MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân lại ngao ngán vì giá hồ tiêu thấp

09-05-2018 - 19:56 PM | Thị trường

Từ đầu năm 2018 tới nay, giá hồ tiêu đã xuống thấp kỷ lục trong vòng 8 năm qua khiến người trồng tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng gặp không ít khó khăn.

Năm 2013, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng cao ngất ngưỡng đã khiến nhiều gia đình ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng đổ xô phá cà phê chuyển sang loại cây trồng này.

Ông Trần Công Phương (48 tuổi), ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, vào thời điểm đó gia đình ông đã quyết định phá bỏ 1ha cà phê đang ở thời kỳ cho thu hoạch chuyển sang trồng hồ tiêu với hi vọng nhanh giàu từ loại nông sản này.

Còn thời điểm hiện nay, tại khu vực Lâm Đồng hồ tiêu có giá chỉ hơn 60.000 đồng/kg, vẫn cao hơn cà phê nhưng chi phí đầu tư, chăm sóc hồ tiêu tốn kém hơn cà phê rất nhiều.

Bên cạnh đó, năng suất hồ tiêu không thể cao bằng cà phê nên lời lãi thực tế không được bao nhiêu, thậm chí là lỗ nếu không đạt năng suất trong khi lại mất thêm trên 2 năm không thu hoạch được gì vì hồ tiêu còn nhỏ.

 Người dân lại ngao ngán vì giá hồ tiêu thấp  - Ảnh 1.

Người trồng hồ tiêu Lâm Đồng lo lắng vì giá xuống thấp.


Tại vườn tiêu rộng 3ha (gồm 2,5ha trồng xen cà phê và 5 sào tiêu trồng thuần) của gia đình ông Nguyễn Văn Chu (51 tuổi), thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) những tháng qua ít được gia chủ chăm sóc kỹ lưỡng như trước. Giá hồ tiêu xuống quá thấp trong thời gian dài khiến gia đình ông Chu chẳng còn mặn mà với loại cây trồng này.

Theo ông Chu: “Do thổ nhưỡng ở Lâm Đồng nhiều nơi không phù hợp với cây hồ tiêu nên chi phí đầu tư, chăm sóc rất cao, giá thấp như hiện nay thì người dân sẽ gặp rủi ro lớn hơn các loại cây trồng khác”.

Là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh với gần 700ha, ông Đặng Văn Khá, Phó trưởng Phòng NN&PTNT thôn huyện Di Linh cho biết, hiện hai xã Tam Bố và Tân Nghĩa có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện và thời gian trồng cả chục năm nay.

“Hiện chúng tôi đã khuyến cáo tới người dân không mở rộng diện tích, tập trung đi vào thâm canh, tăng năng suất trên diện tích hiện có”, ông Khá chia sẻ.

Tại huyện Đức Trọng, địa phương có diện tích hồ tiêu lớn thứ 2 trên địa bàn (430ha, thống kê cuối năm 2017), theo Phòng NN&PTNT huyện này, phần lớn diện tích tiêu được người dân trồng xen canh nên khi giá tiêu xuống thấp chưa ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế người dân. Tuy nhiên, nếu giá hồ tiêu tiếp tục duy trì ở mức thấp kéo dài sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2.043ha, tăng 13% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 700ha, diện tích trồng mới, chuyển đổi khoảng 433ha, năng suất bình quân hồ tiêu ước đạt 2,75 tấn/ha với sản lượng gần 2.000 tấn/năm.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết, hồ tiêu là cây trồng khó, mẫn cảm với các loại bệnh, chết nhanh, chết chậm, việc canh tác ở điều kiện đất đai không phù hợp có thể dẫn tới thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Trong khi đó, người dân trồng tự phát nên sử dụng giống, cây trụ không đảm bảo, trồng trên đất không đủ tiêu chuẩn, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên nhiều vườn tiêu sinh trưởng kém, phát triển không đồng đều, tỷ lệ đậu trái thấp.

“Chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu, cần tạm ngưng trồng mới để tập trung chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo hướng áp dụng kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời trên cơ sở đó người dân cần lồng ghép với các chương trình phát triển cây trồng khác theo hướng sản xuất bền vững, hiệu quả” - ông Lại Thế Hưng nói.


Theo Khắc Lịch

Công an nhân dân

Trở lên trên