Ngược đời như Tổng công ty Sông Hồng: Hậu cổ phần hoá làm ăn bết bát, âm vốn điều lệ hơn 600 tỷ, nguy cơ mất trắng vốn nhà nước
Các công trình, công việc chuyển tiếp từ năm trước sang rất ít do công ty lỗ luỹ kế lớn, âm vốn chủ sở hữu và nợ nhóm 5 tại ngân hàng nên không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu.
Một trong các mục tiêu cổ phần hoá ngoài việc thu về thặng dư vốn cho Nhà nước còn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên có một trường hợp hy hữu là Tổng công ty Sông Hồng.
Sau 9 năm cổ phần hoá và đã giao dịch trên UpCom, Tổng công ty sông Hồng gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 trước khi chuyển về SCIC vì Tổng công ty này đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ, lỗ luỹ kế hơn 900 tỷ đồng, nguy cơ mất trắng vốn Nhà nước.
Tổng công ty Sông Hồng ra đời cách đây 60 năm, tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty này đã xây dựng một loạt các công trình lớn như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội)...các khu chung cư ở Hà Nội như Kim Liên, Giảng Võ...
Tổng công ty Sông Hồng IPO vào tháng 11/2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cp, khi đó nhà đầu tư đã sẵn sàng trả giá 22.290 đồng/cp để mua 6,7 triệu cổ phần chào bán. Tuy nhiên sau 10 năm, giá cổ phiếu của Tổng công ty trên sàn Upcom với mã SHG chỉ còn 2.600 đồng/cp và bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch do chậm công bố công tin.
Theo số liệu báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Sông Hồng lỗ luỹ kế 940 tỷ trên vốn chủ sở hữu 270 tỷ, như vậy Tổng công ty đang bị âm vốn điều lệ 612 tỷ đồng. Các khoản tiền và tương đương tiền của Tổng công ty còn 7 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn 535 tỷ trong khi các khoản phải thu lên đến 321 tỷ, nợ phải trả ngắn hạn hơn 1.123 tỷ đồng. Công ty đang bị âm vốn điều lệ và kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắn chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Doanh thu của tổng công ty trong 6 tháng đầu năm 2019 mặc dù tăng gấp 3 cùng kỳ năm trước cũng chỉ đạt 26,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế 32 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Tổng công ty sông Hồng hậu cổ phần hoá, kể cả ở thời điểm đỉnh cao như năm 2011 hiệu quả kinh doanh của công ty rất thấp và thua lỗ triền miên
Trong báo cáo soát xét 6 tháng của Tổng công ty Sông Hồng, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 ngày 12/4/2018 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Trong suốt từ năm 2012 tới nay, tổng công ty Sông Hồng không thể tăng vốn, thậm chí đầu năm 2019 công ty phải giảm vốn điều lệ từ 270 tỷ xuống 204,78 tỷ do nhà nước giảm vốn để Tổng công ty thực hiện chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng. Hiện Nhà nước vẫn đang nắm 49% cổ phần ở Tổng công ty này.
Các khoản đầu tư vào công ty con thua lỗ triền miên, tổng giá trị đầu tư 270 tỷ đồng hiện còn 65 tỷ, đã trích lập dự phòng 220 tỷ.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Tổng công ty Sông Hồng cho biết, trong vài năm gần đây, công ty không triển khai được dự án đầu tư cũng như không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không có cơ hội để phục hồi cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các công trình, công việc chuyển tiếp từ năm trước sang rất ít do công ty lỗ luỹ kế lớn, âm vốn chủ sở hữu và nợ nhóm 5 tại ngân hàng nên không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu.
Bên cạnh đó, công ty này cũng cho biết đang phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền phải thi hành án là 238,4 tỷ đồng phải trả cho Ngân hàng SHB và Tòa án Q.Tây Hồ chuẩn bị đưa ra xét xử vụ Ngân hàng Oceanbank khởi kiện buộc Tổng công ty phải trả nợ vay thi công công trình Nhiệt điện Vũng Áng I với số tiền cả gốc và lãi khoảng 470 tỷ đồng.
Theo hợp đồng ký kết vào năm 2009 giữa Tổng công ty Sông Hồng và Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), giá trị hợp đồng thi công của Tổng công ty cho hạng mục của dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I là 1.315,8 tỷ đồng. PVN đã chấp thuận chi phí phát sinh chưa lường hết của toàn bộ công trình khoảng 1.090 tỷ đồng và phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là 33.576 tỷ đồng. Do đó, giá trị dự toán với hạng mục xây dựng của Tổng công ty Sông Hồng tăng 214 tỷ so với hợp đồng đã ký. Sông Hồng đề ngị PVN xem xét điều chỉnh tăng giá trị phát sinh của dự án này. Tổng công ty đang trong quá trình làm việc với PVN để thống nhất khối lượng đã làm.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty.
Tổng công ty kiến nghị Thủ tướng để Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty và thực hiện thoái vốn ngay trong năm 2019, nếu chuyển giao về SCIC thì quá trình đấu giá sẽ phải thực hiện lại từ đầu dẫn đến việc thoái vốn nhà nước khó thành công. Mức định giá Tổng công ty thời điểm 31/12/2018 là 3.000 đồng/cp, Tổng công ty cho biết một số nhà đầu tư sẽ tham gia đấu giá công khai mua cổ phần Sông Hồng với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và đề nghị thực hiện ngay trong năm 2019.
Trí Thức Trẻ