MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân thế giới quay cuồng trong "bão giá"

24-06-2022 - 06:29 AM | Thị trường

Giá cả hàng hóa tăng phi mã đang tạo áp lức lên hầu bao của người tiêu dùng.

Lạm phát tại Mỹ ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Chi phí sinh hoạt tại Anh tăng nhanh nhất trong vòng 30 năm qua. Rất nhiều nước khác như Ấn Độ, các nước ở khu vực châu Âu hay Nam Mỹ cũng đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục trong nhiều năm.

Các chính phủ đau đầu với cơn bão giá. Còn những người tiêu dùng cũng đang phải cân đo đong đếm từng đồng. Họ đang phải xoay xở những cách riêng để tiết kiệm chi tiêu.

Bà Roy và chồng, ông Dutta, đều đã về hưu, sống ở New Delhi, Ấn Độ. Ông bà nằm trong số hàng trăm triệu người Ấn Độ đang phải thay đổi cách sinh hoạt và chi tiêu, vì lạm phát ăn mòn túi tiền của họ, những người vốn sống bằng lương hưu hoặc khoản tiền tiết kiệm ít ỏi.

"Trước đây, tôi có thể đi chợ bất cứ lúc nào, nhưng giờ mua đồ thì phải đến những chợ đầu mối, mà phải đi khi chợ sắp đóng cửa vì lúc đó giá thực phẩm sẽ giảm", bà Sumita Roy, công nhân nghỉ hưu, New Delhi, Ấn Độ, chia sẻ.

Người dân thế giới quay cuồng trong bão giá - Ảnh 1.

Giá điện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn 400% trong 3 năm gần đây. Gần 4 triệu hộ gia đình Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cắt điện trong năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: NPR)

Thắt lưng buộc bụng cũng là cách sống của người dân Thổ Nhĩ Kỳ lúc này. Gia đình ông Kemal chấp nhận cảnh sống 1 tuần liền trong bóng tối, không có điện sinh hoạt.

"Chúng tôi đã không thanh toán hóa đơn của mình để thu hút sự chú ý của chính quyền và bảo vệ quyền lợi của 13 - 14 triệu người cũng trong hoàn cảnh không đủ khả năng chi trả tiền điện", ông Kemal Kilicdaroglu, người dân Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

Giá điện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn 400% trong 3 năm gần đây. Gần 4 triệu hộ gia đình Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cắt điện trong năm 2021. Tuy nhiên điện không phải là gánh nặng chi tiêu duy nhất của người dân nước này. Giá dịch vụ  giao thông vận tải tăng 105%, trong khi chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89%, theo dữ liệu công bố đầu tháng này.

Trong khi đó ở Cuba, đối mặt với việc xăng tăng giá mạnh, nhiều người đã chuyển sang đi xe điện.

"Xăng dầu khan hiếm và phải xếp hàng rất lâu mới mua được. Xe điện là lựa chọn tốt vì tôi thường xuyên đưa các con đi học", ông Raul Suarez, người dân Santa Clara, Cuba, cho hay.

Nhiều chuyên gia dự báo cho rằng giá xăng dầu còn neo ở mức cao trong ít nhất 6 tháng cuối năm nay và chắc chắn việc thay đổi lối sống để thích nghi với mặt bằng chi phí cao là vô cùng cần thiết.

Theo Nguyễn Mai

VTV

Trở lên trên