Người dùng "thắt lưng buộc bụng", doanh nghiệp “lấy công làm lãi”
Trong tình hình khó khăn, người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", các doanh nghiệp thực phẩm buộc phải tìm cách kéo giảm giá thành cũng như thực hiện bình ổn giá dịp Tết.
- 07-01-2022Suất đầu tư cao tốc Bắc – Nam hơn 201 tỷ đồng/km, Bộ Giao thông nói gì?
- 07-01-2022Forbes: Bước chuyển mình đầy tham vọng của các bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam
- 06-01-2022Reuters: VinFast lên kế hoạch xây dựng 'siêu nhà máy' sản xuất pin xe điện tại cả Mỹ và Đức
So với cùng kỳ, năm nay, giá nguyên liệu thực phẩm đầu vào cho sản xuất hàng Tết đã tăng 20 - 30%, nhiều loại nguyên liệu tăng đến 50%.
Chi phí đầu vào tăng khoảng 10% cùng áp lực giữ chân người lao động, ổn định sản xuất, khiến Công ty Vĩnh Thành Đạt phải tính toán tăng sản lượng bán ra. Phát triển sản phẩm mới và sử dụng các dòng nguyên liệu sẵn có, giá cả phải chăng hơn là cách doanh nghiệp xoay xở để tăng sức mua chứ không tăng giá bán.
"Cắt giảm các chi phí không cần thiết như marketing, quảng cáo… Chúng tôi kết nối với các siêu thị, các sàn thương mại điện tử để thực hiện các chương trình khuyến mãi. Việc mua bán trên sàn thương mại điện tử giúp tăng sản lượng bán đáng kể", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Nhiều doanh nghiệp chọn cách "lấy công làm lãi", tăng lượng hàng bán ra để bù vào lợi nhuận. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Khảo sát hơn 11.000 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong mùa Tết năm nay, có đến 85% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp chọn cách "lấy công làm lãi", tăng lượng hàng bán ra để bù vào lợi nhuận. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chọn cách tái cơ cấu lại sản xuất, tập trung hiệu quả cho sản xuất.
"Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm sức bán ra của doanh nghiệp giảm từ 20 - 25%. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao buộc doanh nghiệp phải chia sẻ lợi nhuận bằng những chương trình khuyến mãi", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, chia sẻ.
Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, riêng lượng hàng thực phẩm năm nay, các doanh nghiệp không tăng nhiều về sản lượng, mà chú trọng vào chất lượng và giá cả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, nếu sức mua thị trường tăng lên thì sẽ lập tức tăng tốc sản xuất.
"Gần như 80% nhóm hàng của chúng tôi chưa tăng giá để kích cầu tiêu dùng. Chúng tôi phải chấp nhận hòa vốn hoặc chịu lỗ một chút. Chúng tôi chưa thể vì đầu vào tăng mà chúng tôi tăng", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), cho hay.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp tìm giải pháp, kết nối vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận cần chặt chẽ hơn nữa để lưu thông hàng hóa thuận tiện, tránh đứt gãy dọc chuỗi cung ứng, từ đó giảm bớt chi phí không đáng có.
VTV.VN