Người dân đổ xô về quê đón Tết
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đề nghị các địa phương không cách ly người dân về quê đón Tết, nhiều người đã quyết định mua vé "giờ chót". Một số địa phương cũng cam kết tạo thuận lợi cho người dân trở về sum vầy với gia đình.
- 22-01-2022Bến xe nhộn nhịp, xe khách nối đuôi nhau đón người dân rời TP.HCM về quê đón Tết sớm
- 22-01-2022Bộ Y tế đề nghị các địa phương không cách ly người về quê đón Tết Nguyên đán
- 22-01-2022Ảnh, clip: Sân bay Tân Sơn Nhất nhộn nhịp người về quê đón Tết, hành khách rồng rắn xếp hàng dài check in
Các hãng hàng không đang bước vào đợt cao điểm nhất trong năm phục vụ hành khách về quê đón Tết Nguyên đán 2022 với tín hiệu lạc quan từ việc điều chỉnh quy định phòng chống dịch Covid-19.
Sân bay, tàu, xe "tăng nhiệt"
Theo ghi nhận, nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) ngày 23-1 (tức 21 tháng chạp) ken đặc người đến làm thủ tục. Tại khu vực làm thủ tục của các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, nhân viên liên tục hướng dẫn hành khách vào quầy, khai báo y tế và xếp hàng…
Với việc 3 tuần liên tiếp vừa qua, TP HCM vẫn là "vùng xanh" và mới đây, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đề nghị không cách ly người dân về quê đón Tết, nhiều người quyết định mua vé "giờ chót". Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết những thông tin tích cực về việc nới lỏng quy định di chuyển nội địa đã giúp người dân có thể về thăm quê một cách thuận lợi, dễ dàng. Vietnam Airlines đang nhanh chóng rà soát và gửi các kế hoạch tăng tải nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Các đường bay đang được bổ sung tần suất lớn có thể kể đến là từ TP HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Huế và một số đường bay địa phương như Chu Lai, Buôn Ma Thuột…
Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, nhận định các chỉ đạo rõ ràng và chính sách hỗ trợ tốt đã tạo tiền đề cho việc thúc đẩy đi lại, giao thương và du lịch trong dịp Tết. Cũng như các hãng khác, Vietravel Airlines sẽ tính toán và làm việc với các cơ quan quản lý trong việc xin phép tăng slot (lượt cất - hạ cánh) và nâng tần suất các chuyến bay.
Nhiều hành khách chờ làm thủ tục về quê đón Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, sau khi biết thông tin nhiều địa phương không cách ly y tế tại nhà đối với người trở về từ TP HCM, nhiều người đã thay đổi kế hoạch, đổ ra bến xe mua vé về quê. Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách bắt đầu tăng từ chiều 23-1. Chị Tạ Thị Ngọc Tuyết (quê Khánh Hòa) bày tỏ vui mừng: "Dù đặt xe trễ nhưng khi đến quầy bán vé của hãng xe Cúc Tùng đặt 4 chỗ về Nha Trang thì có ngay khiến tôi rất phấn khởi".
Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông, tính trong ngày 22-1, bến xe này đón khoảng 8.600 lượt khách đi về các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Đến ngày 23-1, lượng khách tăng thêm 20%. Đến thời điểm này, lượng vé xe Tết bán ra tại Bến xe Miền Đông đạt khoảng 55%, hy vọng sẽ tăng mạnh từ nay đến cao điểm về quê (27 tháng chạp).
Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), những ngày qua lượng khách qua bến đã tăng nhẹ, khoảng 4.500 người/ngày, trung bình xe xuất bến 15 khách/chuyến. Hiện có hơn 57.300 vé Tết đã được doanh nghiệp bán ra. Bến xe này dự báo lượng khách đạt khoảng 60% so với Tết năm ngoái.
Ngành đường sắt những ngày cận Tết cũng khởi sắc hơn khi lượng khách mua vé tàu về quê bắt đầu tăng. Đến ngày 23-1, lượng vé tàu Tết bán ra của ga Sài Gòn đạt trên 60.000, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài 4 đôi tàu Bắc - Nam mở bán giai đoạn đầu, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu, chuyến tàu từ TP HCM đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn…
Tự theo dõi sức khỏe, thực hiện nghiêm 5K
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã cam kết nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và đề nghị của Bộ Y tế, tạo thuận lợi nhất để người dân trở về quê đón Tết, sum vầy với gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng không áp dụng cách ly đối với mọi trường hợp người dân về quê ăn Tết. Hiện tại, người về quê đón Tết tại TP Đà Nẵng chỉ khai báo y tế qua các app của thành phố hoặc PC-Covid. Trường hợp về từ địa bàn có cấp độ dịch là cấp 4 ("vùng đỏ") cũng chỉ áp dụng khai báo y tế và khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng vừa ban hành quyết định về việc thay đổi một số biện pháp ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân về quê đón Tết, an toàn và tiết kiệm. Cụ thể, không bắt buộc xét nghiệm RT-PCR hay test nhanh Covid-19 đối với người trở về Quảng Ngãi từ các địa phương khác; không áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, chỉ yêu cầu người dân tự theo dõi sức khỏe; điều chỉnh quản lý F0 tại nhà, nơi lưu trú theo hướng an toàn, linh hoạt.
Những ngày cận Tết, Cà Mau - tỉnh từng đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 và Bạc Liêu - tỉnh từng là "vùng đỏ" duy nhất cả nước, đã nỗ lực phòng chống dịch để trở về "vùng xanh", giúp người dân vui xuân, đón Tết an toàn. Đến nay, Cà Mau chỉ còn "vùng vàng" duy nhất là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), còn lại đều là "vùng xanh". Do đó, lãnh đạo địa phương này cam kết không hạn chế hoặc cách ly người dân từ nơi khác về quê đón Tết.
"Cà Mau từng đón trên 40.000 lao động tự do về quê hồi tháng 10-2021 và hiện nay, tỉnh cũng không hạn chế, không bắt buộc người dân về quê đón Tết phải cách ly y tế nhưng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K" - ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, nêu rõ.
Trong khi đó, ông Trần Trung Vĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định tỉnh không có quy định hạn chế người dân, lao động từ nơi khác đến địa phương này dịp Tết. "Để người dân vui xuân đón Tết an toàn, tiết kiệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có chỉ thị gửi các sở, ban, ngành, trong đó quy định rõ người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết" - ông Vĩ thông tin.
Một số địa phương chưa điều chỉnh
Đến thời điểm này, UBND tỉnh Đắk Lắk chưa có chỉ đạo chính thức về việc điều chỉnh không cách ly đối với người trở về từ các địa phương khác. Thay vào đó, tỉnh quy định những người tiêm chưa đủ liều vắc-xin thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Riêng những người chưa được tiêm vắc-xin thì thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày kể từ khi về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày sau đó.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chưa có văn bản điều chỉnh mà vẫn thực hiện quy định phòng dịch, áp dụng từ ngày 7-1. Cụ thể, người đến/trở về từ các địa phương có mức độ dịch cấp độ 3 ("vùng cam") và cấp độ 4 ("vùng đỏ") thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi hoặc lưu trú tối thiểu 14 ngày kể từ khi về/ đến địa phương; xét nghiệm 3 lần vào các ngày thứ 1, thứ 7 và thứ 14 kể từ khi tới bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR nếu chưa tiêm vắc-xin Covid-19. Nếu đã tiêm nhưng chưa đủ liều vắc-xin cũng cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày...
Người lao động