Ngổn ngang cổ phần hóa
Không những tiếp tục chậm tiến độ, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa cũng đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc tích tụ.
- 14-06-2018Chuyến tàu cổ phần hóa tiếp tục lỡ hẹn
- 28-05-2018Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại vụ cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy - đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam
- 28-05-2018Chủ tịch VCCI: Cổ phần hóa mà nhiều tổng công ty chỉ bán 1-2% vốn điều lệ là vô nghĩa
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa (CPH) 86 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó ít nhất có 64 DN quy mô lớn. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 5, chỉ có 5 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 8.752 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỉ đồng.
"Lỗ hổng" nhà đầu tư chiến lược
Một trong những mấu chốt để CPH thành công là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ về CPH cho thấy nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ trong tổng số 426 DN hoàn thành CPH giai đoạn 2011 - 2016. Có nghĩa là việc tham gia HĐQT của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức, làm hạn chế những đóng góp của họ để giúp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN hậu CPH.
Những dự án thua lỗ của ngành công thương thuộc diện khó thoái vốn.Trong ảnh: Nhà máy Ethanol Dung Quất - Quảng Ngãi Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Trong thực tế, không ít DN sau CPH đang sống dở chết dở vì nhà đầu tư chiến lược. Điển hình, Tổng Công ty Cơ điện Nông nghiệp và Thủy lợi (Agrimeco) thực hiện CPH từ năm 2013, vốn điều lệ 215 tỉ đồng. Theo phương án CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 54,36% vốn điều lệ của Agrimeco đã được bán cho 2 nhà đầu tư chiến lược gồm: Công ty Quản lý quỹ VietinBank (VietinBank Capital) mua 7.525.000 cổ phần, tương đương 35% vốn và Công ty TNHH Kỹ thuật Thương mại Balkan mua 4.161.900 cổ phần, tương ứng 19,36% vốn. Điều kiện với cổ đông chiến lược là không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi mua cổ phần, Balkan đã làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một nhà đầu tư khác là Hiroshima Toyota Trading với lý do "khó khăn về tài chính".
Ít lâu sau đó, VietinBank Capital cũng xin chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn. Cụ thể, cuối năm 2015, VietinBank Capital đã ký hợp đồng chuyển nhượng 25% cổ phần Agrimeco mà công ty này đang sở hữu cho Công đoàn Agrimeco nhưng sau đó chưa tiến hành vì nhận thấy chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Công đoàn Agrimeco và Agrimeco đã tự ý thực hiện việc chuyển nhượng số lượng cổ phần này cho hơn 100 nhà đầu tư là cán bộ, nhân viên trong tổng công ty khiến VietinBank Capital gửi đơn khởi kiện tới TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đề nghị tuyên bố hợp đồng mua bán chứng khoán với Công đoàn Agrimeco vô hiệu. Đến nay, vụ kiện vẫn đang được tòa án thụ lý giải quyết.
Cả hai sự việc trên khiến dư luận nghi ngờ về khả năng lãnh đạo DN lợi dụng các lỗ hổng về pháp luật để đầu tư vào chính các DN CPH.
Theo các chuyên gia, vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược quan trọng không chỉ ở việc có tiềm lực tài chính mạnh mà còn phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài và giúp DN nâng cao năng lực quản trị, cũng như đồng hành cùng DN trong mục tiêu phát triển dài hạn sau CPH. Nếu các cổ đông chiến lược không thực sự đáp ứng đủ những tiêu chí này, DN CPH khó có thể có sức sống mới.
Loay hoay bán vốn
Một nội dung khác là nhiều năm nay, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) luôn được chọn làm tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn tại DNNN. Tuy nhiên, mới đây, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết có những DN thực hiện bán vốn 7-8 lần không được. Có nhiều nguyên nhân như tỉ lệ sở hữu thấp; DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; DN có nhiều mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, ban lãnh đạo DN có vi phạm pháp luật và đang bị xử lý…
Bên cạnh đó, những quy định chồng chéo tại nhiều văn bản khiến việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn. Nhiều DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình CPH nhưng thường bị "ngâm" rất lâu. Hơn nữa, quy định "không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước…" gây nhiều áp lực và rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn tại thời điểm thị trường không thuận lợi là nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm trễ.
Theo TS Nguyễn Quang Trung, giảng viên cao cấp Trường Đại học RMIT, quy định về CPH được ban hành nhiều nhưng theo chủ trương "khó đâu gỡ đó" nên chồng chéo, chủ yếu là các quy định khung, thiếu cụ thể. Trong quá trình thực hiện, DN thường phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành.
Vấn đề đặt ra là đã đến lúc cần xây dựng luật về CPH để có thể xử lý triệt để và toàn diện các thách thức trong quá trình này vì khối tài sản của DNNN là rất lớn. Trong nhiều nhiệm kỳ, Quốc hội luôn đặt ra vấn đề xây dựng luật về CPH vì có nhiều nội dung thuộc tầm của luật như ngân sách, đất đai.
Chính phủ thúc thoái vốn tại Gang thép Thái Nguyên
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc thoái vốn nhà nước và xử lý các vướng mắc khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL). Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu VNSTEEL khẩn trương rà soát tình hình tài chính, tài sản, đất đai, mỏ… và xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đển tổng thầu. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn của VNSTEEL tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương - theo đúng thẩm quyền, quy định và hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu VNSTEEL tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan để lập kế hoạch với thời hạn cụ thể xử lý các vướng mắc về dự án thua lỗ, việc bảo lãnh vay vốn tại TISCO, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC hay giữ lại Bộ Công Thương…
Trong khi đó, tại một báo cáo gửi Bộ Công Thương, VNSTEEL cho biết đang tích cực chỉ đạo đại diện vốn tại TISCO khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc thoái vốn. Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn tại TISCO theo nguyên tắc chào bán công khai cổ phiếu trên UPCOM theo phương thức giao dịch khớp lệnh trực tiếp, giá cổ phiếu không thấp hơn giá cổ phiếu được xác định trên giá trị sổ sách của TISCO và không thấp hơn bình quân giá tham chiếu 60 ngày liền trước ngày giao dịch…
"Mục tiêu xử lý dự án là bảo toàn tối đa giá trị phần vốn nhà nước tại TISCO, nhà nước không cần thu xếp vốn cho dự án, đồng thời giảm rủi ro trong đầu tư và giảm thiệt hại cho các tổ chức tín dụng" - báo cáo của VNSTEEL nêu rõ.
PH.NHUNG
Người lao động