Người đàn ông sống trong "hộp diêm" giữa phố cổ Hà Nội và ước mơ một ngày được đứng vươn vai trong chính ngôi nhà của mình
Khác xa với cảnh nhộn nhịp, hào nhoáng của phố cổ Hà Nội, ngôi nhà của ông Xuân không khác gì hộp diêm, xung quanh được bao bọc bởi những bức tường xi măng lâu ngày đã ẩm mốc, từng mảng tường loang lổ. Thế nhưng, nó là nơi gắn bó 2/3 cuộc đời người đàn ông mái tóc đã điểm bạc này.
- 16-02-2021Cặp vợ chồng hơn 40 năm sống trên nóc nhà vệ sinh ở phố cổ kể về những cái Tết không bánh kẹo, họ hàng không ai đến chúc Tết
- 21-11-2020Hàng bánh giò phố cổ 4 thế hệ nằm khiêm tốn đầu dốc Hàng Than, không biển hiệu, chỉ bán 4 tiếng buổi chiều nhưng hôm nào cũng hết bay 250 chiếc bánh
- 12-09-2020Quán phở sáng của ông chủ kỹ tính bậc nhất phố cổ Hà Nội: Dao thái thịt đố ai được động vào, vợ bán chung gần 30 năm vẫn không được đứng bếp!
Nằm sâu trong ngõ 44 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quanh năm chật chội là ngôi nhà nhỏ chưa đầy 6m2 của ông Hoàng Văn Xuân (58 tuổi).
Con ngõ dẫn vào nhà ông Xuân chỉ vừa một lối cho một người đi.
Ngôi nhà chỉ cao 1,2m, rộng 2m và dài 3m nên bao năm qua mọi sinh hoạt của ông Xuân vô cùng vất vả. Mùa đông hay hè nhà đều phải bật quạt để tránh ngột ngạt, khó thở vì ẩm mốc, thấm dột khiến 4 bức tường bong tróc.
“Nói là nhà nhưng nó còn bé hơn nhà vệ sinh của những gia đình khác. Mọi người vẫn gọi nhà của tôi là nơi ở trong con ngõ nhỏ nhất, sống trong ngôi nhà nhỏ nhất, ở khổ nhất. Bao năm nay tôi toàn phải ngồi, nằm.
Đến mặc áo phải quỳ chân, còn mặc quần phải nằm ngửa ra cơ cực vô cùng. Tôi mang tiếng ở phố cổ mà khổ hơn nhà quê”, ông Xuân chia sẻ.
Ngay cửa vào nhà cũng khác biệt so với nhà bình thường khác.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, quanh năm chạy xe ôm cũng chỉ đủ cơm cháo qua ngày nên ông Xuân vẫn phải bám trụ nơi đây.
"Nhà chật chội, bất cứ khi nào có khách tôi lại mời ra quán nước đối diện ngõ. Cuộc đời tôi chẳng mua sắm chiếc áo sơ mi nào, chỉ toàn áo phông vì muốn cũng chẳng sơ vin được. Với lại công việc cũng chẳng sửa soạn đi đâu bao giờ”, ông Xuân cho biết.
Cái lối ra vào ngôi nhà của ông cũng chỉ đủ 1 người leo lên.
Cuộc sống khổ cực như vậy nên ông cũng không có nhiều bạn bè. Ngoài việc ngủ, nghỉ, tránh mưa gió ở nhà thì hầu như lúc nào ông Xuân cũng quanh quẩn ngoài đường. Cũng chính vì thế vợ ông Xuân bỏ đi xây dựng hạnh phúc mới cách đây 15 năm. Một mình ông chăm sóc người con trai sinh năm 1996.
“Tôi và vợ đến với nhau nhờ mai mối, cũng không tìm hiểu không gian sống của nhau trước nên khi về nhà vợ chán nản, khóc rất nhiều. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết an ủi vợ và thống nhất chăm chỉ đi làm cùng phấn đấu để mua một căn hộ mới.
Ngôi nhà của ông Xuân không khác gì hộp diêm, chỉ cao 1,2m, rộng 2m và dài 3m.
Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn với ấp ủ sau này sẽ mua được một ngôi nhà đúng nghĩa. Thế nhưng cuộc sống chẳng như mơ, khi công việc chính tôi chạy xe ôm còn vợ làm tạp vụ. Sống với nhau thấy có quá nhiều bất tiện và mãi cuộc sống không khá lên được, cô ấy bỏ bố con tôi đi tìm hạnh phúc mới, khi đó con trai lớn nhà tôi mới chỉ 10 tuổi.
Thời gian đầu cũng buồn và suy sụp lắm nhưng nghĩ cảnh sống trong ngôi nhà như vậy vợ mình cũng chịu đựng đủ quá rồi”, ông Xuân tâm sự.
Ông Xuân cho biết tuy nhà mang tiếng ở phố cổ nhưng khổ hơn ở quê, đến mặc áo phải quỳ chân, còn mặc quần phải nằm ngửa ra cơ cực vô cùng.
Do công việc, nhà chật chội nên bố con ông Xuân không chung sống cùng nhau. Ông Xuân bao năm chỉ gắn bó với nghề xe ôm không đủ trang trải cho cuộc sống chẳng thể làm gì khác hơn. Người con trai của ông sau khi học xong cấp 3 nghỉ học rồi đi làm thuê tận trong Đà Nẵng.
"Thương con lắm, nó đẻ ra chỉ nặng 1,5 kg. Lớn lên một chút thì mẹ bỏ đi, hai bố con cùng nhau sống cảnh cùng cực. Vì hoàn cảnh nên không cho con ăn học được đến nơi đến chốn. Hồi còn đi học nó phải nằm xuống sàn học bài, viết chữ.
Ngôi nhà quanh năm chẳng có chút ánh sáng lọt vào, thay vào đó là 4 bức tưởng ẩm mốc.
Giờ đây con tôi cũng chuyển ra ngoài cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đỡ hơn vì đỡ phải chịu khổ cực trong nhà như bố. Trước làm bảo vệ cho một khách sạn ở gần nhà nhưng con ở luôn tại đó. Tuy nhiên, cách đây hơn nửa năm cháu bảo vào Đà Nẵng làm cùng bạn.
Mỗi khi về thăm bố, cháu chỉ gặp tôi ở ngoài quán trà đá rồi lại đi, chẳng muốn lên nhà. Mình khổ đủ rồi không muốn con ở đây gắn với mình cả đời ở chốn này được”, ông Xuân tâm sự.
Pháp luật và bạn đọc