Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nội nên thơ với sắc đỏ hoa gạo
Những cây hoa gạo trong khuôn viên chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) trổ hoa rực rỡ, tạo vẻ đẹp rất riêng trong không gian ngôi chùa cổ kính.
Cứ vào độ tháng 3, những cây hoa gạo ở Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại bung nở, làm nên nét đẹp riêng cho ngôi chùa.
Trước kia, sân Chùa Cả (chùa chính dưới chân núi) có 5 cây hoa gạo, nhưng 4 cây đã chết, còn một cây nằm mé bên trái chùa, gần cầu “Nhật Tiên Kiều”. Mới đây, nhà chùa đã trồng thêm 2 cây mới.
Nhành hoa gạo sà xuống trước thủy đình trên hồ. Đây là một kiến trúc đặc sắc, hình ảnh tiêu biểu của Chùa Thầy. Thủy đình được sử dụng để múa rối nước, hiện vẫn còn sử dụng trong dịp lễ hội.
Hoa gạo còn được gọi bằng những cái tên mỹ miều như hoa pơ lang, hoa mộc miên...
Những ngày tháng 3, cây gạo cổ thụ trước sân chùa lại đơm hoa, nở đỏ rực một góc trời.
Khi hoa gạo nở, báo hiệu những đợt lạnh cuối cùng sắp qua, chuẩn bị chuyển sang hè. Trong mùa hoa, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đỏ rực trên cành.
Mùa hoa gạo kéo dài gần một tháng.
Theo Đông y, hoa gạo được sử dụng chữa nhiều bệnh như viêm loét dạ dày, tá tràng.
Ngoài chùa Thầy, ở Hà Nội, cây hoa gạo còn được trồng nhiều tại các con phố Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, ngã ba Giải Phóng - Phương Mai, Trường THPT Trần Phú...
Chùa Thầy (còn có tên gọi khác là chùa Cả) cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 25km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) và là nơi lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời Lý - Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Lễ hội truyền thống chùa Thầy được tổ chức từ ngày mùng 5 - mùng 8/3 (Âm lịch), ngày hội chính là mùng 7/3 (Âm lịch) hàng năm.
VTC News