Người đàn ông bị méo miệng, mắt không khép kín được sau khi tắm và không giữ đủ ấm, cảnh báo căn bệnh nguy hiểm mùa lạnh
Trong tuần qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận bệnh nhân Đ. T. L, 31 tuổi, địa chỉ tại Quảng Yên, Quảng Ninh đến khám bệnh trong tình trạng mắt trái nhắm không kín, miệng méo sang phải, ăn uống rơi vãi, nói khó.
- 26-12-2020Cặp nhóc tỳ sinh đôi của Hồng Nhung: 8 tuổi thạo 3 thứ tiếng, được cho học toàn môn thượng lưu, xem học phí mỗi năm mà choáng
- 26-12-2020Chàng chăn bò So Y Tiết khóc nức nở trong Điều Ước Thứ 7 vì nhận được nhiều điều bất ngờ: "Khi cô đơn, mọi người cứ hát nghêu ngao như mình đi"
- 26-12-2020Top 5 tiền đạo xuất sắc nhất thế giới năm 2020
Theo lời kể của người bệnh, trước đó người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi tắm và không giữ đủ ấm thì người bệnh bắt đầu xuất hiện miệng méo sang phải tăng dần, kèm theo nói khó khăn hơn, ăn cơm và uống nước bị rơi vãi bên trái. Người bệnh đã được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên trái. Người bệnh đã được tư vấn nhập viện điều trị theo phác đồ.
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (dân gian thường gọi là trúng gió) là một bệnh lý hay gặp, đặc biệt rất phổ biến vào mùa đông, có thể bị ở cả nam lẫn nữ và mọi lứa tuổi. Nguyên nhân có thể do tổn thương thần kinh trung ương, nhiễm trùng, u, chấn thương nhưng thường hay gặp nhất là do lạnh.
Biểu hiện thường thấy của liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh là sau khi người bệnh nhiễm lạnh hoặc đi dạo ngoài trời lạnh, giữ không đủ độ ấm cho cơ thể có thể xuất hiện:
- Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán.
- Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống.
- Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.
- Các triệu chứng khác đi kèm như: rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt, nói khó…
Ngoài ra, các cơ quan bộ phận khác thường không có biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương, nhiễm trùng, chấn thương hoặc nguyên nhân khác.
Hình ảnh của liệt VII ngoại biên hay gặp
Phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng như sau:
- Thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh.
- Bảo vệ mắt, chống khô mắt và viêm giác mạc: đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng.
- Giữ ấm, tránh lạnh.
- Các phương pháp vật lý trị liệu: Phục hồi chức năng, y học cổ truyền.
- Ngoài ra cần điều trị theo nguyên nhân nếu liệt VII ngoại biên do các nguyên nhân khác gây nên.
Tiến triển của bệnh: Nếu được phát hiện sớm (thường trong vòng 30 ngày kể tử khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên), điều trị đúng cách, bệnh có thể cải thiện từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng.
Nếu không được điều trị đúng cách bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể để lại nhiều di chứng nặng nề khác nhau như:
- Các biến chứng mắt: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí, muộn hơn có thể gặp những triệu chứng hiếm như chảy nước mắt không kiểm soát (hội chứng nước mắt cá sấu)...
- Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: biến chứng này gặp ở các thể nặng và khó hồi phục.
Hiện nay, miền Bắc đang trong những ngày lạnh giá, rét buốt đặc biệt vào sáng sớm và ban đêm. Đây là thời điểm nhiều người có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số VII, hay còn gọi là liệt mặt, trúng gió. Do đó, ngoài việc kiểm soát các bệnh lý đi kèm, việc giữ ấm cơ thể, giữ ấm vùng mặt cổ chính là cách phòng ngừa bệnh lý này hiệu quả. Khi có những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế sớm nhất để được bác sỹ khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Pháp luật và bạn đọc