sách bổ sung, như người có thời gian đóng 15 năm khi tới tuổi nghỉ hưu có thể đóng 1 lần thêm vài năm để có mức lương hưu cao hơn. Tuy nhiên, theo vị này, việc cho đóng thêm ra sao cũng cần nghiên cứu thêm, để tránh việc người lao động chỉ đóng 15 năm, hoặc hưởng BHXH một lần sau đó đóng tiếp vẫn được nhận lương hưu, sẽ không giảm được người nhận BHXH một lần.

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ lấy ý kiến người dân góp ý cho Dự thảo Luật BHXH sửa đổi tới hết tháng 4, sau đó sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo và gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến dự luật này vào kỳ họp tháng 10/2023, xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, để có hiệu lực từ năm 2025.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên