MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân không thực hiện phân loại rác thải sẽ phải trả phí cao hơn

04-06-2020 - 14:18 PM | Xã hội

Ngày 3/6, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về những điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có vấn đề được dư luận rất quan tâm là quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải nguy hại.

Theo Dự thảo, ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn và người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp.

Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90% còn TP Hồ Chí Minh tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng.

Cục Môi trường cho biết, luật hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tính dựa trên khối lượng phát sinh (khoản 6 Điều 79). Bộ trưởng Bộ TN-MT sẽ hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

"Việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn", ông Hiền nói.

Bên cạnh đó, luật cũng đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 5 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, điều này một mặt để làm căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. Và những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.

Bên cạnh đó, việc giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của quy định.

Đối với quản lý chất thải nguy hại, dự thảo luật quy định yêu cầu chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt phải được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện thu hồi, xử lý theo quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải nguy hại.

Quy định này sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra do chất thải nguy hại trong sinh hoạt gây ra, tuy nhiên cần phải có chính sách giám sát khả thi và phù hợp.

Theo Trúc Linh

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên