Người dân mong sớm được "đi chợ"
Nhiều người dân, doanh nghiệp tại TP HCM nóng lòng chờ hướng dẫn cụ thể của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan về việc cho phép người dân ở "vùng xanh" được ra ngoài mua sắm.
- 01-09-2021TP HCM: Đơn hàng "đi chợ hộ" bất ngờ giảm gần 50%
- 29-08-2021Đi chợ 'nhà giàu' nổi tiếng Hà Nội, mua đồ ăn qua vách ngăn
- 29-08-2021Một đơn vị hỗ trợ 1.000 xe máy cho chiến sĩ bộ đội "đi chợ hộ", tài trợ nhiên liệu xăng xe
Cả ngày 7-9, chị Đỗ Ngọc Thủy, nhà trên đường An Dương Vương (quận 5), mấy lần truy cập vào website của các báo lớn tại TP HCM, hy vọng tìm được thông tin về thời gian cho phép người dân "vùng xanh" được "đi chợ" trở lại. "Nhà tôi cách cửa hàng tiện lợi chưa tới 500 m nhưng 2 tuần qua cửa hàng đóng cửa, việc "đi chợ hộ" cực kỳ khó khăn. May mà tôi đặt được một số rau củ, thịt đông lạnh trên website bán hàng của UBND quận. Tối qua xem chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", nghe Chủ tịch UBND thành phố nói từ nay đến ngày 15-9 sẽ mở các hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng sẽ mở đến xã, phường, thị trấn; người dân "vùng xanh" có thể đi chợ 1 lần/tuần, cả nhà tôi ai cũng mừng" - chị Ngọc Thủy bộc bạch.
Người dân và doanh nghiệp đều mong TP HCM sớm nới lỏng các quy định về mua sắm hàng hóa thiết yếu .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân ở "vùng xanh" thành phố. Còn tại các "vùng đỏ", người dân cũng vui mừng không kém khi nghe tin ngành công thương đã đề xuất cho siêu thị, cửa hàng được mở cửa đến 21 giờ mỗi ngày và các shipper cũng được hoạt động đến giờ đó để vận chuyển hàng hóa, "đi chợ hộ". Đặc biệt, khi hay tin một số dịch vụ bán thức ăn mang về sắp được thí điểm mở lại thì không chỉ người tiêu dùng mà cả những người bán cũng mừng không kém vì họ đã đóng cửa nghỉ bán tới nay đã gần 2 tháng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ tại TP HCM cho biết đang chờ văn bản chính thức của UBND thành phố và hướng dẫn của các sở, ngành để bắt tay thực hiện. Trước mắt, DN đã có bước chuẩn bị cơ bản như họp bàn kế hoạch sắp xếp nhân sự, tăng nguồn cung hàng hóa... để khi được phép sẽ áp dụng ngay. Theo các DN, nếu người dân "vùng xanh" được phép đi chợ trở lại, sức mua dự báo sẽ cải thiện hơn so với 2 tuần nay, khả năng đáp ứng đơn hàng "đi chợ hộ" cũng sẽ được tăng lên nếu siêu thị, cửa hàng và lực lượng shipper có thêm 3 giờ làm việc. "Chúng tôi lên kế hoạch tăng khoảng 20% nguồn hàng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống" - đại diện MM Mega Market cho hay.
Đại diện hệ thống Lotte Mart cũng cho biết đã sẵn sàng cho việc tăng thời gian mở cửa và phục vụ khách hàng cá nhân tại các "vùng xanh". "Các siêu thị đã được cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên nên cơ bản đủ nhân sự. Các khâu thu mua, vận chuyển, cung ứng hàng hóa cũng đã dần ổn định việc tăng thời lượng mở cửa sẽ không quá khó" - đại diện Lotte Mart nói.
Tuy vậy, tới thời điểm này, các DN bán lẻ vẫn chưa biết những đề xuất nói trên có được chấp thuận và triển khai như thế nào. "Siêu thị mở cửa đến 21 giờ nhưng người dân không được ra khỏi nhà sau 18 giờ và mỗi hộ gia đình chỉ được đi chợ 1 lần/tuần, shipper chỉ được hoạt động trong phạm vi nội quận... thì khả năng cao DN mở cửa buổi tối để... ngóng khách" - đại diện một DN bán lẻ đặt vấn đề.
Điểm trung chuyển chợ Bình Điền đi vào hoạt động
Chiều 7-9, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (chợ đầu mối Bình Điền; quận 8, TP HCM) đã chính thức đưa vào hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa. Đây là điểm tập kết, trung chuyển hàng cho các ngành hàng thủy sản, rau củ quả, heo, gà và trái cây; trước mắt có khả năng cung ứng khoảng 210 tấn/đêm cho các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP HCM cũng như các chợ truyền thống được phép hoạt động.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng sân giữa 2 nhà lồng B-D và D-F của chợ đầu mối Bình Điền được chia thành 20 ô, mỗi ô 720 m2, sẵn sàng cho việc tập kết các nguồn hàng đến từ nhiều nơi ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, Đà Lạt...
Sau điểm trung chuyển này, dự kiến từ nay đến ngày 15-9, TP sẽ đưa vào hoạt động điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn để tập kết, cung ứng thêm nguồn hàng hóa nông sản, thực phẩm cho người dân TP HCM và các tỉnh, thành.
Người lao động