Người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Tết Nguyên đán cận kề: Ở hay đi?
Trong thời gian gần đây, Tong Gong - một nhân viên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, luôn đau đầu với suy nghĩ có nên về quê nghỉ lễ trong suốt cả dịp Tết Nguyên đán để đoàn tụ với cha mẹ của mình.
- 17-01-2022Người Do Thái dạy nhau: "Tiết kiệm là cách làm giàu ngu ngốc nhất, dù có tiền dư dả cũng không nên để nó nhàn hạ đến nửa năm”
- 17-01-2022Có tiền làm gì #1 Hot TikToker Đức Anh Phạm: Khi không kiếm được tiền, người thân chính là người coi nhẹ bạn đầu tiên!
- 17-01-2022CEO Thủy Tiên: Tôi không đòi anh Đan Trường chu cấp nuôi con, đến giờ Thiên Từ vẫn chưa biết ba mẹ ly hôn
Vào năm ngoái, Tong Gong đã quyết định ở lại thành phố Thâm Quyến, nơi được gọi là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc", thay vì thực hiện chuyến “Xuân vận” đến thành phố Lạc Dương.
"Dịch bệnh chính là lý do khiến tôi lo lắng rằng mình không thể trở lại Thâm Quyến sau khi hết Tết", cô Gong chia sẻ với ABC. Khi mà kỳ nghỉ lễ kéo dài khoảng một tuần, trong khi thời gian cách ly lên tới 14 ngày.
Khi đợt bùng phát virus lớn đầu tiên bắt đầu ở Vũ Hán vào đầu năm 2020, một lượng lớn người dân đã di chuyển bằng phương tiện công cộng để về quê ăn Tết. Điều này khiến cho tình hình dịch bệnh trở nên đáng lo ngại hơn cả.
Người ta lo ngại rằng mọi người sẽ mang virus đi khắp đất nước trong chuyến Xuân vận 2022. (Ảnh: AP - Wang Xiao )
Để kiểm soát sự lây lan, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã phải khuyến khích mọi người hãy đón Tết ngay tại thành phố mà mình đang sinh sống và làm việc, thay vì trở về quê nhà. Người ta lo ngại rằng virus sẽ được lan đi khắp đất nước trong chuyến Xuân vận 2022.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc thường được gọi là “Xuân vận”, được mô tả là đợt di cư hàng năm lớn nhất trên hành tinh. Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, gần 3 tỷ chuyến đi đã được ghi nhận trong dịp Tết Nguyên đán 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Zijian Feng, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết các chuyến du lịch sẽ tăng lên, có nhiều cuộc tụ họp và liên hoan hơn, đồng thời lượng hàng hóa vận chuyển cũng tăng cao. Tất cả các yếu tố này đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại đất nước tỷ dân.
Người lao động nhập cư đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan
Anh Zhao, một công nhân nhập cư, đã quyết toán lương với ông chủ của mình và rời khỏi nơi làm việc một cách vội vàng. Anh cần bắt một chuyến tàu từ Quảng Châu đến thành phố Xiaogan ở tỉnh Hồ Bắc vì đã nói với cả nhà năm nay sẽ về quê.
Tết Nguyên đán trước COVID-19 thường là cuộc di cư hàng năm lớn nhất của người dân trên thế giới. (Ảnh: ABC News - Bill Birtles )
Daniel Wong, một giáo sư tại Khoa Công tác Xã hội và Quản lý Xã hội của Đại học Hồng Kông, nói với ABC rằng, tổng số lao động nhập cư ở Trung Quốc đã vượt quá 290 triệu người vào năm 2019. Họ di chuyển từ các vùng nông thôn tới thành phố để đóng một vai trò cốt yếu trong lực lượng lao động.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại rất khó khăn đối với họ, đặc biệt về sức khỏe tâm thần của người lao động nhập cư.
“Trên quan điểm nhân đạo, nhiều lao động nhập cư chưa về quê đã một năm, thậm chí lâu hơn. Tâm lý mong được về quê đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông nói.
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào mùa đông, thời điểm hầu hết các công trường xây dựng ở thành phố của Trung Quốc đóng cửa nên nhiều lao động nhập cư không có thu nhập. Nhiều cửa hàng cũng ngừng buôn bán, tạo thêm thách thức cho những người ở lại.
Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến anh Zhao vội vã về quê như vậy. Anh lo ngại rằng các quy tắc có thể bị siết chặt hơn nữa trong những ngày tới.
"Sau khi làm việc xa nhà hơn nửa năm, tôi rất muốn trở về", anh Zhao nói. “Những người như tôi rất khó có thể ở lại công trường đón Tết Nguyên đán. Điều kiện công trường rất khác so với nhà máy”.
Các đoàn tàu cao tốc Trung Quốc phục vụ cho đợt Xuân vận. (Ảnh: AFP.)
Virus sẽ không nghỉ lễ
Tại nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc, khoảng 2 triệu cư dân Đài Loan đang sinh sống tại đây vẫn đang đau đầu với quyết định có nên quay về quê hương vào kỳ nghỉ lễ hay không.
Trước đây, hơn 100.000 người sẽ bay về để đoàn tụ với những người thân yêu của họ vào thời điểm quan trọng nhất trong năm.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Đài Loan Vincent Hsu là một doanh nhân đã làm việc ở Trung Quốc hơn 20 năm. Ông Hsu cho biết năm ngoái mình đã phải đón Tết Kỷ Sửu với mẹ ở Đài Bắc, trong khi vợ con ông thì vẫn ở Thượng Hải.
"Gia đình tôi vốn có truyền thống tụ họp cả đại gia đình để cùng nhau đón Tết Nguyên đán, nhưng trong thời gian gần đây, điều đó là không thể", ông nói. “Điều duy nhất khiến tôi hạnh phúc là có thể dành nhiều thời gian hơn cho mẹ. Đó là một dịp rất hiếm hoi và quý giá đối với tôi”.
Anh Hsu đang trở về Đài Loan để gặp mẹ, nhưng những người còn lại trong gia đình anh sẽ ở lại Trung Quốc.
Ông Hsu cho biết, lý do khiến nhiều người đau đầu với quyết định có nên về quê vào dịp Tết nguyên đán liên quan đến giá vé các phương tiện công cộng tăng vọt, thời gian cách ly kéo dài.
Theo South China Morning Post, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát Omicron lớn hơn, mặc dù chiến lược “zero covid” vẫn có thể có hiệu quả chống lại biến thể mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải xử lý các lỗ hổng và phân bổ nguồn lực để ứng phó với thách thức lớn hơn.
Thế Vận Hội Mùa đông cận kề đồng nghĩa với việc một số biện pháp kiểm soát tại các cửa khẩu sẽ bị nới lỏng. Hàng nghìn vận động viên và đại biểu có thể vào Trung Quốc mà không cần qua kiểm dịch và cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ.
"Có vẻ như virus sẽ không nhận ra biên giới và cũng sẽ không nghỉ Tết Nguyên đán", ông Hsu nói.
*Theo ABC