Người đàn ông giao báo bằng xe đạp cuối cùng ở TP.HCM: Nét bình yên giữa thành phố vội vã
Đối với chú Sơn, giao báo không chỉ là một công việc, mà còn có nhiều ý nghĩa hơn thế.
- 20-09-2022Quản tốt 3 việc này để có cuộc sống suôn sẻ, bình yên
- 05-09-2022“Mối tình” của Nhật Bản với Hawaii: Mong muốn của những người hối hả tìm về một chốn bình yên
Giữa những sôi động, náo nhiệt và hối hả của thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có những người "sống chậm" như chú Nguyễn Kim Sơn - người đàn ông giao báo bằng xe đạp cuối cùng của thành phố này.
Vì sao chú Sơn vẫn tiếp tục công việc này dù ngày nay người ta chỉ cần một cú chạm để nắm bắt thông tin trên mạng? Tháng 9/2020, cây viết Greg Lea của trang The Culture Trip đã có bài viết về người đàn ông đặc biệt này và công việc cũng không kém phần đặc biệt của ông.
Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết:
Ảnh minh họa: Lys Bui / Culture Trip
Sự yên tĩnh là điều hiếm thấy ở thành phố Hồ Chí Minh. Những chiếc xe máy chạy ầm ầm qua những con phố chật hẹp, băng qua những khu chợ sầm uất, những quán cafe sôi động, và những quán bar ồn ào. Sự náo nhiệt đến từ những tiểu thương buôn bán đủ loại mặt hàng, hay những người bán hàng rong trên đường...
Những người tìm kiếm sự bình yên có thể có được một khoảng thời gian tĩnh lặng tương đối trước lúc bình minh: Những nhóm người đàn ông và phụ nữ tập trung trong các công viên của thành phố để tập thái cực quyền - trước khi mặt trời lên cùng cái nóng gay gắt khiến người dân phải vào nhà tránh nóng. Những người bán hủ tiếu xếp ghế nhựa trên vỉa hè, chuẩn bị đón khách buổi sáng.
Và khi trong khi thành phố bắt đầu thức giấc, chú Nguyễn Kim Sơn cũng bắt đầu đạp xe đi giao báo cho khách hàng, công việc mà chú đã làm mỗi ngày trong hơn 4 thập kỷ qua.
Chú Sơn là người giao báo bằng xe đạp cuối cùng ở Sài Gòn. Cùng với sự phát triển của công nghệ, lượng phát hành báo giấy ở Việt Nam cũng giảm theo xu hướng chung như những nơi khác trên thế giới.
Ngày nay, điện thoại thông minh đã trở nên rất phổ biến, và Sài Gòn là một thành phố trẻ. Hầu hết người dân sống ở thành phố này đều trưởng thành sau thời hoàng kim của báo giấy. Vì vậy nên chú Sơn và vợ là cô Thu, chủ một sạp báo ở Quận 3, cũng ít khách hơn trước.
"Nhiều năm trước, vào thời hoàng kim của báo giấy, người ta thậm chí còn xếp hàng dài để mua báo. Có những ngày chúng tôi bán đến tận 7 giờ tối. Nhưng giờ đây chúng tôi chỉ bán đến 2 giờ chiều, vì đến lúc đó mọi người đều đã đọc hết tin tức trong ngày. Hầu hết những người đồng nghiệp của tôi đều đã nghỉ vì tuổi tác, và thu nhập không còn đủ nữa", chú Sơn cho biết.
Ảnh minh họa: Lys Bui / Culture Trip
Từ "đôi cánh" mẹ trao đến hơn 4 thập kỷ tận tụy với nghề
Đối với chú Sơn, giao báo không chỉ là một công việc, mà còn có nhiều ý nghĩa hơn thế.
Chú Sơn là người gốc Bắc. Năm 1975, khi chú Sơn bước sang tuổi 18, chú đã kế nghiệp mẹ và tiếp quản sạp báo của gia đình.
"Tôi không đủ tiền đi học đại học, và gia đình tôi cũng không thể cho tôi bất kỳ khoản tiền nào", chú Sơn nói. "Nhưng mẹ tôi đã cho tôi đôi cánh để bắt đầu cuộc sống mới: đó chính là sạp báo của bà."
Kể từ ngày đầu tiên ông Sơn làm công việc giao báo, Sài Gòn đã "thay da đổi thịt". Dân số từ 2,5 triệu người vào năm 1975 tăng lên hơn 9 triệu. Các tòa nhà chọc trời mọc lên với tốc độ chóng mặt. Ước tính thành phố này có khoảng 8,5 triệu xe máy, và số lượng ô tô cũng đang gia tăng.
Chú Sơn là người đưa tin đã chứng kiến chặng đường phát triển của Việt Nam. Năm 1977, ở tuổi 21, chú đã đưa những tờ báo đăng tin Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc đến tay độc giả. Thời điểm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, chú Sơn đã làm công việc này 20 năm. Năm 2019, chú Sơn cũng đã đưa tin tức về hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đến tay người đọc.
Điểm đặc biệt là công việc hàng ngày của chú Sơn hầu như không thay đổi trong hơn 4 thập kỷ qua. Với chiếc mũ beret màu đen và quần tây dài, phong cách của chú Sơn gợi nhớ về một Sài Gòn xưa, lịch lãm hơn. Chú Sơn có giọng nói nhẹ nhàng và từ tốn. Và mặc dù đạp xe có vẻ vất vả với đôi chân của người đàn ông đã ngoài 60, chú vẫn thích xe đạp hơn các loại xe chạy bằng động cơ.
Ảnh minh họa: Lys Bui / Culture Trip
Chú Sơn kể rằng, có lần chú từng bị tai nạn xe máy khiến xương đùi của chú bị gãy, và chú phải nghỉ làm hàng tuần liền. Chú không muốn điều đó tái diễn.
Bộ trang phục và chiếc xe đạp tạo ra nét thư thái, yên bình của chú Sơn, trái ngược với sự ồn ào và huyên náo của môi trường xung quanh chú. Khi nói về chuyện đi giao báo, chú Sơn vẫn giữ giọng nói nhẹ nhàng và từ tốn của mình, dù công việc không còn dễ dàng như trước.
"Chúng tôi đã bắt đầu bán những thứ khác nữa, chẳng hạn như tạp chí. Thi thoảng cũng có khách Tây đến tìm mua bản đồ ở chỗ chúng tôi, nhưng hầu như mọi người thường dùng điện thoại nên không cần phải mua bản đồ giấy nữa. Em rể tôi làm mì gạo, nên chúng tôi cũng bán thêm mặt hàng này để kiếm thêm chút thu nhập", chú Sơn nói.
Tất nhiên, vào thời điểm có nhiều khách hàng, chú Sơn và cô Thu cũng có lúc "quá tải". Cũng có lúc chú chậm trễ, và không phải khách hàng nào cũng dễ tính.
Chú Sơn kể: "Vài năm trước, lịch giao báo của tôi không ổn định. Do tôi phải đợi lấy báo ở nhà in, nên đôi khi tôi giao báo muộn và có vài khách hàng không hài lòng. Bây giờ các nhà in đã hiện đại hơn, nhưng người ta không còn đọc báo nhiều như trước nữa".
Chắc chắn là chú Sơn sẽ muốn mình "bận rộn" hơn một chút, nhưng chú vẫn bằng lòng với những gì mình đang làm. Suốt nhiều năm qua, vợ chú Sơn vẫn cần mẫn giúp chồng chăm lo sạp báo của gia đình.
"Chúng tôi kết hôn từ năm 1986", chú Sơn nở nụ cười khi nói về cô Thu. "Cuộc sống hàng ngày của chúng tôi trong nhiều năm qua vẫn như vậy. Chúng tôi sống với nhau, và cùng nhau tận hưởng từng giây phút. Cuộc sống của chúng tôi vẫn yên bình như vậy".
Chú Sơn cho biết mình không có ý định bỏ nghề cho đến khi tuổi cao sức yếu khiến chú không thể tiếp tục công việc này nữa. "Công việc của tôi chính là cuộc sống mà mẹ đã ban cho tôi"./.
Theo The Culture Trip
Tổ quốc