MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ngôi vương’ đồng đô la Mỹ bị đe dọa vì động thái của hàng loạt quốc gia, phương thức giao thương lâu đời nhất cũng ‘lọt vào tầm ngắm’

02-09-2024 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc, đã xây dựng các hệ thống thanh toán riêng để giao thương giữa các lệnh trừng phạt. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể làm suy yếu thế thống trị của đồng đô la Mỹ.

'Ngôi vương’ đồng đô la Mỹ bị đe dọa vì động thái của hàng loạt quốc gia, phương thức giao thương lâu đời nhất cũng ‘lọt vào tầm ngắm’- Ảnh 1.

Các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt của phương Tây đang đẩy Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Moscow vẫn tìm ra cách để duy trì nền kinh tế của đất nước.

Các đối tác thương mại của Nga cũng đang tìm cách tiếp tục kinh doanh với nước này thông qua các hệ thống thanh toán thay thế trật tự tài chính toàn cầu do phương Tây dẫn đầu với sự thống trị của đồng đô la Mỹ.

Các cuộc thảo luận về phi đô la hóa đã thu hút sự chú ý trong những năm gần đây khi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Nga khiến các quốc gia khác lo ngại về hậu quả tiềm tàng nếu trái ý Washington.

Đồng đô la Mỹ đã “bén rễ” sâu vào hệ thống tài chính thế giới, vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đồng bạc xanh khó có thể bị truất ngôi. Tuy nhiên, các nền tảng mới đang xuất hiện có thể làm suy yếu sự thống trị của nó.

Sau đây là một số hệ thống giao dịch và thanh toán thay thế đang cố gắng phá vỡ trật tự thương mại và thanh toán do Mỹ dẫn đầu:

Nga đã thành lập SPFS và Mir cách đây nhiều năm

Nga đã chuẩn bị ứng phó với lệnh trừng phạt từ nhiều năm trước, sau những hạn chế thương mại sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

“Có những rủi ro khi sử dụng các mạng lưới tài chính toàn cầu”, Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, trả lời CNBC vào năm 2018. “Do đó, kể từ năm 2014, chúng tôi đã phát triển các hệ thống của riêng mình”.

Một số ngân hàng Nga đã bị cấm khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sau cuộc xung đột Nga-Ukraina năm 2022. Trước đó vào năm 2024, Moscow đã ra mắt hệ thống thanh toán liên ngân hàng dựa trên đồng rúp, có tên là SPFS.

Tính đến cuối năm 2023, đã có 556 tổ chức từ 20 quốc gia sử dụng SPFS. Trong số này, 159 tổ chức thuộc nước ngoài và mức độ sử dụng hệ thống đã tăng gấp đôi so với năm 2022, ngân hàng trung ương Nga cho biết

Vào tháng 7, Nga và Iran – vốn cũng đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề – đã hoàn tất các bước để kết nối hệ thống ngân hàng của hai nước, hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin. Điều này có nghĩa là hệ thống thanh toán Mir của Nga sẽ kết nối với hệ thống ngân hàng Shetab của Iran, cho phép 2 quốc gia giao dịch thuận lợi hơn.

CIPS của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc, được gọi là CIPS, là một hệ thống thay tế xử lý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Ra mắt vào năm 2015, tính đến tháng 7, CIPS có khoảng 2.000 người tham gia, so với 11.000 người của SWIFT.

Các nhà nghiên cứu Brookings viết rằng CIPS đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.

Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, năm 2023, CIPS đã xử lý hơn 6,6 triệu giao dịch với tổng giá trị là 123 nghìn tỷ nhân dân tệ (17,3 nghìn tỷ USD), tăng gần 30% về giá trị so với năm trước.

UPI của Ấn Độ đã được sử dụng rộng rãi

Ấn Độ – hiện là một thị trường thương mại quan trọng của Nga – cũng có hệ thống riêng.

Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ được phát triển vào năm 2016 và đang được sử dụng rộng rãi trong nước.

Hệ thống thanh toán này đã vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ. National Payments Corporation of India – đơn vị điều hành UPI – đang hợp tác với các tổ chức tài chính ở các quốc gia khác, bao gồm Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore, nhằm thúc đẩy việc sử dụng nền tảng này.

Evan Freidin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy (Australia), cho rằng nếu UPI mở rộng phạm sang nhiều quốc gia hơn, đây có thể là một cách để bỏ qua hệ thống ngân hàng SWIFT.

Các ngân hàng trung ương đang xem xét tiền kỹ thuật số

Các quốc gia cũng đang tìm cách phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Các loại tiền này tương tự như tiền điện tử nhưng được phát hành và hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – một tổ chức của các ngân hàng trung ương, đang giám sát việc thử nghiệm nền tảng CBDC phục vụ thanh toán bán buôn xuyên biên giới, được gọi là mBridge.

Những bên tham gia dự án bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út. Dự án này do Bắc Kinh dẫn đầu khi nước này đã triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Các nhà nghiên cứu tại Brookings nhận định các CBDC này có thể đảo ngược vai trò trung gian tiền tệ của đồng đô la Mỹ vì mất ít thời gian thanh toán hơn, giúp việc giao dịch các loại tiền tệ không phải đồng bạc xanh trở nên rẻ và dễ dàng hơn.

Các CBDC tích hợp cả nhắn tin và thanh toán, không giống như các hệ thống hiện tại như SWIFT và hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ lớn CHIPS.

Nga tham gia vào tiền điện tử

Khi cánh cửa giao dịch bằng tiền pháp định đóng lại, Nga hiện đang tìm cách giao dịch bằng tiền điện tử.

Phương thức thanh toán bằng tiền điện tử này ngày càng cần thiết vì ngay cả các ngân hàng Trung Quốc cũng đang từ chối hầu hết các giao dịch với các thực thể của Nga do lo ngại lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố vào tháng 7 rằng Nga phải nắm bắt thời cơ để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho tài sản kỹ thuật số, vì chúng ngày càng được sử dụng nhiều để thanh toán quốc tế.

Quay trở lại với thương mại trao đổi hàng hóa

Nếu tất cả các cách trên đều không hiệu quả, vẫn còn một phương pháp lâu đời khác là trao đổi hàng hóa.

Vào tháng 8, Reuters đưa tin rằng Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch khôi phục hoạt động trao đổi hàng hóa để tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các thỏa thuận trao đổi có thể diễn trong lĩnh vực nông nghiệp, sớm nhất vào mùa thu năm nay.

Hai nước này vốn đã thực hiện trao đổi hàng hóa trong thời kỳ Liên Xô và vài năm sau khi khối này sụp đổ. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Nga.

Theo hãng thông tấn nhà nước của Nga RIA Novosti, tháng 8/2022, Afghanistan cũng đã thảo luận về hoạt động trao đổi hàng hóa với Nga, gồm đổi dầu thô của Nga để lấy nho khô, khoáng chất và thảo dược.

Năm ngoái, Pakistan đã cho phép trao đổi một số hàng hóa cụ thể với Nga.

Năm 2019, Trung Quốc đã đổi nhiều sản phẩm và dịch vụ, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và thiết bị quốc phòng, để thu về dầu cọ trị giá 150 triệu USD từ Malaysia.

Theo BI

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên