MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người chịu mời bạn về nhà ăn cơm, nhất định phải kết giao sâu: Tại sao?

29-12-2021 - 19:44 PM | Sống

Trong xã hội ngày nay, các bữa tiệc bên ngoài đa phần đều vì xã giao, bữa cơm gia đình mới là bữa ăn cao cấp thực sự. Bạn đã bao giờ nghĩ, đã bao lâu rồi bạn không mời một người bạn về nhà ăn tối? Đã bao lâu rồi bạn không được bạn bè mời về nhà dùng cơm?

Trong thành phố, có một nơi để ăn uống tụ hội với bạn bè trong những ngày nghỉ là một điều tuyệt vời, nhưng nó sẽ càng tuyệt hơn nếu nơi đó là nhà của bạn bè bạn.

Có một người bạn thường mời tôi đến nhà ăn cơm: "Này, đến đâu rồi? Cậu nhanh lên được không, cơm nước xong xuôi hết rồi."

"Sắp đến rồi, tắc đường tí."

"Mau lên, lúc đến mua thêm ít salad ở tiệm dưới nhà nhá."

"Lại là salad bò à? Mình biết rồi."

Đây là cuộc đối thoại quen thuộc xảy ra khi cậu ấy mời tôi về nhà ăn tối. Đi xã giao rất ít khi có cuộc nói chuyện như vậy. Khi chúng ta đến đông đủ, vị trí khách mời được chia rõ ràng, mục đích bữa tiệc được phát biểu, giới thiệu hết một vòng mới uống rượu dùng bữa, cứ giống như cuộc so kè giữa tình cảm và lợi ích. Khi bữa ăn kết thúc thì chia tay nhau, tình cảm cũng chỉ giới hạn trong bữa ăn đó. Mọi người tụ tập, uống rượu, nói chuyện rôm rả, nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu vắng cái gì đó.

Thiếu tình bạn, thiếu chân thành.

Người chịu mời bạn về nhà ăn cơm, nhất định phải kết giao sâu: Tại sao? - Ảnh 1.

1. Người mời bạn về nhà ăn cơm là người đối xử chân thành với bạn

Tôi vẫn nhớ, người bạn trên sống ở một xóm nhỏ trong thành phố, xóm đó tập trung rất nhiều lập trình viên như cậu ấy. Đi vào những con đường tối và ẩm thấp, lội qua các vũng nước thải trên mặt đất, vượt qua những đống rác, tránh những chiếc xe máy phóng đi một cách liều lĩnh, cuối cùng là nhà của cậu ấy với một cái giường, một cái bàn tròn và một cái bếp. Cứ giống như một cuộc phiêu lưu vậy, vượt qua vô số thử thách, cuối cùng sẽ là khói lửa nhân gian.

Mỗi khi mời một nhóm người chúng tôi đến nhà ăn, cậu ấy sẽ coi đó là việc quan trọng nhất trong ngày. Cậu ấy sẽ đi chợ rất sớm, tính toán thời gian cần thiết để nấu từng món, đầu tiên nên luộc gà như thế nào, sau đó sẽ nấu cà tím, đợi đến khi ăn thì hâm nóng là được. Còn lại các món chế biến nhanh như rán cá, canh khoai tây thì giải quyết tí là xong.

Quen chân quen tay, một mình cậu ấy xử lý hết một bàn thức ăn.

Chúng tôi quen nhau từ thuở còn đại học, đến giờ cậu ấy vẫn nhớ khẩu vị của mỗi người, khoai không được nấu quá bở, cơm phải cứng, cá rán phải hơi cháy, điều này khiến chúng tôi rất cảm động. Nếu một người không thật lòng với bạn sẽ không thể làm những thứ này vì bạn, cũng sẽ không cho phép bạn nhìn thấy những thứ riêng tư của họ.

Có lần, một người bạn nữ đi cùng tôi hỏi: "Sao anh lại thích nấu ăn thế?" Cậu ấy nói với vẻ mặt nghiêm túc hiếm thấy: "Tớ không thích lắm, nhưng mỗi lần bọn nó tới ăn cơm, tớ sẽ không thấy cô đơn nữa".

Đây chính là tự tin tưởng và chân thành hiếm có. Những con người xa quê cần lắm một bữa cơm gia đình, còn có dăm ba đứa bạn chân thành nữa. Nếu bạn có một người bạn sẵn sàng mời bạn đến nhà dùng bữa thì xin hãy biết trân trọng, vì điều này đáng quý lắm đấy.

Người chịu mời bạn về nhà ăn cơm, nhất định phải kết giao sâu: Tại sao? - Ảnh 2.

2. Người mời bạn về nhà ăn cơm là người cùng chung chí hướng với bạn

Nếu bạn và bạn của bạn không thể ăn được cùng nhau, không tán đồng được với nhau, có thể bạn sẽ không muốn mời họ về nhà ăn cơm.

Hồ Thích và Lương Thực Thu - nhà tản văn của Trung Quốc, hai người vô cùng hợp tâm ý nhau, ý chí tương đồng, cũng đều thích ăn uống. Cứ mỗi chủ nhật, nhà Hồ Thích lại có "Ngày mở cửa gia đình", và Lương Thực Thu là một khách quen ở đó. Cả Hồ Thích và Lương Thực Thu đều thích món "Lẩu nhất phẩm" An Huy: món ăn cần bỏ nhiều nguyên liệu khác nhau vào nồi và ninh từ từ, đây cũng được coi là món ăn cao cấp dùng để đãi khách.

Lần đầu tiên Lương Thực Thu đến nhà Hồ Thích, vợ của Hồ Thích tự tay nấu nồi lẩu nhất phẩm, Lương Thực Thu khen ngợi không ngớt, cả đời ấn tượng mãi không quên: "Một cái chảo sắt to bưng lên khi đang nóng hổi, bên trong thức ăn vẫn sôi sùng sục. Một lớp gà, một lớp vịt, một lớp thịt lợn, một lớp đậu phụ dầu, điểm xuyết một ít bánh bao trứng, củ cải và rau xanh, mùi vị tuyệt trần".

Trong bữa tiệc xã giao, lấy danh ăn uống nhưng nói chuyện làm ăn, lợi lộc; còn bữa cơm ở nhà thì đơn giản lắm, hai ta cùng yêu thích món ăn này, vậy là bắt tay vào bếp thôi.

Một số người vì đồ ăn mà tụ lại với nhau, cũng có những người khác vì chí hướng tương đồng mà tán thưởng lẫn nhau. Cái gọi là bạn nhậu, vừa là bạn ăn uống, cũng vừa là tri kỷ.

Rượu thịt còn đó, tình cảm còn đó, dù rượu thịt không còn nhưng vì chí hướng tương đồng mà tình cảm cũng vẫn còn. Nếu không mời người "bạn nhậu" đến nhà dùng bữa thì mời ai đây?

Người chịu mời bạn về nhà ăn cơm, nhất định phải kết giao sâu: Tại sao? - Ảnh 3.

3. Người mời bạn về nhà ăn cơm sẵn sàng cởi mở với bạn

Con người không phân cao thấp nhưng tình bạn có nông có sâu.

Có người là bạn cùng trải qua thử thách sóng gió, thâm tình trọn đời, cũng có người chỉ là vu vơ gật đầu làm bạn, thời gian dễ dàng cuốn họ đi mất. Những người bạn mà bạn thực sự quan tâm, bạn sẽ muốn dẫn họ đến nhà ăn cơm uống rượu, tán gẫu chuyện xưa, không quan trọng đồ ăn đắt tiền hay không, hoàn cảnh có cao cấp hay không.

Bố tôi biết rất rõ điều này, những người đồng đội năm đó cùng xách súng, vác pháo với ông, vào những ngày lễ hay ngày quan trọng ông đều sẽ mời họ đến nhà ăn cơm. Những người bạn này là giao tình trọn đời. Với những người bạn xã giao, tụ tập nhất định phải đến nhà hàng, bày bố rất trang trọng, nhưng tình cảm rất nhạt nhòa.

Khi tôi còn nhỏ, điều hạnh phúc nhất là khi các chiến hữu của bố đến dùng bữa, vì các món ăn sẽ phong phú hệt như bữa tối giao thừa. Đôi khi, họ tự mang theo một vài con cá hiếm, khi đến thì đích thân vào bếp, làm xong gọi chúng tôi vào ăn, không hề cảm thấy xa lạ chút nào. Vừa ăn vừa nghe họ trò chuyện về doanh trại, hải đảo, đây là hồi ức náo nhiệt nhất, cũng ấm áp nhất trong tuổi thơ của tôi.

Khi lớn lên, nhìn thấy những bữa tiệc xã giao đưa đẩy và nụ cười đầy giả tạo, tôi mới hiểu được những bữa tụ hội đó đáng quý đến mức nào. Suy cho cùng, những món sơn hào hải vị ở ngoài có ngon đến đâu cũng không thể ăn ra hương vị và sự ấm áp như bữa cơm ở nhà được.

Nấu ăn là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức, phải mua nguyên liệu từ sớm và làm theo quy trình để đảm bảo thức ăn luôn nóng hổi khi ăn. Nếu như không có lòng, ai sẽ sẵn sàng bỏ ra một lượng thời gian và sức lực khổng lồ như vậy?

Thành phố rất lớn, có rất nhiều người sẵn sàng mời bạn đi ăn tối, nhưng rất ít người sẵn sàng nấu ăn vì bạn. Ăn uống với bạn bè, có người thích mùi vị bia đêm cùng xiên nướng, có người lại thích đao to búa lớn trên bàn rượu.

Ấm áp nhất là vào một ngày nghỉ đẹp trời, có người nói với bạn: "Này, có rảnh không? Đến nhà tao ăn tối đi". Nếu có những người như vậy trong đời, nhất định phải đối xử chân thành với họ nhé.

Theo Lạc Kỳ

Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên