Người đàn ông tốn 3,5 tỷ đồng mua đồ cổ suốt 50 năm, bất ngờ khi sự thật được hé lộ
Ông Lý đã tốn hơn 1 triệu nhân dân tệ sưu tầm đồ cổ suốt 50 năm qua không ngờ đa số toàn là đồ giả, món hàng thật duy nhất có giá trị rất nhỏ, khoảng 10 tệ.
- 11-03-2025Rễ của 5 loại rau này ai cũng cho là thứ bỏ đi nhưng hóa ra là “báu vật” sức khỏe
- 17-02-2025Công trường dừng thi công gấp vì máy xúc đào trúng vật thể dài 40m, tỏa mùi hương: Chuyên gia khẳng định báu vật hiếm có 3.000 năm tuổi
- 14-12-2024Cả công trường dừng thi công khẩn cấp vì máy xúc đào trúng cây gỗ dài 40m, tỏa mùi hương: Chuyên gia khẳng định "báu vật" này không dưới 349 tỷ đồng
Sưu tầm đồ cổ là niềm đam mê của rất nhiều người, vừa để thỏa mãn thú vui chiêm ngưỡng các sản phẩm mang giá trị văn hóa cổ xưa vừa là một cách tích trữ tài sản; đồ càng lâu năm càng có giá trị.
Ông Lý ở Bắc Kinh, Trung Quốc cũng miệt mài sưu tập đồ cổ suốt 50 năm qua, cho đến nay đã chi hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,5 tỷ đồng) để mua hàng nghìn món đồ.
Đại đa số các món đồ trong bộ sưu tập của ông Lý đều là đồ giả. (Ảnh: Sohu)
Mới đây sau khi ông qua đời, người con gái nhờ một chuyên gia cổ vật thẩm định bộ sưu tập của bố và phát hiện ra rằng đây toàn là đồ giả, chỉ có một thứ là hàng thật nhưng giá trị chỉ khoảng 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 đồng).
Theo Beijing Evening News, ông Lý bị ám ảnh bởi đồ cổ và đã chi rất nhiều tiền cho thú vui này trong nửa thế kỷ. Khi không đủ tiền mua, ông thậm chí còn vay mượn bạn bè.
Con gái ông cho biết: "Do sự phản đối của gia đình, bố tôi không dám công khai mang bộ sưu tập về nhà mà luôn phải đưa về một cách bí mật".
Sau khi cha mất, con gái ông Lý thuê một chuyên gia đến nhà để thẩm định kho cổ vật để biết thật-giả và giá trị của chúng. Không ngờ, chuyên gia này chỉ nhìn một cái rồi kết luận rằng những món đồ này đều không phải thật.
Lý Bân, một chuyên gia về nhận dạng di vật văn hóa và tác phẩm nghệ thuật, cho biết đồ sứ, ngọc, đồng, thư pháp và tranh vẽ mà ông cụ để lại đều là hàng giả. Trong đó, "tác phẩm chạm khắc ngọc" miêu tả Dương Quý Phi trông giống như ngọc nhưng thực chất được làm bằng nhựa.
Món đồ thật duy nhất là đồng tiền Nguyên Phong Đồng Bảo thời Bắc Tống, nhưng giá trị của nó không quá 10 nhân dân tệ.
Đối mặt với kết quả này, người con gái cảm thấy vô cùng thương xót cha mình vì những nỗ lực sưu tầm cả đời của ông trở nên vô giá trị. Cô cũng cảm thấy bất lực trước thực tế thị trường sưu tầm tràn ngập hàng giả.
Tin tức này được đăng tải gây nên cuộc tranh luận sôi nổi, cư dân mạng cũng đau lòng thay cho gia đình ông cụ và bày tỏ sự thất vọng: "Cả căn phòng này toàn là hàng giả, cũng may cụ Lý đã qua đời, nếu sớm biết thì sẽ đau lòng đến nhường nào"; "Nhiều bộ sưu tập khác nếu đem đi giám định thì cũng là hàng giả", "Chính tôi cũng đã bị lừa"…
Cũng liên quan đến việc giám định cổ vật, câu chuyện chuyên gia giám định nhầm làm cổ vật hơn 700 tỷ đồng bị đập vỡ tan nát từng khiến dư luận Trung Quốc bàn tán xôn xao.
Theo đó, nhằm phổ biến kiến thức chơi cổ vật và tránh cho nhiều người bị lừa, các chương trình thẩm định bảo vật ở Trung Quốc được sản xuất và phát sóng ngày càng nhiều. Các chương trình này nhận được phản ứng tích cực bởi ban thẩm định hay người dẫn chương trình đều là những người nổi tiếng hoặc chuyên gia trong lĩnh vực giám định cổ vật. Chương trình kiểu này vừa thỏa mãn trí tò mò, nâng cao kiến thức về cổ vật của người xem, vừa giải đáp và góp phần nâng cao giá trị của món đồ được mang tới giám định.
"Thiên hạ sưu tầm", chương trình thẩm định cổ vật quy mô lớn được sản xuất bởi đài truyền hình Bắc Kinh (BTV) là một ví dụ. Khác với "Kiểm định bảo vật" của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, "Thiên hạ sưu tầm" bổ sung nhiều yếu tố kịch tính, đặc sắc nhất là màn "đập vỡ bảo vật" nếu chuyên gia xác minh bảo vật đó là giả.
Để thu hút khán giả, "Thiên hạ sưu tầm" còn mời diễn viên gạo cội Vương Cương, người thủ vai Hòa Thân trong bộ phim Tể tướng Lưu Gù, tới dẫn chương trình. Tuy nhiên, trong một số phát sóng cách đây nhiều năm, "Hòa thân" Vương Cương đã đập nhầm một món đồ cổ trị giá 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 700 tỷ đồng) gây ra tranh cãi lớn.
Cụ thể, trong tập phát sóng ngày 28/10/2012, người đàn ông tên Phó Thường Dũng, một bác sĩ y học cổ truyền người Hà Bắc, đã mang món đồ gia truyền là cặp chén sứ Điềm Bạch từ thời nhà Minh đến chương trình và nhờ chuyên gia thẩm định.
Vương Cương đập vỡ món đồ cổ trên sóng truyền hình vì các chuyên gia cho nó là giả.
Sau khi nhận bảo vật trên tay, các chuyên gia bắt đầu xem xét kỹ lưỡng. Nhưng sau khi phân tích, họ đồng loạt thống nhất món đồ cổ này là hàng nhái, là đồ hiện đại được làm giả cổ. Tuân thủ quy tắc chương trình, nam nghệ sĩ Vương Cương đã ngay lập tức dùng búa đập vỡ toàn bộ món đồ trên sóng truyền hình.
Nhưng chuyện chưa kết thúc tại đó. Phía Phó Thường Dũng vẫn nghi ngờ về kết luận trên nên đã đem toàn bộ mảnh vỡ của món đồ tìm tới các chuyên gia khác. Bất ngờ là những chuyên gia mà anh tìm tới lại kết luận mảnh vỡ là của một báu vật thật sự, có trị giá ít nhất 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 700 tỷ đồng).
Biết món đồ quý giá đã bị chương trình đánh giá sai và phá hủy, Phó Thường Dũng rất tức giận. Anh cho rằng các chuyên gia và ê-kíp chương trình quá vô trách nhiệm, chỉ đánh giá bằng sự quan sát ngắn hạn nên mong họ bù đắp thiệt hại cho mình. Tuy nhiên nhóm làm chương trình đã tìm lại các điều khoản mà Phó Thường Dũng ký lúc đầu và cho biết sẽ không chịu trách nhiệm. Không chấp nhận câu trả lời này, anh Phó đã kiện ê-kíp chương trình ra tòa.
Vụ kiện kéo dài gần 3 năm, tới đầu năm 2016, tòa án đã ra phán quyết: Tất cả các yêu cầu của nguyên đơn Phó Thường Dũng bị bác bỏ. Phí thụ lý vụ án là 3.300 NDT cũng do chính Phó Thường Dũng chi trả. Nói cách khác, hợp đồng mà anh này ký trước thời điểm tham gia chương trình có hiệu lực pháp lý. Người tham gia phải chịu toàn bộ trách nhiệm và ê-kíp chương trình không có lỗi.
Dù phía "Thiên hạ sưu tầm" thắng kiện nhưng sau khi sự việc bị đưa lên mặt báo, nhiều khán giả nghi ngờ tính xác thực từ ý kiến của các chuyên gia tham gia chương trình và cho rằng họ đã làm hư hại một cổ vật quý giá thì nên bồi thường thiệt hại cho đương sự.
Tuy nhiên, không ít người đồng tình với quyết định của tòa, cho rằng thỏa thuận được ký bởi Phó Thường Dũng trước đó là tự nguyện nên việc phải chịu rủi ro là bình thường.
Ý định ban đầu của chương trình rất tốt nhưng để thu hút khán giả, những người sản xuất đã không ngần ngại dùng chiêu trò có phần quá đáng. Hơn nữa, việc thẩm định của chuyên gia cũng không đảm bảo chính xác 100%, một khi sơ suất xảy ra và cổ vật bị phá hủy sẽ là một tổn thất lớn đối với ngành khảo cổ Trung Quốc.
Sau lùm xùm này, ngày càng ít người xem chương trình. Cuối cùng do rating giảm mạnh, chương trình chỉ có thể lựa chọn dừng phát sóng.
Người đưa tin