Ngoài bến xe Yên Sở, Hà Nội định xây thêm bao nhiêu bến xe?
Hà Nội dự kiến sẽ trình HĐND thành phố thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND thành phố Hà Nội, với mạng lưới bến xe khách liên tỉnh, các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có, gồm 4 bến Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.
Trong giai đoạn trung hạn xây dựng bến xe khách Yên Sở (quận Hoàng Mai) diện tích khoảng 3,4ha để hỗ trợ cho các bến xe hiện có. Về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi – đường vành đai 4) thì các bến xe khách Yên Sở và Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Trong dài hạn, UBND thành phố quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm gồm, Bến xe khách phía Bắc (10ha); Bến xe khách Đông Anh (5,3ha); Bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi – 10,4ha); Bến xe khách phía Nam (10ha); Bến xe khách Yên Nghĩa (7,0ha); Bến xe khách phía Tây (0,5ha); Bến xe khách phía Tây Bắc (Phùng – 15ha).
Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch các bến xe khách theo định hướng quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt, gồm Đô thị về tinh Phú Xuyên (1 bến, 5ha); đô thị vệ tinh Xuân Mai (2 bến, 6ha); đô thị vệ tinh Hòa Lạc (3 bến, 15ha); Đô thị vệ tinh Sơn Tây (4 bến, 10,65ha); Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (3 bến, 7,5ha).
Tại các thị trấn, huyện lị, thị trấn sinh thái bố trí các bến xe khách quy mô từ 1 – 5ha đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Với mạng lưới bến xe tải, trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 8 bến xe tải gồm Bến xe tải phía Bắc (15ha); Bến xe tải phía Đông Bắc (Phủ Lỗ, 10ha); Bến xe tải Yên Viên – Yên Thường (20ha) có kết hợp với Trung tâm tiếp vận Đông Bắc 10ha, tạo thành 1 trung tâm vận tải hàng hóa quy mô 30ha; Bến xe tải phía Đông (Cổ Bi, 10ha); Bến xe tải Khuyến Lương (7ha); Bến xe tải phía Nam (10ha); Bến xe tải phía Tây Nam (Hà Đông, 10ha); Bến xe tải Phùng (10ha).
Tại các khu đô thị vệ tinh sẽ quy hoạch 4 bến xe tải gồm Bến xe tải đô thị vệ tinh Phú Xuyên (10ha); Bến xe tải đô thị vệ tinh Hòa Lạc (10ha); Bến xe tải đô thị vệ tinh Sơn Tây (3ha); Bến xe tải đô thị vệ tinh Sóc Sơn (10ha).
Với quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe, trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1197,8ha. Trong đó, 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, chiếm tỷ lệ khoảng 5%, chủ yếu trong khu vực nội đô lịch sử; 450 bãi đỗ xe cao tầng (30,4%), còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất. Vị trí, quy mô diện tích các bãi đỗ xe công cộng được xác định phù hợp với các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt, đã cập nhật khớp nối thống nhất với cá dự án đầu tư đã và đang triển khai. Tại các khu đất bãi đỗ xe đã xác định rõ tầng cao, diện tích sàn xây dựng và công suất đỗ xe làm cơ sở để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe.
Quy hoạch 13 vị trí bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride dọc theo các trục đường vành đai, trục hướng tâm tại vị trí gần các đầu mối giao thông vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đỗ xe cá nhân khi trung chuyển tham gia vận tải bằng phương tiện công cộng, tổng diện tích bãi đỗ xe trung chuyển Park and Ride là 17,7ha.
Quy hoạch 133 vị trí các bãi đỗ xe buýt và 88 bãi đỗ xe tải trong phạm vi đô thị trung tâm, tổng diện tích 590,2ha, đáp ứng nhu cầu dừng đỗ, sửa chữa xe buýt, xe tải.
Theo UBND thành phố Hà Nội, mạng lưới bãi đỗ xe công cộng quy hoạch như nêu trên đáp ứng được khoảng 66% nhu cầu đỗ xe của thành phố, nhu cầu đỗ xe còn lại được phân bổ vào công trình xây dựng theo hướng tăng tầng hầm, tăng diện tích đỗ xe đảm bảo đáp ứng nhu cầu bản thân và một phần nhu cầu công cộng của khu vực xung quanh.