Người đàn ông đầu tiên sở hữu máy bay riêng ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Từng là người giàu nhất Việt Nam, bỏ xa người đứng thứ 2 trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng; đến nay, số phận của người đàn ông này đã nhiều thay đổi.
- 20-01-2021Ông Đoàn Nguyên Đức: Tôi tuyên bố tôi, HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi ‘vũng lầy’ nợ nần!
- 05-06-2020Ông Đoàn Nguyên Đức: “Câu chuyện tôi bán chuối chính xác là hơi ngông”
- 19-06-2013HAGL: Ông Đoàn Nguyên Đức được nhận Huân chương Công trạng hạng nhất của Campuchia
Năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai trở thành người giàu nhất trên TTCK Việt Nam khi tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng chỉ có 5.225 tỷ đồng. Nhưng thời kỳ đỉnh cao này không là mãi mãi, sau đó, ông Đức - được biết tới với tên gọi bầu Đức đã nhiều lần phải vượt khó.
Tuổi thơ cơ cực với nghề chăn bò và không có nổi một bằng đại học vì "cứ thi là rớt"
Bầu Đức tên thật là Đoàn Nguyên Đức, sinh ngày 6/12/1962 tại miền quê nghèo Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi được 3 tuổi, ông cùng cha mẹ và 8 anh chị em của mình phải dọn nhà ở An Phú, Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau khi dọn đến nơi khác sống, cuộc sống của gia đình cũng không tốt hơn, bởi vì chỉ có thể đi làm thuê, làm ruộng, làm rẫy như thời gian trước. Là người con thứ 3 trong gia đình vừa nghèo lại vừa đông anh chị em, cậu bé Đoàn Nguyên Đức từ nhỏ đã phải nhịn ăn sáng, đi chăn bò để phụ giúp cha mẹ.
Ông Phan Thanh Thủ - Người bạn thân của Bầu Đức từ hồi chăn bò, sau này là cánh tay đắc lực của Bầu Đức phụ trách khu vực Nam Lào của HAGL kể, hồi xưa lúc chăn bò Bầu Đức cũng đã thể hiện tư chất 'business' của mình. Đó là không chỉ chăn bò cho gia đình mình mà còn nhận chăn bò cho cả những gia đình khác trong làng, nên sau mỗi mùa chăn bò, gia đình không chỉ có được tiền từ bán bò mà còn nhận được nhiều lúa từ công sức chăn bò thuê của bầu Đức.
Từ nhỏ, bầu Đức đã thể hiện vai trò của một người đi đầu, khi ông chính là người khởi xướng cho các trận đấu bóng đá ở miền quê nghèo, dành cho các bạn cùng trang lứa. Trên những bãi đất trống ở vùng đất Pleiku, ông Đức trở thành một tiền đạo xuất sắc, vị trí chủ lực của đội bóng.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, Đoàn Nguyên Đức quyết định "khăn gói quả mướp" vào TPHCM thi đại học. Nhưng bao nhiêu hy vọng đánh đổi lại bằng sự thất vọng, kết quả thi đại học không đủ điểm đậu. Không từ bỏ, chàng trai nghèo quyết tâm ôn thi lại cho bằng được. Vẫn như cuộc sống trước đây, sáng đi chăn bò chiều về vùi đầu vào đống bài vở, nhưng lần này còn có cả sự quyết tâm mạnh mẽ hơn.
Sau khoảng thời gian tập trung ôn bài, anh ba Đức lại khăn gói lên Sài Gòn đi thi cùng với ý chí thoát nghèo. Nhưng có lẽ cánh cửa đại học không dành cho bầu Đức, dù cho ông quyết tâm ôn thi tận 4 lần nhưng vẫn rớt. Cuối cùng, ông chọn công việc làm thuê, bắt đầu bén duyên với ngành kinh doanh gỗ, với số vốn ít ỏi dành dụm từ trước đến giờ. Phất lên như diều gặp gió, việc kinh doanh của bầu Đức ngày càng thăng hoa.
Trở thành "ông trùm" của ngành gỗ
Năm 1990, một phân xưởng nhỏ đóng bàn ghế cho học sinh ra đời tại Gia Lai, cơ duyên đến với ngành gỗ của Đoàn Nguyên Đức xuất phát từ đây. Được tiếng là trở thành ông chủ, tự mình bỏ tiền ra mở phân xưởng, nhưng thời điểm ấy số vốn chẳng được bao nhiêu, nên Bầu Đức gần như phải làm mọi việc. Sản phẩm đầu tiên của xưởng là chiếc bàn dành cho học sinh, cũng do chính ông tự tay làm.
Năm 1991, có một chuyên gia người Đài Loan đến tìm hiểu thị trường gỗ tại Gia Lai, và mong muốn tìm được người để đầu tư. Nhận thấy được tố chất và khả năng của Đoàn Nguyên Đức, chuyên gia người Đài Loan quyết định mời Bầu Đức hợp tác mở liên doanh. Cụ thể, đối tác Đài Loan sẽ cung cấp mọi phương tiện kỹ thuật như máy móc, thiết bị, hướng dẫn. Phía ông Đoàn Nguyên Đức phải thành lập doanh nghiệp để quản lý lao động, đảm bảo khâu sản xuất và hoàn thiện sản phẩm.
Đến năm 1993, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời cùng với nhà máy chế biến gỗ đầu tiên, đây cũng chính là tiền thân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Nhờ vào lợi thế nguồn nguyên vật liệu, kỹ thuật công nghệ cao từ Đài Loan, bầu Đức bắt đầu tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Chỉ 2 năm sau thành lập, xí nghiệp chế biến gỗ Hoàng Anh Pleiku đã xuất khẩu tận sang các thị trường như: Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp,...
Việc kinh doanh ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, vào năm 1996, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku trở thành một trong hai vựa gỗ lớn nhất Gia Lai, và bầu Đức được xem như "ông trùm" trong ngành gỗ.
Người đầu tiên sở hữu máy bay riêng
Năm 2008, ông Đức đã bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350. Chiếc máy bay này ban đầu được phi công nước ngoài lái, sau đó mới luân chuyển cho người Việt. Thời điểm đó, bầu Đức là một trong những doanh nhân có số tài sản "khủng" nhất, là người đứng đầu trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Đây là máy bay loại Beechcraft King Air 350, do Beech Aircraft Corporation (Mỹ) sản xuất vào năm 2005, có 12 chỗ ngồi. Giá của chiếc máy bay này là 5,1 triệu USD (gần 130 tỉ đồng), nhưng tổng số tiền bầu Đức phải chi dành cho các khoản đi kèm lên đến 7 triệu USD (gần 178 tỉ đồng), một con số "khủng". Chiếc phi cơ của ông chính thức có mặt tại Việt Nam chỉ vài ngày sau thông báo, và Bầu Đức trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng (nếu không tính sự kiện ông Trần Trịnh Huy mua máy bay giai đoạn 1930 - 1940).
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là kết nối từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Chiếc King Air350 được bầu Đức "đánh tiếng" sang nhượng từ năm 2013. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ngỏ ý mua lại để sử dụng vào mục đích bay kiểm tra thiết bị thu - phát sóng trên các đường bay... nhưng sau đó, thương vụ này lại về tay Vietstar Airlines là hãng bay hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung. Giá bán chiếc King Air350 không được tiết lộ.
Từng là người giàu số 1 Việt Nam
Ngày 22/12/2008, CTCP Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết 179.814.501 cổ phiếu lên sàn HOSE (mã: HAG), khi đó Bầu Đức nắm giữ 55% cổ phần của công ty. Đến ngày 31/12/2008, danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2008 do báo VnExpress.net công bố cái tên người đứng đầu là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tính theo giá đóng cửa ngày vào cuối ngày 31/12, thì tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng chỉ có 5.225 tỷ đồng.
Thời điểm đó, tập đoàn của bầu Đức tập trung vào 4 mảng kinh doanh chính: khoáng sản, cây công nghiệp, thủy điện và bất động sản - lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của Hoàng Anh Gia Lai. Từng là "ông trùm" ngành gỗ, nhưng vị chủ tịch này nhận thấy không còn là thế mạnh, nên không đầu tư vào các cơ sở mới, chỉ sản xuất ở các nhà máy cũ để "nuôi sống" các ngành khác.
Mặc dù niêm yết với giá trị vốn hóa "khủng" vào cuối năm, nhưng ông Đức tiết lộ rằng năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản đi xuống, ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh cuối năm của Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận doanh thuần đạt 1.880,74 tỷ đồng, lãi ròng lên đến 765,34 tỷ đồng.
Chi 2.000 tỉ đồng cho bóng đá
Bầu Đức là doanh nhân làm bóng đá lâu nhất trong số các ông bầu hiện tại ở V.League. Bầu Đức từng được biết đến là doanh nhân chịu chơi và chịu chi nhất khi bắt đầu làm bóng đá những năm 2000. Thời điểm mà V.League bắt đầu đi lên chuyên nghiệp.
Bầu Đức chi rất nhiều tiền để mang về Hoàng Anh Gia Lai những ngôi sao. Người để lại thành công nhất là cựu tuyển thủ Thái Lan Kiatisak. Đó là người giúp bầu Đức có được liên tiếp hai chức vô địch các năm 2003 và 2004. Bầu Đức cũng là người tiên phong cho trào lưu vung tiền làm bóng đá của các doanh nhân.
Ảnh hưởng của ông ít nhiều đã tác động đến bóng đá Việt Nam cả một thời gian dài. Đặc biệt là việc mời HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Với những thành công hôm nay của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park, tất cả vẫn ghi nhớ công lao của bầu Đức.
Không những vậy, việc Hoàng Anh Gia Lai đóng góp một lực lượng tuyển thủ U19, U23 và đội tuyển quốc gia trong suốt một thời gian dài cũng nằm trong kế hoạch thay đổi tư duy làm bóng đá của bầu Đức. Từ chỗ vung tiền mua cầu thủ thì ông đã đầu tư cho bóng đá trẻ. Hoàng Anh Gia Lai là nơi tiên phong và khơi nguồn cảm hứng cho đào tạo trẻ.
Và cũng chính bầu Đức là người khởi nguồn cảm hứng cho việc "xuất khẩu" cầu thủ. Dù kế hoạch đó thực hiện vẫn chưa thực sự thành công thì ít nhiều những: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Những cầu thủ thủ tài năng ra nước ngoài thi đấu.
Sự kiện mời Arsenal sang Việt Nam du đấu năm 2013 chính là một điểm nhấn lớn trong sự nghiệp làm bóng đá của bầu Đức. Đó là sự kiện không chỉ làm hình ảnh của bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai lên cao mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bóng đá Việt Nam.
Từ "đỉnh cao" đến...
Dưới sự dẫn dắt của ông Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai bắt tay làm nông nghiệp từ năm 2007. Trước năm 2012, tập đoàn là doanh nghiệp đầu tư đa ngành bất động sản, thủy điện, khoáng sản... Sau năm 2012, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư nông nghiệp, ở 3 nước Đông Dương.
Ông Đức thừa nhận đó là thời hoàng kim của công ty, thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn nước ngoài. Trong đó, Temasek còn đầu tư 200 triệu USD để tập đoàn trồng cây cao su. Thời điểm này, giá vốn trồng cao su 1.400 USD/tấn, giá là 5.200 USD/tấn, là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Nhưng "người tính không bằng trời tính". Đến khi Hoàng Anh Gia Lai khai thác cao su thì giá còn 1.100 USD/tấn. Năm 2016, tập đoàn mất thanh khoản, không tiền trả lãi, không tiền trả lương. Từ một công ty từ vực cao, Hoàng Anh Gia Lai rơi xuống vực thẳm.
Nhìn lại, bầu Đức nói vẫn tự hào vì Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản. Lúc bấy giờ, tập đoàn nợ tới 32.000 tỷ đồng. Tham vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực nhưng không thành.
Liên tục bán nhiều BĐS để trả nợ
Từng tuyên bố "bán nhà cũng phải trồng cao su", nhưng kết quả là gánh nặng nợ nần đeo bám ông sau đó. Có thời điểm, bầu Đức nợ vượt 27.000 tỉ đồng khi gộp khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Trong nhiều cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư, bầu Đức thường nhắc đến "trả hết nợ" như một nhiệm vụ bắt buộc đến năm 2025.
Tại hội nghị cuối năm 2023, bầu Đức cho biết sẽ bán thêm Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai trong quý 4 này để trả nợ tiếp. Bệnh viện này có tên đầy đủ là Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, trụ sở tại Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Việc tái cơ cấu các khoản nợ được bầu Đức thực hiện bền bỉ suốt nhiều năm qua sau lần thất bại với mảng cao su. Tháng 9/2023, bầu Đức đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỉ đồng cũng nhằm tái cơ cấu nợ.
Nhiều năm qua bầu Đức liên tiếp "sang tay" công ty, cổ phần, toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện... Đến cuối tháng 9/2023, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 thể hiện tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai là 15.952 tỉ đồng.
Trong đó, vay ngắn hạn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai tính đến cuối tháng 9-2023 là 7.778 tỉ đồng, giảm 387 tỉ đồng so với đầu năm nhưng đã giảm hơn 19.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2015. Năm 2015-2016 được coi là năm đỉnh điểm về nợ của công ty bầu Đức. Gộp cả khoản vay ngắn hạn và dài hạn thể hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất hai năm này đều xấp xỉ 27.000 tỉ đồng.
"Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó", HAGL dựa vào nông nghiệp để vượt qua thời kỳ khó
"Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì", ông trải lòng về biến cố. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng trên thương trường, còn kinh doanh là còn thắng, còn kinh doanh là còn thua, rủi ro luôn hiện hữu.
Sau cú sốc về giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai quyết định "chết ở đâu đứng lên ở đó", chuyển đổi từ con số 0. Tập đoàn lựa chọn lấy ngắn nuôi dài, trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, cây chuối đã cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi cái khó. Từ không có gì, đến nay tập đoàn đầu tư đến 7.000 cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần ở Hàn Quốc, Nhật Bản...
Sau chuối, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển qua cây sầu riêng. Tập đoàn đến nay có 3 loại chủ lực trái cây là chuối, sầu riêng, bưởi. Ngoài ra, Tập đoàn còn nuôi heo, gà; đang nuôi cá tầm và cá hồi, chưa thu hoạch tạo dòng tiền.
Trả lời báo giới trong cuộc họp báo tháng 11/2024 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức trải lòng: "Chết ở đâu, đứng lên ở đó. Nông nghiệp đã khiến Hoàng Anh Gia Lai sa lầy, nhưng cũng chính nhờ nông nghiệp để vực dậy và thoát khỏi tình cảnh khó khăn nhất".
Tổng hợp
Thanh niên Việt