MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân chuộng chụp CT toàn thân tìm ung thư từ trứng nước: BS Việt tại Mỹ chỉ ra sai lầm

05-10-2020 - 14:59 PM | Sống

Hiện nay, chụp CT scan đa dãy để phát hiện sớm ung thư đang được nhiều người thực hiện. Họ tin rằng CT đa dãy sẽ tìm ra ung thư từ trong trứng nước. Tuy nhiên, sự thật trật lất không như người ta n...

Bác sĩ Dương Tấn Khánh – Bác sĩ học nội trú năm thứ 3 tại Dallas, Texas, Mỹ - cho biết mọi người đang sợ bệnh ung thư như sợ "ngáo ộp". Tại Việt Nam đang có những quan điểm sai lầm về sàng lọc ung thư.

Bác sĩ Khánh chỉ ra 3 quan điểm hay gặp nhất hiện nay

Thứ nhất, 1 xét nghiệm sàng lọc được tất cả bệnh

BS Khánh cho biết, trước đây, khi còn ở Việt Nam, bác sĩ thường xuyên gặp nhiều bệnh nhân đến khám xin kiểm tra toàn diện để xem trong người có gì không? Đứng trước những lời đề nghị từ bệnh nhân, với bác sĩ Khánh đây là yêu cầu khó thực hiện bởi sàng lọc ung thư rất phức tạp. Mỗi bệnh ung thư cần 1 cách sàng lọc khác nhau.

Có bệnh ung thư để sàng lọc cần lấy máu, có bệnh cần phải thực hiện xâm nhập, có bệnh cần chẩn đoán hình ảnh, có bệnh giải phẫu tế bào học… Bác sĩ Khánh cho rằng không phải chỉ cần 1 biện pháp là có thể sàng lọc hết được ung thư ngay.

Người dân chuộng chụp CT toàn thân tìm ung thư từ trứng nước: BS Việt tại Mỹ chỉ ra sai lầm - Ảnh 1.

BS Dương Tấn Khánh

Vì vậy, các bác sĩ chỉ sàng lọc các bệnh ung thư hay gặp nhất tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình. Một bệnh nhân cần sàng lọc ung thư họ sẽ được tư vấn để sàng lọc 1 bệnh ung thư có nguy cơ nhiều nhất mà không phải sàng lọc cả chục bệnh.

Ví dụ: Một bệnh nhân nữ 60 tuổi có thể sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng… còn các ung thư khác hiếm gặp ít phải sàng lọc hơn.

Nhưng một nam giới 30 tuổi khoẻ mạnh, không hút thuốc, không có tiền sử bệnh gì sẽ khác. Trong trường hợp này bác sĩ Khánh cho rằng không sàng lọc ung thư cho họ vì nguy cơ bị ung thư ít thay vì sàng lọc nên tư vấn cho bệnh nhân ăn uống lành mạnh, thể dục…

Thứ hai, quan điểm về sàng lọc ung thư bằng CT scan

Bác sĩ Khánh cho biết người quen của mình cũng từng chia sẻ cứ 6 tháng 1 lần đi chụp CT toàn thân để sàng lọc ung thư. Đây là quan điểm sai lầm. Vì CT scan không phải là cách sàng lọc ung thư. Thậm chí, sử dụng CT đa lát cắt toàn thân như một số phòng khám ở Việt Nam quảng cáo là sai hoàn toàn.

Theo BS Khánh việc tầm soát ung thư để phát hiện ở giai đoạn sớm, tiền ung thư để loại bỏ tế bào ác tính. Tuy nhiên, những tổn thương này khó thấy trên CT scan. Hiện nay, ngoài ung thư phổi, CT scan không được khuyến cáo tầm soát ung thư nào.

Ngoài không có tác dụng, CT scan là xét nghiệm hình ảnh chủ yếu sử dụng tia X để tái tạo hình ảnh bên trong cơ thể. Khi chụp CT mức độ phơi nhiễm phóng xạ tăng lên.

Ví dụ chụp Xquang ngực thì tương đương với 2,4 ngày bức xạ nền (tương đương với nền bức xạ nền tự nhiên trên trái đất). Nếu CT scan sọ não - mức độ nhiễm xạ khoảng 100 lần Xquang ngực tương đương 8 tháng phơi nhiễm bức xạ nền tự nhiên.

Người dân chuộng chụp CT toàn thân tìm ung thư từ trứng nước: BS Việt tại Mỹ chỉ ra sai lầm - Ảnh 2.

CT không sàng lọc được ung thư sớm trừ ung thư phổi

Còn CT ổ bụng - tương đương với 400 lần Xquang ngực tương đương với 2,7 năm bức xạ nền.

CT mạch máu - bức xạ tương đương với 4 năm phơi nhiễm bức xạ nền tự nhiên.

"Chưa kể một số trường hợp bác sĩ có chỉ định CT có thuốc cản quang hoặc không có thuốc cản quang đều có nguy cơ có hại cho sức khoẻ" - bác sĩ Khánh nói.

Nếu một người năm nào cũng đi chụp CT scan thì mức độ phóng xạ sẽ rất lớn. Phơi nhiễm nhiều phóng xạ lại là yếu tố tăng nguy cơ ung thư như ung thư giáp, ung thư máu. Quan điểm chụp CT sàng lọc ung thư cuối cùng chưa sàng lọc được ung thư lại có nguy cơ phơi nhiễm yếu tố mắc bệnh hơn.

Thứ ba, quan điểm kết quả bất thường là mắc ung thư

Bác sĩ Khánh cho biết nếu kết quả xét nghiệm tầm soát sớm ung thư bất thường không có nghĩa bạn sẽ bị ung thư. Ngược lại, kết quả sàng lọc bình thường cũng không chắc bạn không bị ung thư.

Chẩn đoán ung thư là chẩn đoán phức tạp, chuyên sâu. Khi có kết quả sàng lọc bất thường cần làm các xét nghiệm khác để loại trừ hoặc khẳng định ung thư.

Thứ tư, quan điểm sàng lọc 1 lần

Khi sàng lọc không bị ung thư không có nghĩa 2-3 năm tới bạn sẽ không bị ung thư. BS Khánh cho biết tuỳ từng loại ung thư sẽ phải sàng lọc liên tục. Sàng lọc ung thư tốt nhất sàng lọc đến khi việc sàng lọc không mang lại lợi ích cho người bệnh nữa.

Ví dụ, bệnh nhân 60 tuổi bị suy thận, bệnh tim thì không cần sàng lọc ung thư. Nhưng trường hợp khác 75 tuổi không có bệnh lý nền, bác sĩ vẫn tư vấn cần sàng lọc ung thư. Trong các khuyến cáo sàng lọc ung thư thường đưa ra độ tuổi tối đa để sàng lọc ung thư nhưng số tuổi này chỉ là tương đối và tuỳ vào từng người để có chỉ định sàng lọc.

Theo N.Anh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên