MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người có tu dưỡng hay không, chỉ cần nhìn vào 1 biểu hiện này là có ngay câu trả lời

07-08-2020 - 22:06 PM | Sống

Tu dưỡng là từ khái quát, chỉ phẩm chất, đạo đức, khí chất của mỗi người. Người có tu dưỡng hay không, không thể dựa vào tiền bạc hay địa vị để đánh giá.

Để trở thành một người có tu dưỡng, con người phải trải qua một thời gian rèn luyện và bồi dưỡng lâu dài.

Muốn biết một người có tu dưỡng hay không, hoàn toàn có thể dựa vào cách họ đối xử với người yếu thế, thấp kém hơn họ để đánh giá.

Tu dưỡng của một người thể hiện ngay trong những việc nhỏ nhặt nhất

Chỉ cần nhìn những chi tiết nhỏ nhặt là có thể nhìn ra cảnh giới của một người

Tôi đã từng xem qua một đoạn video như thế này:

Trên hành lang của một văn phòng làm việc, vì mùa đông trời mưa nên những người giao cơm sẽ dễ bị chậm giờ.

Một cô gái nọ đặt cơm, vừa thấy người giao hàng đưa cơm tới đã hất đổ cả hộp cơm lên mặt đất trong cơn tức giận, còn độc mồm độc miệng mắng anh ta đưa cơm trễ như vậy, cơm canh nguội hết rồi làm sao ăn được…

Sự tức giận của cô gái đặt cơm này không bắt nguồn từ việc người giao hàng đưa cơm đến muộn, quan trọng hơn là cô ấy đã khinh thường, thiếu tôn trọng người giao hàng từ trong tiềm thức.

 Người có tu dưỡng hay không, chỉ cần nhìn vào 1 biểu hiện này là có ngay câu trả lời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đổi sang một tình huống khác, nếu là cấp trên của cô ta đưa cho cô ta một hộp cơm đã nguội hay đưa cho cô ta một tập giấy tờ trễ hơn so với lịch hẹn, liệu cô ta có dám vứt hộp cơm xuống sàn nhà hay có dám vứt tập văn kiện xuống đất trước mặt cấp trên hay không?

Sự tu dưỡng, mức độ có giáo dục của một người ít khi được thể hiện ra qua thái độ của người đó với đồng nghiệp, bạn bè hay cấp trên, nhưng lại thể hiện rất rõ khi họ đối xử với người có địa vị thấp kém hơn họ.

Bởi thế nên muốn biết một người có tu dưỡng hay không, chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử với những người yếu thế, thấp kém hơn họ là sẽ có câu trả lời.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, bất kể giữa người với người hay giữa các ngành nghề, không nên phân biệt cao thấp giàu hèn, tất cả đều nên đối xử bình đẳng với nhau.

Hãy nhớ rằng chẳng có gì là mãi mãi, chẳng ai dám chắc rồi ngày mai ta sẽ ra sao, cười người hôm trước, hôm sau người cười. Vì thế hãy luôn sống với thái độ chừng mực, tôn trọng người khác.

Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính bản thân mình. Khi chúng ta buông lời hạ thấp người khác, đó cũng chính là lúc chúng ta đang hạ thấp chính mình.

Tu dưỡng ở mức độ cao hay thấp không liên quan đến học lực, sự giàu có hay đẳng cấp xã hội

Cảnh giới của mỗi người không liên quan đến học lực, tài sản và đẳng cấp xã hội của một người, nhưng lại liên quan đến tầm nhìn, sự tu dưỡng đạo đức và cốt cách của người đó.

Những người có cảnh giới càng cao, đều có trí tuệ cảm xúc cao, họ hiểu rõ rằng cần tôn trọng người khác. Đồng thời, một người biết tôn trọng người khác sẽ luôn là một người "ưu tú".

Tầm nhìn của những con người ưu tú thường cũng rất xa, họ có kinh nghiệm, có cốt cách, họ trưởng thành dựa vào năng lực, không cần phải đánh bóng bản thân bằng cách hạ thấp người khác;

Họ cũng hiểu được "đồng cảm sẻ chia", biết đặt bản thân vào vị trí của người khác, biết rằng tôn trọng người khác cần sự nỗ lực và không hề dễ dàng.

 Người có tu dưỡng hay không, chỉ cần nhìn vào 1 biểu hiện này là có ngay câu trả lời - Ảnh 2.

Tôn trọng người khác có thể chia thành 3 cảnh giới:

Cảnh giới thứ nhất: Tôn trọng người thân.

Cảnh giới thứ hai: Tôn trọng người qua đường.

Cảnh giới thứ ba: Tôn trọng kẻ thù.

Khi chúng ta có thể đạt đến cảnh giới tôn trọng kẻ thù, lúc đó chúng ta sẽ không còn kẻ thù nữa, đây mới chính là sự vô địch thật sự.

Tôn trọng lãnh đạo là một thiên chức, tôn trọng đồng nghiệp là một bổn phận, tôn trọng cấp dưới là một đạo đức tốt đẹp, tôn trọng khách hàng là một dạng thường thức, tôn trọng đối thủ là một dạng khoan dung, tôn trọng tất cả mọi người là biểu hiện của người có giáo dục.

Sự hấp dẫn của việc tôn trọng không bao giờ có giới hạn.

Không có ai trên đời là thập toàn thập mỹ, chúng ta không có tư cách gì để nhìn người khác bằng con mắt khinh đời, cũng không có tư cách làm tổn thương lòng tự tôn của người khác.

Ngay cả khi bản thân có một số mặt không bằng người khác, chúng ta cũng không nên thay lòng tự tôn bằng lòng tự ti và sự đố kị.

Chỉ cần học cách tôn trọng người khác, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của họ. Thật ra tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính bản thân mình.

Có tấm lòng khoan dung độ lượng, đối xử lương thiện với tất cả mọi người, cho dù bạn thích hay ghét, cho dù đó là bạn bè hay kẻ thù của bạn, đều nên tôn trọng họ, đó là hành động dũng cảm và cũng là một biểu hiện của sự khôn ngoan.

Theo Khánh An

Trí thức trẻ

Trở lên trên