MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân vẫn thờ ơ với truy xuất nguồn gốc thịt lợn

07-11-2019 - 10:50 AM | Thị trường

Thịt lợn tại TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng truy xuất nguồn gốc được gần 3 năm tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng người dân vẫn không mặn mà với việc truy xuất này. Người tiêu dùng cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc bằng cách đeo vòng vào chân lợn và dán tem lên sản phẩm thịt thời gian qua không hiệu quả, vì khó có thể bảo đảm chính xác. Bởi thực tế, việc truy xuất hiện nay mới dừng lại ở các thông tin lợn nuôi ở trại nào, ngày giờ giết mổ, chứ không thể biết về con giống, thức ăn, quá trình thuốc tiêm ra sao…

Người tiêu dùng thờ ơ

Đến nay, TPHCM đã triển khai quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), hơn 500 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm) và tại một số chợ lẻ. Tuy vậy, việc truy xuất thịt lợn vẫn chưa được nhiều người để ý vì thời gian qua không có thông tin nào giới thiệu chương trình này xuyên suốt. Tại các điểm bán không có bảng thông tin cơ bản về chương trình truy xuất.

Ghi nhận tại quầy bán thịt lợn ở siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), không phải tất cả sản phẩm thịt lợn bán tại đây đều được gắn mã QR code (mã dùng để truy xuất thông qua điện thoại smartphone) mà thực tế, chỉ có một số sản phẩm đóng gói sẵn mới được dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn lại, thịt lợn bán theo kiểu để người mua chọn lựa rồi nhân viên bán hàng mới cân, đóng gói tại chỗ thì không có tem truy xuất. Khi được hỏi tại sao không truy xuất nguồn gốc thịt lợn, chị Nguyễn Thị Lan (quận 3) trả lời mua vì tin tưởng thương hiệu và cam kết của doanh nghiệp, chứ truy xuất liệu có giải quyết được vấn đề hay không. “Trách nhiệm đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các chủ siêu thị, chứ không phải bắt người tiêu dùng phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi mua” - chị Lan nói.

Còn ghi nhận tại một số điểm bán thịt lợn ở chợ truyền thống - nơi cũng triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt lợn, người bán và người mua lại càng không quan tâm đến những con tem truy xuất nguồn gốc. Chị Huyền - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bến Thành (quận 1) cho biết, cả năm nay bán thịt lợn tại đây không có người mua nào hỏi về tem truy xuất. “Tôi bán thịt lợn ở đây hơn chục năm và khách chủ yếu là người quen nên họ tin tưởng về chất lượng chứ mấy ai quan tâm đến con tem” - chị Huyền nói.

Tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, khi đưa thịt lợn vào chợ, pha lóc, thương lái đều cắt bỏ vòng truy xuất nguồn gốc. Do vậy, vòng truy xuất chỉ đến được chợ đầu mối, còn các tiểu thương bán lẻ và người tiêu dùng đều không thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, theo ông Trần Văn Minh - một thương lái chợ đầu mối Bình Điền, tính trên số đầu lợn đưa vào chợ thì mỗi ngày phải tốn hàng chục triệu đồng tiền mua vòng truy xuất. Việc này gây lãng phí. Trong khi đó, nhiều vòng đeo không được kích hoạt, hoặc có kích hoạt thì thông tin cập nhật không đầy đủ.

Xây dựng thương hiệu cho lợn

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ thì cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn cho đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Nguyên nhân là do việc quản lý vẫn chỉ mới áp dụng ở khâu giết mổ, phân phối, trong khi vấn đề liên kết sản xuất, từ con giống, thức ăn đến quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thì chưa được quan tâm đúng mức. “Muốn truy xuất phải đẩy mạnh liên kết chuỗi để khi phát hiện sai phạm thì căn cứ vào các khâu liên kết trong chuỗi mà có hình thức xử phạt đúng người đúng tội, đồng thời có thể xử lý tận gốc của vấn đề” - ông Quyết đề xuất.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thừa nhận, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng cách đeo vòng vào chân lợn là không hiệu quả, vì không thể nào bảo đảm con lợn đó an toàn, chất lượng. Hiện Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đang tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho lợn.

Chưa giải quyết được vấn đề người dân quan tâm

Chị Nguyễn Thị Tố Oanh (P.Bình Trưng Đông, Q.2, TPHCM): Khi mua thực phẩm, nhất là thịt lợn, điều tôi quan tâm nhất là chất lượng như: Miếng thịt đó có tồn dư lượng thuốc kháng sinh quá mức cho phép không? Thịt lợn đó có bị bệnh gì không? Hay thịt đó có tẩm ướp hóa chất gì không?...Tuy nhiên, hiện nay khi dùng điện thoại quét mã code trên con tem dán lên miếng thịt hiện nay để truy xuất nguồn gốc thì không trả lời được những điều tôi cần, mà thay vào đó nó chỉ mới có thông tin về trang trại nuôi, ngày xuất chuồng, ngày giờ giết mổ…

Trần Thị Hường (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM): Lúc đầu khi thành phố mới áp dụng truy xuất nguồn gốc, tôi thấy hay hay nên mỗi khi ra siêu thị mua thịt là lấy điện thoại ra quét mã code trên tem xem thế nào. Nhưng rồi thấy việc dán tem ấy truy xuất nguồn gốc cũng không hiệu quả lắm nên sau này không truy xuất nữa. Sở dĩ chúng tôi không mặn mà việc truy xuất là vì thấy quy trình hiện nay cũng khó mà kiểm soát được chất lượng thịt heo đến người tiêu dùng. HUYỀN TRÂN

Đồng Nai: Bất cập trong việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc lợn

Tỉnh Đồng Nai được coi là tỉnh "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước và là nguồn cung thịt lợn lớn cho TP HCM. Tuy nhiên, vấn đề giết mổ lợn lậu tại đây vẫn đang là cuộc chiến "dai dẳng". Theo số liệu thống kê mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn tồn tại 40 lò giết mổ gia súc trái phép, trong đó thành phố Biên Hòa có tới 17 cơ sở. Nguy cơ thịt bẩn từ các lò giết mổ lậu vẫn rất lớn vì đây là nguồn giết mổ lợn trái phép các loại heo chết, lợn bệnh rồi tuồn ra thị trường.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, lũy kế đến hết 31.10.2019, toàn tỉnh Đồng Nai có 621 cơ sở chăn nuôi và 16 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn (do Đồng Nai phối hợp với TPHCM thực hiện đeo vòng cho lợn từ trang trại).

Nhưng thực tế, đến nay quá trình kiểm soát vẫn còn một số bất cập. Ông Lương Hồng Đoán, hộ chăn nuôi lợn tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho biết, thịt lợn cung cấp vào siêu thị thì có thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, toàn bộ số lợn còn lại bán cho thương lái thì không yêu cầu đeo vòng truy xuất. Ngoài ra, có cơ sở chăn nuôi cho thương lái mượn code (mã đăng ký truy xuất nguồn gốc lợn) dẫn đến việc số lượng lợn xuất bán lớn hơn số lượng nuôi thực tế của cơ sở. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc vì xảy ra trường hợp con lợn xuất từ trại này nhưng dữ liệu lại của trại khác; có khi kích hoạt lại không thấy xuất hiện thông tin vì thương lái chỉ lợn để đối phó…

HÀ ANH CHIẾN

Theo Minh Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên