MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài Nón Sơn, bà chủ 7x còn startup trong mảng túi xách, giá “sương sương” cũng vài triệu đồng/cái

24-08-2020 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

Được biết đây là sản phẩm thủ công, và hiện mới có 1 cửa hàng trong TPHCM.

Thành lập năm 1996, Nón Sơn là thương hiệu do ông Trần Anh Sơn (sở hữu 79,09% vốn) và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà (sở hữu 20,91% vốn còn lại) đồng sáng lập. Dưới sự điều hành của vợ chồng ông Sơn, bà Hà, sau hơn 20 năm phát triển, Nón Sơn đã có gần 200 cửa hàng trên khắp cả nước, được coi là thương hiệu nón thời trang hàng đầu của Việt Nam.

Vài năm trước, tình hình kinh doanh tốt khiến cặp đôi nghĩ đến chuyện mở rộng sản phẩm để người tiêu dùng có thêm lựa chọn khi ghé thăm các cửa hàng. Ban đầu bà Hà định sản xuất các trang phục đi biển và làm thêm dép, túi bán kèm cho đủ bộ. Tuy nhiên sau đó bà quyết định chỉ tập trung vào túi xách thời trang.

VnExpress dẫn lời bà chủ Nón Sơn cho biết, lần này có thể gọi là khởi nghiệp, vì bà muốn xây dựng một thương hiệu mới. Với các sản phẩm chuyên biệt dành cho phụ nữ, ông Sơn chỉ đứng một bên ủng hộ tinh thần, còn lại tất cả mọi việc đều do bà quyết định.

Nữ doanh nhân sinh năm 1972 chọn tên thương hiệu là Ahanaba, với kỳ vọng khi nhắc đến sản phẩm của mình, mọi người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn như đi du lịch đến một hòn đảo xinh đẹp nào đó.

Theo thông tin từ website chính thức của Ahanaba, thương hiệu đã có 1 cửa hàng trong TPHCM. Các dòng sản phẩm được chia thành 2 loại là túi móc và túi đan, với mức gía trung bình thường rơi vào khoảng vài triệu đồng, cá biệt một số mẫu đan tay có giá trên 20 triệu đồng.

 Ngoài Nón Sơn, bà chủ 7x còn startup trong mảng túi xách, giá “sương sương” cũng vài triệu đồng/cái  - Ảnh 1.
 Ngoài Nón Sơn, bà chủ 7x còn startup trong mảng túi xách, giá “sương sương” cũng vài triệu đồng/cái  - Ảnh 2.
 Ngoài Nón Sơn, bà chủ 7x còn startup trong mảng túi xách, giá “sương sương” cũng vài triệu đồng/cái  - Ảnh 3.

Một số mẫu túi xách thủ công của thương hiệu Ahanaba do bà chủ Nón Sơn sáng lập.


Bà Hà từng lý giải các sản phẩm có giá từ vài triệu cho đến trên dưới 20 triệu đồng vì là hàng thủ công, đòi hỏi các công đoạn tỉ mỉ và trau chuốt, công sức của nghệ nhân là không thể đong đếm. Tuy nhiên, để thị trường thật sự hiểu hết giá trị và đón nhận sản phẩm, thương hiệu cần một chặng đường dài phía trước chứ không chỉ là ngày một ngày hai.

Cuối năm 2018, bà có nhận được vài lời đề nghị ngỏ ý trở thành đối tác của Ahanaba tại nước ngoài nhưng bà cho biết vẫn ưu tiên phát triển trước nhất ở Việt Nam.

"Tôi muốn Ahanaba sẽ là niềm tự hào của người Việt Nam. Vì nó là sáng tạo, tâm huyết và khéo léo của đôi bàn tay người Việt. Thay vì chúng ta cứ mãi nhận làm gia công cho các hãng thời trang quốc tế; tại sao mình không có thương hiệu của người Việt, cho cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tất nhiên tôi có tham vọng đưa thương hiệu tiến xa hơn; nhưng đầu tiên là phải thành công trên chính quê hương mình", bà chủ Nón Sơn chia sẻ.

Theo Nhật Anh (tổng hợp)

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên