Ngoại trưởng Mỹ sắp "mất ghế", toàn Châu Âu lo “sốt vó”?
Theo hãng tin Reuters, các nước đồng minh của Mỹ tại Châu Âu đang tỏ ra lo lắng khi nghe tin Nhà Trắng đang có ý định cách chức Ngoại trưởng của ông Rex Tillerson.
Trước thềm chuyến công du Châu Âu của mình, ông Tillerson đã có bài phát biểu mà cả Châu Âu đều muốn nghe, đó là Mỹ hứa sẽ hỗ trợ các đồng minh lâu năm của mình. Song chỉ một ngày đó, họ trở nên hoang mang khi có thông tin Nhà Trắng có dự định cách chức ông Tillerson.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị nghi ngờ sẽ bị bãi chức trong thời gian tới.
Điều này một lần nữa cho thấy sự bất định trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi nước Mỹ đang đóng vai trò rất lớn trong khủng hoảng ở Triều Tiên và Syria.
“Trong lúc ông Tillerson chuẩn bị đến Brussels để có bài phát biểu cho thấy Mỹ tiếp tục ủng hộ EU và NATO, ông ấy dường như không biết rằng ông đang đứng trước đoạn đầu đài”, một quan chức ngoại giao Châu Âu cho biết. “Một lần nữa Châu Âu lại nghi hoặc trước những gì ông Trump đang làm”.
Các quan chức Mỹ cho biết, Nhà Trắng có dự định đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ông Tillerson, song ông Trump nói rằng ông Tillerson sẽ không ra đi và bản thân Ngoại trưởng Mỹ cũng xác nhận rằng đây là thông tin không chính xác.
Các nước Châu Âu hiện nay đều mong muốn chính sách đối ngoại của Mỹ phải rõ ràng. Họ đều tỏ ra quan ngại trước những tuyên bố không nhất quán mà ông Trump đưa ra về NATO và Liên minh Châu Âu.
“Sự hỗn loạn trong chính quyền Mỹ hiện nay không có lợi cho tình hình thế giới”, một quan chức ngoại giao Pháp cho biết.
Ông Tillerson đã có bài phát biểu dài có nội dung rằng việc hỗ trợ Châu Âu là một chính sách mà Mỹ đã thực hiện từ lâu. “Hoa Kỳ luôn cam kết giữ vững mỗi quan hệ lâu dài với Châu Âu. Cam kết đảm bảo an ninh giữa chúng tôi và các đồng minh Châu Âu bền như gang thép”, ông nói. Ông cũng nói rằng ông sẽ truyền tải thông điệp này trước EU và NATO, và dự kiến ông sẽ có mặt tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong hai ngày 5 và 6/12 tới.
Giờ đây cùng với những thông tin đã xuất hiện, câu hỏi được đặt ra đó là liệu các quan chức Châu Âu có tin ông hay không khi trước đó ông đã từng có dự định bỏ qua một hội nghị ở NATO và chỉ có mặt trước sức ép từ nhiều phía.
“Nếu có ai đó mong rằng ông Tillerson sẽ trở thành đối trọng của ông Trump, một người có thể gửi tiếp nhận những thông điệp từ các nước đồng minh và phần nào đó có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thì giờ đây người đó sẽ rất thất vọng”, ông Niels Annen, một quan chức người Đức cho biết. “Dưới thời ông Tillerson, Bộ Ngoại giao Mỹ không có một tác động lớn nào cả”.
Mặc dù ông Tillerson đã kêu gọi cải tổ bộ máy của các cơ quan ngoại giao Mỹ, các nước Châu Âu tỏ ra không đồng tình với việc ông cắt giảm ngân sách dành riêng cho Bộ Ngoại giao cũng như bỏ trống nhiều vị trí quan trọng của bộ cho đến thời điểm hiện tại.
Pháp và Đức đã “lánh mặt” ông Tillerson và thay vào đó đã liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và Tham mưu trưởng Nhà Trắng John Kelly. Cao ủy Liên minh Châu Âu về Đối ngoại là bà Federica Mogherini thì liên lạc trực tiếp đến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Hiện nay, các nước Châu Âu đang đau đầu trước những tín hiệu trái ngược mà ông Trump đưa ra. Trong một hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích các nguyên thủ ở Châu Âu khi đã chi tiêu quốc phòng quá ít và đe dọa sẽ không hỗ trợ Châu Âu, song vài tháng sau đó ông tuyên bố sẽ gia tăng ngân sách cho các hoạt động quốc phòng tại châu lục này.
Nhiều quan chức tin rằng, trong tương lai tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp.
Infonet