MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngược lại với bán lẻ, ngành công nghiệp vận tải ở Mỹ đang ‘tắm trong bể máu’: Doanh thu ‘bay hơi’ hàng triệu đô, hàng nghìn tài xế mất việc

03-08-2019 - 16:23 PM | Tài chính quốc tế

Ngành công nghiệp vận tải đường bộ trị giá 800 tỷ USD đang có những sự ‘rung chuyển’ dữ dội chỉ trong 6 tháng đầu năm nay.

Vận chuyển đến 72% hàng hóa Mỹ, nhưng nhiều công ty vận tải truyền thống nước này đang có doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí đến mức phá sản.

Ngày 12 tháng 2, New England Motor Freight "làm choáng váng" phần còn lại của ngành khi tuyên bố họ đang nộp đơn xin phá sản và ngừng hoạt động. New England Motor Freight đã tạo ra doanh thu hơn 402 triệu USD trong năm 2017, và là công ty vận tải lớn thứ 19 tại Mỹ. Hơn 1.300 tài xế của công ty lâm vào tình trạng thất nghiệp.

USA Truck, đơn vị vận tải uy tín nước Mỹ đã công bố báo cáo tài chính vài ngày trước. Theo đó, thu nhập ròng của công ty bị giảm từ 2,5 triệu USD xuống chỉ còn 1.000 USD. Công ty cũng đã sa thải hơn 1.000 tài xế.

Đã có hơn 3.000 tài xế của các công ty vận tải khắp nước Mỹ bị mất việc tính đến cuối tháng 7 năm nay. 7 công ty vận tải quyên bố phá sản.

Cạnh tranh không cân sức với dịch vụ vận tải giao ngay

Giá giao ngay giảm tới 18% từ tháng 6 năm ngoái đến nay tạo sức ép không nhỏ cho thị trường vận tải. Các công ty sản xuất và nhà bán lẻ tất nhiên yêu thích việc vận chuyển sử dụng xe tải theo yêu cầu hơn là thông qua hợp đồng thỏa thuận trước.

Doanh thu hoạt động của USA Truck chỉ còn 39 triệu USD, giảm 22% so với 50 triệu USD cùng kì năm ngoái. Thống kê của công ty cho thấy, phần lớn hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã bị rút ra và chuyển hẳn sang thị trường giao nhanh.

Tổng số dặm vận tải được thống kê tăng so với năm trước, nhưng doanh thu trên mỗi tải - một biện pháp quan trọng để đánh giá năng suất ngành công nghiệp vận tải đường bộ, đã giảm 18,4% so với năm 2018.

USA Truck cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung vào việc cắt giảm chi phí cố định từ 5% đến 10% và thêm khách hàng mới vào cơ sở để cải thiện hiệu quả tài chính.

Khi những khách hàng nắm thế "thượng phong"

Vận tải đường bộ có tính chu kỳ cao, với những đỉnh và đáy sâu. Mới năm ngoái thôi, ngành còn có lợi nhuận cao đến không ngờ: các vụ phá sản hầu như không có, danh sách chờ vận chuyển đến tám tháng và những mức lương béo bở cho các tài xế. Thậm chí, những công ty như Amazon và General Mills phải tăng giá hàng hóa vì họ không thể chịu tiền giao hàng quá lớn.

Còn bây giờ thì khác. Giá giảm, các nhà sản xuất và bán lẻ có thể di chuyển hàng hóa với mức giá rẻ chưa từng thấy.

"Về cơ bản là chúng tôi đã tự ‘bắn vào chân mình’," Ahmad El-Dardiry - giám đốc kinh doanh của công ty vận tải Transfix, nói về việc tăng số lượng hàng loạt xe tải trong năm ngoái. Ông cũng khẳng định thêm rằng nếu không nhanh có các biện pháp cạnh tranh thích hợp, các công ty vận tải truyền thống sẽ sớm bị "đá" ra khỏi thị trường.

Không những giá thành rẻ, lợi thế thị trường "thừa cung thiếu cầu" khiến những người bán hàng không còn cần những hợp đồng với điều khoản khắt khe để vận chuyển hàng hóa nữa. Không những thế, nhiều nhà bán lẻ còn tự thành lập bộ phận giao hàng cho riêng mình.

Ngược lại với bán lẻ, ngành công nghiệp vận tải ở Mỹ đang ‘tắm trong bể máu’: Doanh thu ‘bay hơi’ hàng triệu đô, hàng nghìn tài xế mất việc - Ảnh 1.

Amazon đang ngày càng nâng cấp dịch vụ vận tải

Amazon là một ví dụ. Sở hữu 20.000 xe tải Mercedes – Benz Sprinter, mới đây công ty còn đặt hàng thêm 2.000 xe van hãng Spartan để vận chuyển sản phẩm của mình. Ước tính, chi phí của Amazon để giao một gói hàng sẽ giảm đi 1/3: mất 6 USD cho 1 gói hàng, so với mức 8 đến 9 USD trước đây khi vẫn cần đến bên vận tải riêng.

Công ty không phá sản, nhưng lương cũng không đủ ăn

Ngược lại với bán lẻ, ngành công nghiệp vận tải ở Mỹ đang ‘tắm trong bể máu’: Doanh thu ‘bay hơi’ hàng triệu đô, hàng nghìn tài xế mất việc - Ảnh 2.

Không mất việc, nhưng nhiều tài xế của những công ty vận tải truyền thống cũng đang có cuộc sống rất khó khăn.

Ông Carl Fleming là một tài xế từ năm 1977. Nhưng giống như nhiều tài xế khác, năm 2019 đặc biệt khó khăn với ông. Mở dịch vụ cho thuê xe tải và cũng lái xe khi cần, năm nay ông kiếm ít hơn so với cùng kì năm ngoái những 20.000 USD.

Lenny Oppelaar thì lái xe tải từ những năm 70. Nhưng đến nay, tuy làm việc cho XPO Logistics - một trong những công ty hậu cần lớn nhất nhưng tiền lương của anh cũng chỉ ở mức 25 USD dù có thâm niên lâu năm.

Đối với những người lái xe tải đã ở trong ngành nhiều thập kỷ, điều này không còn hiếm gặp. Theo Bussiness Insider, tiền lương trung bình cho tài xế xe tải đã giảm trung bình 21% kể từ năm 1980. Ở một số khu vực xa những trung tâm trung chuyển lớn, thậm chí tiền lương đã giảm tới 50%.

Thomas Connery, chủ tịch và giám đốc điều hành của New England Motor Freight, nói với Business Insider lý do không chỉ ở sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. "Chi phí cho lao động cao trong khi doanh thu giảm cùng nhiều loại phí kinh doanh khác trong ngành vận tải đường bộ là lý do hàng đầu khiến công ty phá sản", ông phân tích.

Tuy nhiên, Jason Seidl -giám đốc điều hành chuyên về vận tải hàng không và vận tải mặt đất của ngân hàng đầu tư Cowen thì vẫn rất lạc quan. Trong một bài phỏng vấn, ông nói: "Về cơ bản, những công ty vận tải đã đẩy công suất vận tải lên quá cao, do đó mà lãi suất giảm mạnh. Thị trường bão hòa, và đây là lúc nó cần tự điều chỉnh."

Theo Phong Ninh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên