Ngôi làng 25 năm chưa có trẻ sơ sinh: Cuộc khủng hoảng dân số ở Nhật Bản đang tệ đến mức nào?
Đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải thừa nhận đất nước này đang bên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội được nữa vì thiếu lao động.
Khi bé Kentao Yokobori được sinh ra cách đây 7 năm tại làng Kawakami-Nhật Bản, cậu là đứa trẻ sơ sinh đầu tiên của làng này trong 25 năm trước đó và được mọi người coi là “phép màu”.
Theo hãng tin CNN, vô số dân làng đã đến chúc mừng gia đình nhà Miho và Hirohito Yokobori, cha mẹ của cậu bé, suốt hơn 1 tuần liền. Rất nhiều người trong số này là người già, thậm chí có người còn chẳng thể tự đi được mà cần được hỗ trợ.
“Người già trong làng vô cùng hạnh phúc khi Kentaro ra đời, có cụ già yếu không leo được cầu thang nhưng vẫn cố đến để ẵm đứa bé bằng được”, cô Miho nhớ lại.
Niềm vui của làng Kawakami cũng dễ hiểu khi suốt 1/4 thế kỷ, nơi đây đã chẳng có lấy một đứa trẻ nào mới ra đời cho đến trước bé Kentaro. Dân số của làng này từ 6.000 người cách đây 40 năm thì nay chỉ còn 1.150 với phần lớn là người già. Tình trạng người trẻ bỏ lên thành phố, người già ở lại nhưng cũng qua đời dần khiến ngôi làng chỉ còn lại những căn nhà bị bỏ hoang.
Gia đình nhà Yokobori
Trên thực tế, Kawakami chỉ là một trong vô số những ngôi làng nông thôn bị lãng quên bởi giới trẻ Nhật Bản khi họ di cư lên thành phố để tìm việc làm. Hơn 90% dân số Nhật Bản hiện đang sống tại thành thị như thủ đô Tokyo, thành phố Osaka hay Kyoto. Tất cả những đô thị này đều được kết nối bởi hệ thống tàu hỏa cao tốc Shinkansen.
Hậu quả là những vùng nông thôn kém phát triển với nghề nông, lâm, ngư nghiệp đối mặt khủng hoảng thiếu lao động trầm trọng do dân số địa phương già hóa nhanh.
Tính đến năm 2022, số lao động làm trong ngành nông lâm nghiệp tại Nhật Bản đã giảm từ 2,25 triệu người cách đây 10 năm, xuống còn 1,9 triệu lao động.
Thế nhưng điều đáng sợ hơn là không chỉ có làng Kawakami chịu cảnh già hoá dân số, ngay cả các thành phố lớn tại Nhật Bản cũng đang ngày càng thiếu trẻ em.
Không thể duy trì xã hội
Tình hình dân số lão hóa nhanh và ít sinh con tại Nhật Bản nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải thừa nhận vào đầu năm 2023 rằng quốc gia này đang bên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội được nữa vì thiếu lao động.
Năm 2022, Nhật Bản chỉ có 799.728 trẻ sơ sinh, mức thấp nhất trong lịch sử và bằng một nửa mức 1,5 triệu bé của năm 1982.
Tỷ lệ số lượng trẻ em bình quân mà mỗi phụ nữ sinh được trong suốt vòng đời sinh sản tại Nhật Bản cũng đã giảm xuống 1,3 trẻ/phụ nữ, thấp hơn mức 2,1 trẻ/phụ nữ để duy trì cân bằng xã hội. Trong khi đó, số người tử vong tại Nhật Bản đã cao hơn số trẻ em sinh ra từ cách đây hơn 10 năm.
Tồi tệ hơn, Nhật Bản vẫn giữ chính sách thắt chặt nhập cư với lao động nước ngoài. Số liệu chính thức cho thấy tính đến năm 2021, người nước ngoài chỉ chiếm 2,2% tổng lao động, thấp hơn nhiều so với 13,6% của Mỹ.
Một số chuyên gia còn lo lắng tỷ lệ này sẽ còn xuống thấp hơn nữa khi số phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống thấp kỷ lục, qua đó không thể nào đảo ngược được đà suy giảm dân số hiện nay.
Với đà suy giảm dân số như hiện tại, Nhật Bản lại vẫn phải gồng gánh hệ thống an sinh xã hội, đè nặng lên tiền thuế của lao động trẻ.
Thế rồi lối sống bận rộn, thời gian làm việc dài nhưng kém hiệu quả khiến mọi người ít có thời gian chăm lo gia đình, chi phí sinh hoạt tăng khiến việc nuôi con quá đắt đỏ.
Dân số Nhật Bản (triệu người)
Thêm nữa, những định kiến văn hóa về trọng nam khinh nữ, các chuẩn mực gia trưởng ngăn cấm người mẹ quay trở lại văn phòng làm việc hay phụ nữ xây dựng sự nghiệp càng khiến tình hình tệ hơn.
“Người Nhật thường khá e ngại khi nói về chuyện sinh con của nữ giới, trong khi đây lại là điều cực kỳ quan trọng với đất nước tại thời điểm này”, bác sĩ Yuka Okada của bệnh viện Grace Sugiyama nói với CNN.
Trên thực tế, bác sĩ Okada là một trong những trường hợp hiếm hoi ở Nhật Bản khi sinh con xong vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp. Rất nhiều bà mẹ có trình độ học vấn cao tại Nhật phải làm các công việc bán thời gian ở siêu thị để nuôi con vì văn hóa kỳ thị ở các công ty.
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy năm 2021, 39% lao động nữ tại Nhật Bản là làm bán thời gian, cao hơn nhiều so với chỉ 15% ở nam giới.
Lụi tàn
Theo CNN, sự ra đời của bé Kentaro tại Kawakami không phải do dân làng đợi quá lâu và những cố gắng thúc đẩy sinh sản của họ có hiệu quả. Thực tế là gia đình Yokobori vốn sinh sống ở thành phố nhưng chuyển về ngôi làng này theo phong trào bỏ phố về quê.
Đã chán với cảnh cuộc sống bận rộng, không khí ô nhiễm, chi phí sinh hoạt cao và nhiều áp lực, ngày càng nhiều bạn trẻ Nhật muốn về quê sinh sống.
Một cuộc khảo sát tại Tokyo cho thấy 34% số người được hỏi hứng thú với việc bỏ phố về quê, cao hơn mức 25,1% của năm 2019. Nếu chỉ tính riêng trong độ tuổi ngoài 20 thì tỷ lệ này lên đến 44,9%.
Gia đình nhà Yokobori đến làng Kawakami và hoàn toàn sống tự túc. Họ nuôi gà, trồng rau, chặt gỗ và sống trong căn nhà nhỏ. Chồng của Hirohito thì theo đuổi đam mê làm gỗ còn vợ Miho thì trở thành bà nội trợ toàn thời gian.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nhà Yokobori có giữ được lối sống này hay không, khi bé Kentaro dần lớn và cần sự giáo dục tốt hơn vẫn là một câu hỏi.
Ảnh minh họa
Khi gia đình Yokobori chuyển về làng Kawakami cách đây 10 năm, cả 2 vợ chồng đều không nghĩ nhiều về cấu trúc dân số của ngôi làng. Thế nhưng thời gian qua đi, chứng kiến những người hàng xóm dần qua đời còn cộng đồng xuống dốc, họ cũng dần mất đi niềm tin thuở ban đầu.
“Bây giờ ngôi làng còn chẳng có đủ người để duy trì các hoạt động xã hội, lễ họp hay những sự kiện cộng đồng nữa... Tôi càng quen biết nhiều người thì khi họ mất tôi càng thấy buồn. Cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn cho dù thế nào đi chăng nữa”, chị Miho than thở.
*Nguồn: CNN
Nhịp sống thị trường