Người đàn ông ở Mỹ bị nhiễm độc thủy ngân do ăn cá, bất cứ ai cũng cần lưu ý trường hợp này
Nhiễm độc thủy ngân là tình trạng gây hại lớn cho sức khỏe cơ thể, thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa có ý thức đề phòng vấn đề này.
Sau khi trở về từ kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần ở Alaska, một người đàn ông giấu tên (tạm gọi là ông A) bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng như cảm thấy mơ hồ, hay quên và có nhiều hành động lạ nên đã được vợ đưa đến Trung tâm y tế Heartland của Bệnh viện Florida để kiểm tra.
Ban đầu, các bác sĩ đều nghĩ rằng tình trạng của ông A là biểu hiện của đột quỵ hoặc do uống quá nhiều rượu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các xét nghiệm thì sự thật dần được sáng tỏ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể ông A bị nhiễm độc thủy ngân. Xét nghiệm máu cho thấy trong mỗi ml máu của ông A có chứa đến 35ng thủy ngân. Trong khi đó, mức thủy ngân cho phép tồn tại trong máu là dưới 10ng/ml.
Sau khi hỏi thăm người vợ thì được biết rằng ông A đã ăn rất nhiều cá trong hầu hết các bữa ăn suốt kỳ nghỉ của họ. Theo chia sẻ của người vợ, ông A vốn thừa cân béo phì lại mắc thêm bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Đặc biệt, ông A cũng chưa bao giờ ăn quá nhiều cá trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Ngoài ra, ông A làm việc ở văn phòng nên hoàn toàn không có điều kiện tiếp xúc với thủy ngân.
Và sau bốn ngày điều trị thì các triệu chứng của ông A dần thuyên giảm với mức thủy ngân trong cơ thể là 9,2ng/ml. Sau một tháng nằm viện thì ông A dần hồi phục lại cơ thể như ban đầu.
Để ngăn ngừa ngộ độc thủy ngân, chính phủ Alaska đã cho điểm trên các loài cá khác nhau và khuyến khích bạn không nên ăn vượt quá 12 điểm mỗi tuần. Ví dụ, một khẩu phần 170gr cá bơn , cá lingcod hoặc cá hồi có từ 18 đến 30 điểm.
Các bác sĩ cho biết rằng, trong hầu hết các loại thực phẩm thì nồng độ thủy ngân rất thấp (<0,02 mg/kg). Tuy nhiên, có một số loại cá biển (như cá ngừ, cá kiếm và cá mập) hoặc một số loại cá sống ở vùng nước ngọt bị ô nhiễm cũng có thể chứa nồng độ thủy ngân cao.
Các chuyên gia cho biết rằng, đối với các loại cá có hàm lượng thủy ngân 0,3mg đến 0,49mg/kg thì có thể ăn 3 lần trong tháng mà vẫn an toàn với cơ thể. Còn đối với các loại cá có hơn 0,5mg/kg thủy ngân thì tốt nhất không nên ăn.
Nhiễm độc thủy ngân gây ra tác hại gì đối với cơ thể?
Khi mới bắt đầu nhiễm độc thủy ngân thì cơ thể thường có các triệu chứng như sau:
- Hay hồi hộp, lo lắng.
- Dễ cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng.
- Tê hoặc run chân tay.
- Có vấn đề với trí nhớ.
Khi mức độ thủy ngân trong cơ thể tăng lên thì thường có các dấu hiệu:
- Yếu cơ.
- Có vị kim loại trong miệng.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Khó khăn trong vận động.
- Mất cảm giác ở tay, mặt hoặc các vùng khác của cơ thể.
- Khó thở.
- Phát ban da và viêm da.
Nhiễm độc thủy ngân lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể bởi các biến chứng sau:
- Tổn thương thần kinh: giảm trí thông minh, phản xạ chậm, kỹ năng vận động giảm sút, có vấn đề với trí nhớ và sức tập trung
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: giảm số lượng tinh trùng, giảm khả năng sinh sản ở nữ hoặc gây ra các vấn đề với thai nhi như dị tật, giảm tỷ lệ sống, tăng trưởng chậm...
- Nguy cơ tim mạch: Thủy ngân giúp thúc đẩy sự tích tụ các gốc tự do trong cơ thể, khiến các tế bào có nguy cơ bị hư hại. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, bao gồm đau tim và bệnh tim mạch vành.
Source (Nguồn): Dailymail
Helino