“Người cần bán đã hạ giá, thậm chí giảm sâu nhưng sao người mua cứ hỏi mãi mà không xuống tiền”
Tâm lý muốn đợi giá bất động sản tiếp tục xuống khiến người mua lần chần không xuống tiền. Nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cho rằng, người mua có thể đánh lỡ mất cơ hội bởi giá bất động sản khó tiếp tục giảm sâu.
“Chưa bao giờ thấy thị trường diễn biến bất thường như hiện tại” – anh Trường (môi giới khu vực Hà Đông, Hà Nội) thốt lên. “Người hỏi thì nhiều nhưng xuống tiền thì lại không”.
Theo môi giới này, lượng khách liên hệ tư vấn mua nhà đất giảm 30-40% so thời điểm năm 2022. Dù vậy, điều anh bức xúc nhất, đó là người mua hỏi rất nhiều. Đặc biệt, ngay cả khi tìm được căn nhà đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà họ đặt ra. Thậm chí chủ nhà giảm sâu tới 300 triệu đồng, họ vẫn dửng dưng.
“Mấy tháng nay tôi không chốt thành công khách nào nhưng thời gian để trả lời, tư vấn cho khách gần như kín lịch. Có những khách, tôi chăm 3 tháng nay. Căn nhà nào họ cũng hỏi giá, hỏi sổ và đi xem. Nhưng họ lại chẳng chốt căn nào. Với tiêu chí mà họ đưa ra, tôi tìm đủ nhưng lúc đến phần giá, họ muốn rẻ. Khi làm việc với chủ nhà, vì cần tiền gấp, chủ nhà hạ giá sâu. Nhưng người mua cũng chẳng mua, lại lăn tăn. Có vẻ như, họ muốn giảm sâu hơn nữa”, anh Trường chia sẻ.
Giá căn nhà đất đã hạ nhiệt nhưng người mua chần chừ chưa xuống tiền.
“Một khách khác của tôi nhờ tôi tìm nhà 2 tháng. Ban đầu, họ muốn tôi đàm phán giá 3,5 tỷ sẽ chốt mua. Giá chủ nhà rao bán là 3.8 tỷ. Khi chủ nhà đồng ý, họ lại muốn giảm còn 3 tỷ. Tức là họ không phải giảm giá thêm trăm triệu mà còn mong muốn giá giảm thành 800 triệu so với giá chủ nhà đưa ra, Thị trường khó khăn thật nhưng không đồng nghĩa giá ép sâu đến như vậy”, môi giới này kể thêm.
Chung một sự bức xúc như anh Trường, chị Hương kể: “Khách của tôi hỏi liên tục: Giá còn giảm sâu nữa không? Khi tôi hỏi ngược lại: 'Anh muốn giá bao nhiêu để em nói chuyện với chủ nhà'. Một là họ không nghĩ ra được mức giá mà chính họ mong muốn mua. Hai là họ cắt sâu tới 500-1 tỷ đồng. Ví dụ căn nhà 3,5 tỷ đồng. Nếu giảm 1 tỷ đồng, tôi nghĩ chẳng có chủ nhà nào muốn bán”.
Theo chị Hương, tâm lý hiện tại của người mua: “Được rẻ thì chốt, thấy giá chưa giảm quá sâu thì dừng”. Nhưng chính người mua không định giá mức giá vốn của bất động sản giảm bao nhiêu là hợp lý. Họ chỉ muốn: Giá giảm nữa, giảm mãi.
Tuy nhiên, môi giới này khẳng định chắc nịch: “Rất khó để giá bất động sản giảm như thời 2011-2013. Đây là thời điểm chủ nhà cần tiền và họ đã thiện chí giảm sâu. Nếu người mua không cân nhắc xuống tiền, sẽ bỏ lỡ cơ hội mua nhà giá rẻ. Sang năm, room tín dụng mới, người mua nhà dễ dàng vay vốn ngân hàng. Nguồn tiền đổ vào bất động sản lớn. Giá bất động sản có thể tăng bật trở lại”.
Một nhà đầu tư kỳ cựu có kinh nghiệm 14 năm trên thường trường khẳng định chắc nịch: “Đây là thời điểm tốt để mua nhà. Nếu người mua ham rẻ, họ có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội. Thời điểm này là giai đoạn đàm phán dễ dàng với chủ nhà. Đến năm sau, tình hình kinh tế đảo ngược, người mua khó thương lượng một mức giảm sâu”.
Dự báo về giá bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bán loại hình bất động sản nhà ở có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2023. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích, all in one…đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến từng khẳng định, ngay thời điểm thị trường khủng hoảng, giá bất động sản cũng không hạ quá sâu. Thậm chí, một số phân khúc, giá bất động sản đi ngang và nhìn chung, giá nhà ở chưa bao giờ giảm trong trung và dài hạn.
Nhịp sống thị trường