MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài việc học tập thông thường, người làm cha mẹ nhất định phải rèn luyện EQ cho con để trẻ thành công sau này

28-08-2018 - 06:57 AM | Sống

Người ta thường nói: "Với chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) người ta tuyển chọn bạn, nhưng với chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient), người ta đề cử bạn".

Năm 1990, nhà tâm lý học Peter Salovey ở Đại học Yale và John Mayer ở Đại học New Hampshire đã đưa ra thuật ngữ Trí thông minh cảm xúc, nó thể hiện khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết những hành động tâm lý của chính bản thân mình hay của người khác.

Trí thông minh cảm xúc một phần là do bẩm sinh nhưng một phần cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai. Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm khuyến khích con trẻ phát triển song song hai chỉ số này một cách tốt nhất ngay từ bây giờ.

Trí thông minh cảm xúc mang lại điều gì cho con bạn?

Trong vài thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều lợi ích hỗ trợ đắc lực cho trẻ nhỏ trong suốt cuộc đời của mình: 

- EQ cao có liên quan đến IQ cao

Dựa vào bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa mà nhà nghiên cứu đưa ra, trẻ em có mức độ thông minh cảm xúc cao hơn sẽ có điểm số tốt hơn.

- Biết xây dựng mối quan hệ

Kỹ năng dự đoán cảm xúc giúp trẻ em kiểm soát xung đột và phát triển tình bạn sâu sắc hơn. Đặc biệt, nếu trẻ học được cách thể hiện cảm xúc của mình một cách lành mạnh sẽ giúp phát triển khả năng duy trì mối quan hệ gia đình, xã hội lâu bền hơn.

- EQ lúc nhỏ gắn liền với thành công trong thời kỳ trưởng thành nhiều hơn

Một nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên tạp chí American Journal of Public Health phát hiện ra rằng các kỹ năng xã hội và tình cảm của trẻ nhỏ ở trường mẫu giáo dự đoán có thể tạo nên thành công suốt đời. Trẻ em biết chia sẻ, hợp tác và làm theo định hướng cuộc sống từ lúc 5 tuổi có nhiều khả năng tốt nghiệp đại học sớm hơn và luôn sẵn sàng bắt đầu làm việc toàn thời gian trước 25 tuổi.

- Cải thiện sức khỏe tinh thần.

Những người luôn thể hiện thái độ lạc quan, hạnh phúc ít có khả năng bị trầm cảm và các bệnh tâm thần khác. Một đứa trẻ cố gắng bình tĩnh khi cảm thấy tức giận có khả năng kiểm soát được hành động nếu gặp hoàn cảnh khó khăn hơn là một đứa trẻ chỉ biết hét lên hay gào khóc, ăn vạ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ của chúng.

Là người đồng hành tốt nhất của con bằng cách...

Ngoài việc học tập thông thường, người làm cha mẹ nhất định phải rèn luyện EQ cho con để trẻ thành công sau này - Ảnh 1.

- Giúp đặt tên cảm xúc

Với sự hạn chế về từ vựng và sự hiểu biết sơ đẳng về nguyên nhân và hậu quả, trẻ thường gặp khó khăn khi diễn đạt điều đang cảm nhận.

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ xây dựng vốn từ vựng cảm xúc bằng cách ghép những biểu hiện cảm xúc của trẻ bằng ngôn ngữ.

Ví dụ: Trẻ thất vọng khi không tìm thấy đồ chơi, hãy nói: "Con cảm thấy buồn vì điều đó đúng không?".

-  Luôn đồng cảm, thấu hiểu

Hãy tập trung vào điều trẻ nói để hiểu điều chúng đang cảm nhận, sau đó hãy cùng chia sẻ.

Ví dụ: Khi nghi ngờ trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, hãy hỏi: "Điều gì đã xảy ra với con?". Nếu đúng trẻ đang có cảm giác bị bỏ rơi, hãy nói: "Con đúng, mẹ đã thực sự bận với em nên không có thời gian để quan tâm tới con".

Hãy để cô bé, cậu bé của chúng ta hiểu rằng cha mẹ đã hiểu được điều chúng đang cảm nhận.

- Chia sẻ cách thể hiện cảm xúc phù hợp

Cách tốt nhất để dạy cho con bạn cách thể hiện cảm xúc là tự mình mô hình hóa các kỹ năng này. Sử dụng các từ cảm giác trong cuộc trò chuyện hàng ngày của bạn và thực hành nói về chúng. Từ đó, con sẽ hiểu được và thể hiện theo cách phù hợp với xã hội.

- Truyền đạt kỹ năng đối mặt và giải quyết vấn đề

Trẻ cần phải học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh và giải quyết vấn đề. Biết kiềm chế, bình tĩnh lại, cổ vũ bản thân, hoặc đối mặt với nỗi sợ hãi của chúng. Bạn cần hướng dẫn để giúp con thấy rằng bé có khả năng tự giải quyết vấn đề một cách hòa bình và hiệu quả.

- Tạo ra môi trường tình cảm an toàn

Nếu trẻ nhỏ phải sống trong một môi trường bạo lực về thể chất và tình cảm sẽ học cách kìm nén trí tuệ cảm xúc, coi đó như một phương pháp để tự bảo toàn tính mạng. Từ đó, kỹ năng ngôn ngữ kém, đặc biệt là trong cách sử dụng các từ chỉ cảm xúc. Trẻ không thể nhận biết các khuôn mặt thể hiện vui, buồn, lo lắng nhưng trẻ lại có thể nhận biết được khuôn mặt thể hiện sự tức giận. Môi trường tình cảm an toàn không có nghĩa là trẻ cần được bảo vệ khỏi tất cả các xung đột mà hãy giữ một giới hạn vừa phải .

Tùy từng trường hợp cụ thể, người làm cha mẹ sẽ biết nên nói với con như thế nào. Điều quan trọng là để dạy con về trí tuệ xúc cảm, cha mẹ không thể là người "vô cảm". Bạn phải cho trẻ được "tắm" mình vào môi trường cảm xúc, bạn nhất thiết phải dành thời gian cho con. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, đừng lạm dụng lời giáo huấn vì "Không phải lời giáo huấn, mà chính sự trải nghiệm sẽ có tác dụng với trí tuệ cảm xúc của trẻ".

Việt Hà

Verywellhealth

Trở lên trên