MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người âm thầm lập công, chưa một lần lên tiếng giữa kỳ tích của tuyển Việt Nam

19-12-2018 - 07:53 AM | Sống

Dưới thảm cỏ xanh ở Mỹ Đình trong đêm mà hàng triệu người hâm mộ vỡ òa vì hạnh phúc, có một người đã ôm chặt Duy Mạnh trong vòng tay của mình và với ánh mắt đầy nghẹn ngào, đó là bầu Hiển.

1.Chẳng là người lặn lội sang tận Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo về Việt Nam, cũng chẳng bỏ tiền túi để trả lương cho nhà cầm quân 59 tuổi như bầu Đức, nhưng không vì thế mà đội tuyển lẫn hàng triệu người hâm mộ "nỡ đành quên" những đóng góp âm thầm của bầu Hiển với bóng đá Việt Nam suốt hàng thập kỷ qua.

Sau chức vô địch AFF Cup, bầu Đức lập tức trở thành một "người hùng" trong mắt giới truyền thông và người hâm mộ. Tất nhiên, với một người vốn trọng lễ nghĩa như HLV Park Hang-seo, việc quan trọng đầu tiên mà ông làm, đó là tới gặp bầu Đức để nói lời tri ân, giống như cách mà thầy Park đã làm sau giải U23 châu Á.

Thế nhưng, khi cả nước Việt Nam vẫn đang hoan ca trong vũ điệu chiến thắng, người ta vẫn thấy bầu Hiển im lặng. Dẫu rằng, ông có thể xuất hiện trước truyền thông để tán dương các ngôi sao của lò Hà Nội như Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh… hoặc nói về những đóng góp của mình với công tác đào đạo trẻ suốt hàng thập kỷ qua. Nhưng bầu Hiển đã không làm như thế.

 Người âm thầm lập công, chưa một lần lên tiếng giữa kỳ tích của tuyển Việt Nam - Ảnh 1.

Những thành công của tuyển Việt Nam có dấu ấn rất lớn của bầu Hiển.

Tối 15/12 khi hàng triệu trái tim Việt Nam vỡ òa vì hạnh phúc, cánh phóng viên đã bắt gặp được khoảnh khắc bầu Hiển ôm chặt Duy Mạnh trong cánh tay của mình, với ánh mắt rạng rỡ, đầy nghẹn ngào như một đứa trẻ. Ông không hạnh phúc sao được khi những "đứa con tinh thần" của mình đã trưởng thành và đem về "trái ngọt" cho bóng đá Việt Nam.

Sau chức vô địch AFF Cup, việc thầy trò HLV Park Hang-seo hay người hâm mộ dành những lời cảm tạ tới bầu Đức, đó là điều nên làm. Nhưng đằng sau sự tri ân dành cho vị tỷ phú phố Núi thì bóng dáng của bầu Hiển không thể vì thế mà bị phủ mờ.

Cũng sau chiến công lừng lẫy ở AFF Cup, bầu Đức có trải lòng với truyền thông rằng, ông chỉ giống như một người đưa đò thầm lặng. Chỉ cần cống hiến được điều gì đó có ích cho nền bóng đá nước nhà, ông sẽ cống hiến hết mình. Có lẽ bóng đá Việt Nam không chỉ có một "người đưa đò thầm lặng" là bầu Đức, mà còn cả bầu Hiển nữa.

Trong suốt chặng đường của AFF Cup, người ta nói không ít tới câu chuyện Duy Mạnh trưởng thành từ một cậu bé nhặt bóng cách đây 10 năm, nay đã trở thành một người hùng của tuyển Việt Nam. Người ta cũng nói không ít tới Quang Hải, một ngôi sao sáng chói đã sẵn sàng vươn mình ra khỏi lãnh thổ của dải đất hình chữ S để chinh phục thành công ở những đấu trường bóng đá chuyên nghiệp hơn.

Sự trưởng thành vượt bậc của những Duy Mạnh, Quang Hải, và cả Đức Huy, Hùng Dũng, Văn Hậu… chẳng phải cũng nhờ sự đầu tư mang tư duy chiến lược của bầu Hiển đó sao?

 Người âm thầm lập công, chưa một lần lên tiếng giữa kỳ tích của tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Cũng với bầu Đức thì những đóng góp của bầu Hiển là không thể phủ nhận (ảnh: Kênh 14).

2.Còn nhớ trong quá khứ, bầu Hiển từng có lần trút bầu tâm sự đầy trăn trở của mình: "Nếu làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích kinh tế thì tôi bỏ ngay. Nói thật là có những lúc tôi rất nản. Mình thì tâm huyết và cống hiến, không nghĩ đến lợi ích kinh tế khi đầu tư vào bóng đá. Thế nhưng, cũng có người không hiểu cứ nghĩ vào bóng đá ông Hiển phải lấy được cái gì đó, đạt được điều gì đó rất lớn về kinh tế. Thực tế là tôi có được đất cát gì đâu…"

Ở làng bóng đá Việt Nam, bầu Hiển vốn được nhắc tới nhiều nhất là một người "thôn tính" làng túc cầu bằng cách sở hữu hoặc tạo ảnh hưởng với rất nhiều đội bóng. Không ít người hâm mộ cho rằng bầu Hiển là người thâu tóm hết quyền bính trong làng túc cầu, đến nỗi có một HLV từng nói rằng ban tổ chức giải V.League nên tổ chức một "giải bóng đá gia đình" luôn cho nhanh!

Việc bầu Hiển bị "quy kết" như vậy không phải là không có cơ sở. Song, nói đi cũng phải nói lại. Nên nhớ, có lần chính bầu Hiển từng kể rằng vì không muốn bị mang tiếng là một tay nuôi mấy đội bóng, vừa mệt, vừa tốn tiền nên ông muốn tìm một doanh nghiệp đủ tầm vóc thay mình tiếp quản SHB Đà Nẵng.

Sau đó, bầu Hiển đã phải nhờ bầu Thắng khi ấy còn là người đứng đầu VPF liên hệ để tìm đội tác có thể tiếp quản đội bóng. Thế nhưng, nỗ lực của bầu Hiển lẫn bầu Thắng nhận được chỉ là cái lắc đầu. VPF không tìm ra một ông bầu nào đủ tiềm lực, nhiệt huyết để chơi bóng đá trong thời buổi khó khăn về kinh tế như lúc này.

 Người âm thầm lập công, chưa một lần lên tiếng giữa kỳ tích của tuyển Việt Nam - Ảnh 3.

HLV Park Hang-seo cùng các học trò nên dành một lời cảm tạ cho bầu Hiển.

Nói như vậy để thấy, nếu không có một bầu Hiển, sẽ có không ít CLB ở V.League phải lao đao, không ít cầu thủ đứng trước nguy cơ thất nghiệp và giải V.League cũng có thể sẽ giảm chất lượng và sự cạnh tranh.

Ở Việt Nam, cách làm bóng đá của bầu Đức và bầu Hiển có sự khác biệt không nhỏ. Nhưng giữa hai ông bầu vẫn luôn có mẫu số chung, đó là sự tâm huyết, sự đầu tư có căn cơ, mang tính chiến lược thay vì chỉ nghĩ tới những lợi nhuận trước mắt.

Chính những đóng góp ấy đã tạo nên một thế hệ vàng đích thực của bóng đá Việt Nam như thời điểm hiện tại. Nhìn cách Quang Hải tả xung hữu đột hay sự tỉnh táo đến lạnh lùng của Đình Trọng, Duy Mạnh, dù họ mới chỉ ở ngưỡng tuổi đôi mươi, là đủ để người hâm mộ phải nhắc thầm tên bầu Hiển.

Có lẽ với HLV Park Hang-seo, dù ông chưa kịp ghé qua "đại bản doanh" của bầu Hiển để nói lời tri ân, nhưng với ông và những người hâm mộ Việt Nam, bầu Hiển xứng đáng được coi là một tượng đài thực sự, một người hùng ở chốn hậu phương góp sức lớn giúp tuyển Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang trên mặt trận tiền tuyến.

Theo Tiểu Mã

Trí thức trẻ

Trở lên trên