MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân đổ xô chặt cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng trong khi một ông bầu đã sở hữu 1.000ha đất trồng - giá lên chỉ việc thu lãi

09-03-2023 - 10:55 AM | Thị trường

Đã có hàng trăm nghìn hecta hồ tiêu, cà phê, mít, nhãn, thanh long… bị người dân chặt bỏ để trồng sầu riêng khi giá thu mua ngày càng tăng cao.

Cơn sốt sầu riêng

Cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá sầu riêng thu mua tại vườn neo ở mức cao, có lúc vượt 200.000 đồng/kg. Các vựa, doanh nghiệp vẫn ráo riết gom hàng với số lượng lớn để xuất sang thị trường này.

Do vậy, người dân liên tục tìm cách mở rộng diện tích đất trồng sầu riêng. Theo thống kê của các địa phương khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, tính đến tuần cuối của tháng 2/2023, đã có hàng trăm nghìn hecta hồ tiêu, cà phê, mít, nhãn, thanh long… bị người dân chặt bỏ để trồng sầu riêng.

Người dân đổ xô chặt cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng trong khi một ông bầu đã sở hữu 1.000ha đất trồng - giá lên chỉ việc thu lãi - Ảnh 1.

Ảnh: NLĐ

Theo số liệu thống kê của Cục thống kê tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt hơn 4.802ha, tăng 28,4% so với năm 2021, diện tích cho sản phẩm là khoảng 2.289 ha, tăng 611 ha. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu ghi nhận giảm khoảng 1.144ha, cà phê giảm 604 ha trong năm 2022.

Một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn phá bỏ một phần diện tích đất lúa để trồng sầu riêng, khiến cho diện tích cây ăn trái này tăng lên đột biến, gấp nhiều lần quy hoạch.

Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng của cả nước đã lên 110.000ha và vẫn có khả năng tăng trong thời gian tới. Điều này dẫn đến lo ngại về điệp khúc trồng - chặt sẽ diễn ra với cây sầu riêng trong những năm tới như đã từng diễn ra với mít, thanh long…

Bầu Đức 'đón sóng' sầu riêng

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), thông tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Tính tổng các đợt phê duyệt, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư ký kết với phía Trung Quốc.

Điều này mở ra cơ hội lớn hơn cho trái sầu riêng Việt Nam và người trồng nói chung. Trong đó, có Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.

Lần đầu tiên sau nhiều năm giấu kín, bầu Đức tiết lộ những "vũ khí" bí mật của mình. Bầu Đức cho biết, sau những thăng trầm cuộc đời, ông không muốn nói trước bất cứ cái gì. Ông cũng không công bố khi đã làm mà chỉ công bố khi đã có thành quả. Đó là vườn sầu riêng “cả Đông Nam Á không ai có” với diện tích lên tới 1.000 hecta.

Bầu Đức lí giải, nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhiều nước trồng sầu riêng nhưng ruộng liền một thửa lên hàng ngàn hecta như HAGL thì "không ai có". Cũng như chuối, sầu riêng được trồng cuốn chiếu.

HAGL đang trồng khoảng 1.000ha sầu riêng, hơn 200ha sầu riêng tại Việt Nam và gần 800ha tại Lào (trong năm 2022 có trồng thêm), có hai giống chủ lực là sầu riêng giống Musang King (Malaysia) và Monthong (Thái Lan).

Người dân đổ xô chặt cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng trong khi một ông bầu đã sở hữu 1.000ha đất trồng - giá lên chỉ việc thu lãi - Ảnh 2.
Người dân đổ xô chặt cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng trong khi một ông bầu đã sở hữu 1.000ha đất trồng - giá lên chỉ việc thu lãi - Ảnh 3.

Theo chia sẻ của bầu Đức, HAGL có lợi thế trồng tại khu vực Gia Lai và Lào - nơi có khí hậu mát mẻ cùng độ cao hàng trăm mét - sẽ cho sản lượng trái vụ. Cụ thể, sầu riêng trong nước thu hoạch vào tháng 7 còn sầu riêng của HAGL trồng ở Gia Lai là trên độ cao 600 mét, ở Lào là độ cao 900 mét nên tháng 10 mới thu hoạch. Bán trong nước có khi còn chưa đủ nên việc bán cho Trung Quốc vẫn còn phải tính toán.

Theo ước tính của bầu Đức, sầu riêng có biến phí là 5.000 đồng, tính cả chi phí đất đai, nhân công… thì giá vốn sầu riêng là 10.000 đồng/kg; trong khi giá bán dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg. Với năng suất 30-40 tấn/ha, sầu riêng dự kiến sẽ mang lại cho HAGL một khoản thu lớn bên cạnh heo và chuối.

Thách thức từ Thái Lan

Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, năm nay, Thái Lan tự nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển. Đây là động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.

Thực tế, sầu riêng Thái Lan chỉ có theo mùa, trong khi tại Việt Nam sầu cho thu hoạch quanh năm. Cuối năm 2022, sầu Việt được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gần như không gặp cạnh tranh với các thủ khác.

Từ cuối tháng 3 và tháng 4, cả Thái Lan và các vùng trồng sầu riêng nước ta bước vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tặng mạnh. Khi đó, cuộc cạnh tranh giữa "sầu Thái" và "sầu Việt" mới chính thức bắt đầu.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên