Người dân khu tái định cư Phú Diễn vẫn chưa được “yên ổn” sau 6 năm nhận nhà
Chính sách tái định cư của nhà nước luôn đi theo định hướng là chỗ ở mới phải tốt hơn và điều kiện sống phải đảm bảo hơn chỗ ở cũ. Tuy nhiều khu tái định cư như nhà tái định cư Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thì người vẫn chưa thể ổn định cuộc sống sau gần 6 năm chuyển về chỗ ở mới.
Từ năm 2010 khi bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, để thực hiện cải tạo, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 32 đoạn từ Cầu Diễn – Nhổn. Người dân đã được di dời tới một khu mới, tuy nhiên đến nay đa số các hộ dân vẫn chưa thể ổn định cuộc sống cho dù đã qua quãng thời gian 6 năm.
Khi người dân được chuyển về nơi ở mới mà cụ thể là tại Khu tái định cư (TĐC) Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thì nhiều người dân cho hay sau hơn hai năm chuyển về sinh sống thì họ phải sống trong cảnh hai không đó là không điện và không nước.
Ông Đỗ Mạnh Hoan Người dân Khu TĐC này cho biết “Chúng tôi ra đây làm nhà tại thời điểm cuối năm 2010 và đầu năm 2011 nhưng khi ra đây thì không có điện cũng không có nước cho nên chúng tôi phải đi mua nước và thắp đèn dầu để sống”
Sau hơn hai năm không có điện nước cuộc sống người dân dường như bị đảo lộn, nhiều hộ dân đã quen với việc buôn bán ở trục đường 32 thì nay dường như cũng thất nghiệp. Với hệ số đền bù là 12,48 triệu đồng/m2 tại chỗ ở cũ và hệ số mua đất TĐC là 6,5 triệu đồng/m2 người dân đã đồng ý với phương án bồi thường của Ban GPMB huyện Từ Liêm và nuôi hi vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn ở chỗ mới.
Trong văn bản Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Phú Diễn để thực hiện dự án đã được phê duyệt và đầy đủ 6 dấu theo quy định của nhà nước bao gồm. UBND xã Phú Diễn, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất Từ Liêm, Phòng Quản lý đô thị, Ban Bồi thường GPMB và Phòng Tài chính kế hoạch.
Tuy nhiên sau 4 năm chuyển về chỗ mới thì người dân lại nhận được văn bản yêu cầu phải nộp lại tiền đền bù tái định cư do những sai sót của ban GPMB huyện Từ Liêm. Người dân hiện nay chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra vì số tiền họ nhận được khi GPMB là không phải lớn nhưng bây giờ số tiền họ phải nộp lại cho nhà nước là cả trăm triệu đồng. Nhiều người dân dường như tuyệt vọng vì không biết phải lấy tiền đâu ra.
Gia đình Ông Đỗ Như Triệu là một trong số hàng trăm hộ dân đã nằm trong danh sách giải tỏa và TĐC. Tuy nhiên tại thời điểm đó gia đình ông gặp phải những khó khăn về kinh tế nên chưa thể xây nhà ở tại khu đất mới, do đó gia đình ông đành phải thuê trọ tại khu vực gần đó. Nhưng đến thời điểm hiện tại khi mà gia đình ông có đủ điều kiện kinh tế để xây một ngôi nhà cho gia đình mình thì ông lại nhận được thông báo là gia đình ông phải trả lại tiền đền bù GPMB mới làm được sổ đỏ và tiến hành xây nhà.
Ông Triệu bức xúc “Vừa mới năm ngoái đây lại yêu cầu gia đình tôi là phải đóng thêm 432 triệu đồng, trong khi đó sổ đỏ thu hồi của chúng tôi, thì chưa cấp lại. Bây giờ muốn xây nhà cũng không xây được và bao giờ thì chúng tôi được xây Còn yêu cầu số tiền lớn như vậy thì chúng tôi lấy đâu ra”
Một người dân khác cũng tỏ ra bất bình về những sai sót trong việc thực hiện công tác đền bù GPMB của chính quyền địa phương: “Dự án của nhà nước nên các hộ dân đều chấp hành, nhưng về luật bồi thường khi giải tỏa đường 32 thì các lãnh đạo nói một đằng làm một nẻo. Họ nói rằng đất có sổ đỏ thì bồi thường 100% đất và hoàn trả đủ. Nhưng riêng tôi thì trả tôi thiếu gần chục mét mà chục mét của tôi là hơn 1 tỷ so với giá thị trường. Ban GPMB họ còn nói rằng nhà của tôi vẫn còn một nửa nên chỉ đền một nửa nhà thôi. Tôi tự hỏi mình rằng, thế còn nửa nhà còn lại thì tôi cũng phải phá thôi chứ làm được gì nữa".
Như gia đình Ông Trần Văn Dũng thì những lý do mà UBND quận Bắc Từ Liêm đưa ra để yêu cầu gia đình phải hoàn trả lại số tiền đền bù TĐC theo hệ số K=2,5 là khó hiểu, khi đưa ra lập luận rằng do gia đình ông được đền bù TĐC nhưng lại không sinh sống ở đây thì phải trả lại cho nhà nước.
“Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau do điều kiện nên chúng tôi phải đi thuê chỗ này hay chỗ khác để phục vụ các cháu ăn học. Thế nhưng khi về lại đây thì chính quyền địa phương lại nói rằng không ăn ở thường xuyên thì phải hoàn trả lại cho nhà nước. Tôi cũng không hiểu luật này là như thế nào” Ông Dũng đang băn khoăn là luật đó lấy đâu ra
Những sai phạm trong việc đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 32 UBND TP Hà Nội cơ bản đồng ý với kết luận, kiến nghị của Thanh tra TP Hà Nội tại bản kết luận thanh tra số 795/KL-TTTP, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm và các cơ quan liên quan tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm tập thể cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên để đưa ra phương án khắc phục thì người dân đến nay vẫn chưa được nắm rõ. Chỉ biết rằng nếu giờ họ muốn làm sổ đỏ thì phải nộp lại cả trăm triệu đồng mà UBND quận Bắc Từ Liêm yêu cầu. Do đó bấy lâu nay chính quyền địa phương thì luôn thúc giục người dân hoàn trả lại tiền đền bù TĐC còn người dân thì thường xuyên gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chính quyền để hiểu rõ hơn về việc vì sao mình lại phải trẻ lại một khoản tiền lớn như vậy. Trong khi số tiền họ nhận được từ việc đền bù TĐC lại chẳng được bao nhiêu.
Tại vì sao sau 4 năm ban GPMB huyện Từ Liêm lại đưa ra hệ số K= 1,8 và 2,5 hệ số này đã khác hẳn hoàn toàn so với thời điểm trước và những yêu cầu về việc buộc người dân phải hoàn lại một khoản tiền lớn thì mới thực hiện công tác cấp sổ đỏ cho họ. Những vấn đề trên chúng tôi sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời trong các bài viết tiếp theo