MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Ngũ đại gia’ IPO: Thuốc thử ‘nặng đô’ cho thị trường đầu 2018

07-01-2018 - 08:43 AM | Doanh nghiệp

Với việc doanh nghiệp dồn dập IPO trong năm 2018, nguồn cung tăng đột ngột dự kiến sẽ là liều thuốc thử nặng đo sức mạnh của dòng tiền năm 2018 - năm mà các nhà đầu tư đang lạc quan nhất trong 10 năm qua.

‘Ngũ đại gia’ IPO gần 26 ngàn tỷ

Tiếp đà thăng hoa của thị trường chứng khoán trong năm 2017, thị trường đầu năm 2018 đang chờ đợi 5 đợt IPO có quy mô lớn nhất từ trước đến nay gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ( VRG ); Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3).

Theo kế hoạch, BSR là ‘đại gia’ đầu tiên IPO vào ngày 17/1/2018 tới. Đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có quy mô vốn điều lệ được phê duyệt là 31.000 tỷ đồng. BSR sẽ bán đấu giá ra công chúng lượng cổ phần 242 triệu chiếm 7,79% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm đấu giá là 14.600 đồng/cổ phần. Dự kiến BSR sẽ thu về 3.527 tỷ đồng từ đợt chào bán ra công chúng lần này IPO lần này.

Tiếp đến là PV Oil – doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần bán lẻ xăng dầu tại VN cũng sẽ bán 20% cổ phần trong tổng số hơn 10 nghìn tỷ đồng vốn cổ phần ra công chúng. Đợt IPO dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Công ty sẽ bán gần 207 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 13.400 đồng/cp và dự kiến thu về 2.770 tỷ đồng.

Chỉ sau PV Oil đúng 1 tuần, ngày 31/1, doanh nghiệp ngành điện chiếm khoảng 12% công suất phát điện cả nước là PV Power sẽ bán 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ ra công chúng với giá bán khởi điểm 14.400 đồng/cp. Theo đó, quy mô của đợt chào bán của PV Power lên đến 6.745 tỷ đồng theo giá khởi điểm.

Sau 3 ông lớn đầu ngành dầu khí, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) sẽ trở thành DNNN lớn nhất từ trước đến nay thực hiện cổ phần hoá. Đợt IPO VRG sẽ diễn ra vào ngày 02/2. Cổ đông nhà nước sẽ bán ra hơn 475 triệu cổ phần ra công chúng với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cp. Tại mức giá này, số tiền VRG dự kiến thu về gần 6.200 tỷ đồng.

Cũng ngay trong quý I/2018, Đợt IPO của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), doanh nghiệp có công suất phát điện lớn nhất cả nước sẽ tổ chức bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần, chiếm 12,8% trên tổng vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng ra công chúng. Giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, nhà nước dự kiến thu về 6.569 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Đợt IPO của Genco3 dự kiến sẽ cho nhà đầu tư thêm sự lựa chọn đối với cổ phần của DN ngành điện bên cạnh PV Power.

Phép thử ‘nặng đô’ cho thị trường năm 2018

Đăt trong giả định các thương vụ trên diễn ra thành công tại mức giá khởi điểm, ước tính 5 ‘ngũ đại gia’ sẽ hút của thị trường số tiền gần 26.000 tỷ đồng. Quý I/2018 là thời điểm diễn ra một chuỗi IPO các DNNN lớn chưa từng có.

Thị trường chứng khoán đang trở lại thời kỳ đỉnh cao và đứng trên 1.000 điểm đang gây ra hiệu ứng tâm lý tích cực lên toàn bộ thị trường. Nhiều nhận định tiếp tục đánh giá các đợt IPO quy mô lớn, quy mô vốn hóa thị trường ngày càng tăng tiếp tục là động lực cho thị trường năm 2018.

Bên cạnh đó, thời gian cổ phiếu trên sàn giao dịch sau IPO của các DNNN đã được rút ngắn đáng kể sau khi Thông tư 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/6/2017 cũng được dự báo sẽ tác động tích cực và hấp dẫn nhà đầu tư nhiều hơn trong năm 2018.

Tuy vậy, với quy mô lớn và diễn ra khá dồn dập. Giới chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về sức hấp thụ của thị trường trong những đợt IPO tới đây. Bởi nếu xét trên quy mô thị trường hiện nay thì 26.000 tỷ đồng không phải là con số lớn, nhưng nếu dòng tiền mới chưa kịp vào thị trường để bù đắp thì hiện tượng bán cổ phiếu để thu xếp vốn rất có khả năng xảy ra.

Hiện hai nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital gần đây cũng phát đi những tín hiệu rất năng nổ trong các thương vụ IPO và thoái vốn của các DN nhà nước lớn. Tuy nhiên, 2 quỹ lớn nhất của 2 ông lớn này hầu hết đã dùng toàn bộ tiền cho cổ phiếu. Nếu muốn mua thêm, phải ‘chốt lời’ một số mã trong danh mục. Gần đây, VOF - quỹ đầu tư lớn nhất thuộc quản lý của Vina Capital đã ‘chốt lời’ cổ phiếu VGC và chi 22 triệu USD mua cổ phần HD Bank. Trong khi đó, quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan) cũng phải bán đi một loạt cổ phiếu trước khi chi 40 triệu USD mua 4,99% vốn Tiên Phong Bank (TPB).

Còn nhớ, đợt IPO của Vietcombank hút 10.000 tỷ khỏi thị trường cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính diễn ra sau đó khiến chỉ số VN-Index có quãng thời gian giảm sâu kỷ lục mà đến nay, mất hơn chục năm mới có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm. Do vậy, đợt IPO của ‘Ngũ đại gia’ cùng với một loạt DN lên sàn hứa hẹn sẽ là một liều thuốc thử nặng đo sức mạnh dòng tiền của năm 2018. Dù rằng bối cảnh thị trường sau 10 năm đã rất khác.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên