Trong buổi sáng 30/11, Hà Nội tiếp tục bao phủ bởi bụi mịn. Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu, đứng thứ 3 thế giới với chỉ số AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe con người. Thậm chí tại khu vực quận Tây Hồ, chỉ số chất lượng không khí còn ở mức trên 300 AQI.
So với hôm qua (29/11), số lượng các điểm đo có chất lượng không khí ở mức nguy hại (mức nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tất cả mọi người) thậm chí còn tăng đột biến.
Tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) chất lượng không khí xấu làm khuất tầm nhìn, một số người dân phải bật đèn xe trong lúc di chuyển.
Tại khu vực đường Vành đai 3, hàng loạt tòa nhà chung cư, cao tầng gần như "biến mất" vì sương mù.
Tình trạng Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã diễn ra hơn 1 tuần nay. Các chuyên gia dự báo, những ngày ô nhiễm sẽ còn kéo dài bởi đây mới là giai đoạn đầu mùa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi khói bụi đi.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi ra ngoài ở môi trường ô nhiễm không khí, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng; vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng và tối bằng nước muối sinh lý, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ.
Khó có thể quan sát rõ ràng tòa nhà Lotte Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh trong không khí trắng đục dù đứng cách xa khoảng 300m.
Bà Dung (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Sáng nay tôi đi chợ và cảm thấy rất khó thở, trên đài báo cũng đưa tin nhiều về việc chất lượng không khí ở mức xấu nên thôi phải mang theo khẩu trang khi ra đường".
Nhiều người dân cho biết, bên cạnh việc không khí ô nhiễm gây khó thở, họ còn cảm thấy nhức mắt, đau họng và khó chịu trong người.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nguyên nhân như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.