Nghiên cứu từ BQP Mỹ: Việt Nam có loại khoáng sản quân đội Mỹ thiếu đặc biệt nghiêm trọng
Nghiên cứu cũng kêu gọi Mỹ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khoáng sản.
- 18-02-2022Indonesia bị thu hồi giấy phép kinh doanh 165 doanh nghiệp kinh doanh than và khoáng sản
- 06-10-2019Đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh liên quan đến khoáng sản, thuốc lá, rượu
- 19-02-2019Thuế nhập khẩu dầu thô và một số mặt hàng khoáng sản có thể giảm về 0%
Tiếp theo phần 1 của Nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, dưới đây là các thông tin thêm về đánh giá của phía Mỹ đối với đất hiếm Việt Nam :
Đất hiếm Việt Nam
Trong số các mỏ đất hiếm của Việt Nam, các mỏ tại Nậm Xe và Đông Pao là đáng chú ý nhất vì chúng có quy mô lớn. Mỏ Nậm Xe lớn hơn và có hàm lượng khoáng chất cao hơn. Các cuộc khảo nghiệm thân quặng Nậm Xe chỉ ra rằng mỏ này đặc biệt giàu đất hiếm loại nặng (HREE) có giá trị cao hơn, đặc biệt bao gồm yttrium, europium và gadolinium.
Được biết, các mỏ có tỉ lệ cao các loại đất hiếm nặng (bao gồm yttrium và europium) thường ít hơn nhiều so với các mỏ chứa đất hiếm nhẹ (LREE). Tỉ lệ cao bất thường của các loại đất hiếm loại nặng trong các thân quặng tại Nậm Xe khiến hoạt động khai thác oxit đất hiếm tại địa điểm này có triển vọng mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, tại thời điểm của nghiên cứu (năm 2013), Việt Nam chỉ có một mỏ hoạt động sản xuất quặng oxit đất hiếm tại Đông Pao. Sản lượng hàng năm trong năm 2013 từ quặng khai thác tại đây ước tính chỉ đạt 3.000 tấn đất hiếm.
Rõ ràng, Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực khai thác oxit đất hiếm và sản xuất đất hiếm, nhưng cho đến gần đây, sự phát triển đã bị chậm lại - một phần do các hạn chế đối với hoạt động khai thác của nước ngoài.
Khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực vào ngày 1/7/2011, một số hạn chế và lo ngại đã được giảm bớt. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản quy định rằng các chiến lược khai thác trong 30 năm phải được áp dụng đối với từng loại khoáng sản, và nhấn mạnh rằng các hoạt động khai thác sẽ bị hạn chế cho tới khi các kế hoạch được thông qua.
Tháng 12/2011, Việt Nam yêu cầu rằng trước khi áp dụng chiến lược 30 năm đối với oxit đất hiếm, "tất cả các hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu đất hiếm... đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng".
Điều này cho thấy rõ ràng Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của các thân quặng đất hiếm; và Việt Nam cần áp dụng một phương án toàn diện để khai thác các nguồn tài nguyên quý giá.
Trong khi đó, nhu cầu đất hiếm của Mỹ là không nhỏ. Ủy ban Hạ viện về Vũ trang Mỹ báo cáo rằng “mỗi tàu ngầm hạt nhân SSN-774 lớp Virginia sẽ yêu cầu khoảng 9.200 pound (khoảng 4 tấn) vật liệu đất hiếm, mỗi tàu khu trục DDG-51 Aegis sẽ cần khoảng 5.200 pound (khoảng 2,4 tấn) và mỗi máy bay F-35 Lightning II sẽ yêu cầu khoảng 920 pound (khoảng 400kg)”.
Tiềm năng khai thác và hợp tác
Tầm quan trọng của đất hiếm trong các hệ thống phòng thủ quốc gia then chốt đã khiến Quốc hội Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về cách Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp cận nguồn cung cấp đất hiếm, ngoài ra còn yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ nêu những loại đất hiếm vừa "quan trọng đối với việc sản xuất, duy trì hoặc vận hành các trang thiết bị quân sự quan trọng" và vừa "có nguy cơ bị đứt quãng về nguồn cung, dựa trên những hoạt động và sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ".
Đáp lại, một báo cáo tạm thời của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2012 đã khảo sát tình trạng nguồn cung đất hiếm của Mỹ và phát hiện ra rằng có 7 loại đất hiếm đủ các tiêu chí được đề cập ở trên, bao gồm: dysprosium, erbium, europium, gadolinium, neodymium, praseodymium và yttrium. Báo cáo nhấn mạnh một cách lạc quan rằng “vào năm 2013, sản lượng của Mỹ có thể đáp ứng mức tiêu thụ cần thiết đối với nhu cầu mua sắm quốc phòng, ngoại trừ yttrium.”
Sau cuộc điều tra sâu hơn của Quốc hội Mỹ về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Mỹ một lần nữa xem xét tình trạng nguồn cung đất hiếm của Mỹ vào năm 2013 và lần này phát hiện sự thiếu hụt nghiêm trọng của 6 loại đất hiếm, cụ thể là: dysprosium, erbium, terbium, thulium, scandium và yttrium; rõ ràng đánh giá lạc quan của báo cáo trước đó là không có cơ sở.
Khuyến nghị của báo cáo thứ 2 này là Mỹ nên bắt đầu dự trữ các dòng đất hiếm loại nặng ngay lập tức, đặc biệt là yttrium. Khi những báo cáo này được công bố, có thể thấy việc Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp duy nhất cho các khoáng sản chiến lược này rõ ràng là một lỗ hổng nghiêm trọng.
Hai báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đều cho thấy rằng yttrium là loại đất hiếm cần được quan tâm nhất. May mắn thay, các thân quặng đất hiếm của Việt Nam rất giàu yttrium.
Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một đối tác tiềm năng trong việc tìm kiếm sự đa dạng của các nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ.
Ngoài ra, việc Mỹ có thể hợp tác tái chế các quặng oxit đất hiếm và giúp Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân càng khiến cho đất hiếm Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Qua các thông tin nêu trên, có thể thấy có nhiều lộ trình và phương án mà các quốc gia có thể hợp tác với Việt Nam để phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm chưa được khai thác.
Tương tự như vậy, kế hoạch của Việt Nam trong việc phát triển chương trình điện hạt nhân trong nước thông qua hợp tác kỹ thuật với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ tạo cơ hội quan trọng cho các công ty nước ngoài tham gia kinh doanh công nghệ điện hạt nhân và nhiên liệu uranium.
Cả hai cơ hội này đều hướng tới mối liên hệ giữa các lợi ích chiến lược của Mỹ: thúc đẩy công nghệ hạt nhân an toàn, bảo mật và hòa bình và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như là nguồn cung cấp đất hiếm duy nhất. Hy vọng rằng Mỹ sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.
Tổ Quốc