Người dân xếp hàng sang tên ô tô trước ngày bắt đầu định danh biển số
Sáng 14/8, ghi nhận tại Cơ sở đăng ký xe số 2 (Láng Thượng, Đống Đa, TP Hà Nội) trước ngày bắt đầu định danh biển số, có rất đông người dân đến làm các thủ tục như sang tên đổi chủ, thu hồi biển số, đăng ký mới…
- 13-08-2023Xác định danh tính 3 người của CLB HAGL tử vong trong vụ ô tô tông liên hoàn
- 10-08-2023Những điều cần biết về biển số xe định danh áp dụng từ 15-8
- 08-08-2023Người dân cần lưu ý gì khi cấp biển số xe theo mã định danh?
Chủ ô tô làm thủ tục sang tên tăng đột biến
Rất đông người dân xếp hàng chờ đến lượt ngay từ khu vực lấy tờ khai hồ sơ phía ngoài cổng Cơ sở đăng ký xe số 2, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Bên trong khu vực tiếp nhận hồ sơ, cũng chật kín người đợi nộp hồ sơ.
Ông H. một người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ ô tô cho biết, về lâu dài theo xu hướng phát triển chung thì định danh biển số xe theo người là việc làm đúng, dễ kiểm soát trong quản lý của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, ông H. cho rằng, ở một góc độ nào đó, cũng nên có lộ trình nhất định cho những người mua bán xe trước đây mà chưa sang tên. Bởi họ sẽ gặp khó khăn như chủ cũ đã mất, di chuyển công tác, hoặc đi nước ngoài ở dẫn đến việc liên hệ lại rất khó… do đó, cần có hướng dẫn cho những người sở hữu xe không chính chủ nhưng có hồ sơ “xịn” nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể.
Ông H. lấy ví dụ như trường hợp của ông mua ô tô và có hợp đồng mua bán 3 năm nay, khi ông xem tivi, đọc báo thấy quy định mới phải ra cơ sở đăng ký xe để hỏi các thủ tục bởi cũng chưa nắm được các bước phải làm như thế nào.
Còn anh Lò Văn Chung - trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, về quy trình thủ tục sang tên đổi chủ trước ngày 15/8 vẫn thực hiện như cũ, nhưng mất nhiều thời gian làm thủ tục hơn, bởi mọi người dồn về thời điểm trước ngày Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực, dẫn đến việc làm thủ tục sang tên quá tải, phải chờ đợi.
“Tôi làm thủ tục từ hôm thứ 6 tuần trước. Qua các bước như đến cơ quan thuế xếp hàng lấy thông báo thuế rồi ra ngân hàng nộp tiền. Buổi chiều lên cơ sở đăng ký xe mới cà được số khung, số máy. Tới sáng hôm sau mới kiểm tra được xe và đến hôm nay tiếp tục đến hoàn thành thủ tục.” - anh Chung kể.
Theo anh Chung, việc biển số định danh theo người có thể sẽ quản lý tốt hơn, bởi hiện nay thực hiện Chính phủ số, tích hợp hết thông tin cá nhân trên môi trường điện tử. Khi xảy ra vấn đề như tai nạn giao thông, hay vi phạm pháp luật thì lực lượng công an có thể quản lý được chặt chẽ hơn, tránh trường hợp mua bán xe hàng chục năm nhưng không sang tên.
Đồng quan điểm với ông H. anh Chung cho rằng, việc mua bán xe qua giấy tờ viết tay hoặc mua bán miệng thì không được pháp luật công nhận nên giờ nhiều người không biết làm thế nào, bởi tìm chủ cũ thì không được sẽ dẫn đến không thể sang tên. Có trường hợp chủ cũ đã mất thì con cái họ sẽ được thừa hưởng rất phức tạp, do đó, cũng nên có hướng dẫn cho họ.
Anh Chung cũng thắc mắc, hiện tại theo quy định mới thì mỗi cá nhân sẽ không bị hạn chế số lượng xe và biển số, như vậy nếu có 10 cái xe thì 10 biển số khác nhau thì không biết cơ quan chức năng quản lý ra sao?.
Từ 15/8, người dân mua bán xe làm thế nào?
Trao đổi với phóng viên, trung tá Tạ Quang Minh - cán bộ Cơ sở đăng ký xe số 2, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, nửa tháng trở lại đây, tâm lý của người dân nghe đến việc định danh biển số xe thì lượng người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ rất đông, có những ngày gấp 5-6 lần bình thường. Riêng ngày thứ 7 (12/8), đơn vị phải tăng cường cán bộ làm ngoài giờ hành chính do số lượng người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ quá đông.
Theo trung tá Minh, từ ngày 15/8, đối với xe không chính chủ sang tên thì khi đến làm thủ tục cơ quan chức năng sẽ thu hồi đăng ký và cấp lại biển số định danh cho chủ sở hữu đang sử dụng xe.
Cụ thể, người bán xe phải đến làm thủ tục thu hồi đăng ký, giữ lại biển số, còn người mua phải làm thủ tục đăng ký tên của mình và bấm biển mới nếu chưa có.
“Đối với phương tiện đã có giao dịch mua bán theo đúng quy định của pháp luật thì trong vòng 30 ngày phải đến làm thủ tục thu hồi đăng ký và giữ lại biển số. Sau 30 ngày nếu không thực hiện thì sẽ bị phạt, cụ thể đối với ô tô cá nhân là 2-4 triệu đồng, tổ chức từ 4-8 triệu đồng” - trung tá Minh cho biết.
Có thể sở hữu biển số trước khi mua xe ô tô
Vị cán bộ CSGT cho biết thêm, theo Thông tư 24, từ 15/8, một người có thể sở hữu nhiều biển số. Nếu chủ xe mà không có phương tiện có thể đề nghị cơ quan chức năng giữ biển số đó trong vòng 5 năm. Nếu quá 5 năm mà không có phương tiện để gắn thì biển số đó sẽ bị thu hồi về kho số để cấp cho người khác.
“Khi chủ xe đã có biển số định danh đang lưu trữ trong vòng 5 năm và mua xe mới thì bắt buộc phải lắp biển số đó, khi nào lắp hết thì mới được đăng ký biển số mới” - trung tá Minh giải thích.
Trung tá Minh lấy ví dụ, một người đang sở hữu 3 biển số định danh ở trên hệ thống mà chưa lắp vào xe nào cả, thì khi mua phương tiện mới phải gắn lần lượt cho đến hết 3 biển số đó lên 3 xe. Khi đã sử dụng hết biển số thì mới được cấp biển mới.
Khi Thông tư 24 có hiệu lực, đối với biển 5 số hệ thống tự động định danh, còn biển 3 và 4 số vẫn lưu thông bình thường và không được định danh. Trường hợp chủ phương tiện có giao dịch mua bán, trao đổi… thì phải đến cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số và chủ mới sẽ được bấm biển 5 số để định danh theo quy định.
Từ ngày 15/8, Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực.
Theo thông tư này, đối với xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8, mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.
Tiền phong