Người dùng thẻ tín dụng chú ý: Lãi suất bắt đầu tăng mạnh
Nhiều ngân hàng đã thông báo về việc thay đổi lãi suất thẻ tín dụng trong thời gian gần đây.
- 21-11-2022Thị trường tiền tệ dần ổn định, NHNN bắt đầu tinh chỉnh các công cụ chính sách
- 21-11-2022Tuần này, có tiền gửi tiết kiệm 6 tháng ở đâu lãi cao nhất?
- 21-11-2022Gửi tiền kỳ hạn 6 tháng ở VPBank được lãi bao nhiêu?
Sacombank mới đây thông báo, từ ngày 18/11/2022, ngân hàng tăng lãi suất của nhiều loại thẻ tín dụng khách hàng cá nhân.
Cụ thể, thẻ tín dụng hạng vàng/chuẩn có lãi suất tăng từ 1,5-2,6%/tháng lên 1,5-2,77%/tháng, tức tăng lên cao nhất là 33,24%/năm thay vì 31,2%/năm như trước đây.
Bên cạnh đó, thẻ tín dụng cao cấp (bao gồm các loại thẻ Visa Infinite, World Mastercard, JCB Ultimate, Visa Signature, Visa Platinum, Visa Platinum Cashback) có lãi suất tăng từ 1,25-2,4%/tháng lên 1,25-2,48%/tháng, tức cao nhất là 29,76%/năm thay vì 28,8%/năm như trước.
Sacombank cho biết, trong đợt điều chỉnh này, chỉ riêng thẻ Visa Platinum Tiki không thay đổi lãi suất.
Đáng chú ý, bên cạnh tăng lãi suất, Sacombank cũng tăng phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa Napas (Family) tại ATM/POS của ngân hàng khác từ 1% (tối thiểu 10.000 đồng) lên 4% (tối thiểu 60.000 đồng). Điều chỉnh này áp dụng từ ngày 18/11/2022.
Tương tự, VPBank cũng thông báo tới nhiều khách hàng về việc điều chỉnh lãi suất thẻ tín dụng. Chẳng hạn, lãi suất thẻ tín dụng VPBank Titanium Lady Credit đã tăng từ 2,99%/tháng lên 3,29%/tháng, tương đương tăng từ 35,88%/năm lên 39,48%/năm. Thay đổi này có hiệu lực từ ngày 23/11/2022 cho đến khi có thông báo mới của VPBank.
So với năm 2021, lãi suất một số dòng thẻ tín dụng tại các ngân hàng cũng đã tăng đáng kể. Chẳng hạn, tại Techcombank, lãi suất thẻ tín dụng Infinite hiện nay là 19,8%/năm, cao hơn so với mức 15%/năm được ghi nhận trong năm 2021. Hay thẻ hạng chuẩn/classic của Techcombank hiện có lãi suất là 36%/năm, tăng khoảng 6% so với cách đây 1 năm.
Ngày 11/11/2022, Kienlongbank cũng thông báo tới khách hàng về việc điều chỉnh lãi suất thẻ tín dụng. Trong đó, thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm là thẻ tiết kiệm do KienlongBank phát hành có lãi suất 18%/năm. Thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm khác có lãi suất 21%/năm. Thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm có lãi suất 28%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 3-6%/năm so với năm 2021.
Trên thực tế, trước việc lãi suất liên tục tăng cao trong thời gian gần đây thì việc lãi suất cho vay, bao gồm lãi suất đối với sản phẩm thẻ tín dụng tăng lên là điều khó tránh khỏi. Nhiều ngân hàng cũng đã cập nhật biểu lãi suất cơ sở, lãi suất tham chiếu cho vay với mức tăng khá mạnh, khoảng 0,5-1,5%/năm.
Với biểu lãi suất cơ sở tăng mạnh, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng hiện đã lên trên mức 10%/năm, thậm chí còn lên tới 15 - 16%/năm (trừ các khoản vay lĩnh vực ưu tiên). Thậm chí, với sản phẩm thẻ tín dụng, lãi suất đã tăng mạnh lên 30- 40% tại nhiều nhà băng và lên tới 60%/năm tại các công ty tài chính.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay, người vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng cần tính toán một cách thận trọng và có kế hoạch trả nợ an toàn để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ, dẫn đến ngân hàng, công ty tài chính phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh để thu hồi.
Hiện nay, việc mở thẻ tín dụng rất dễ dàng và có nhiều tiện lợi, giúp người dùng có thể chi tiêu trước trả tiền sau, lại còn có thể được áp dụng các chương trình ưu đãi, cash back,...Tuy nhiên, việc có thể chi tiêu trước trả tiền sau cũng khiến nhiều khách hàng "vung tay quá trán", chi tiêu quá mức so với thu nhập và quên trả nợ đúng hạn. Khi quá hạn, họ sẽ phải chịu lãi suất rất cao và khoản nợ sẽ ngày càng phình to, khiến khả năng chi trả trở nên khó hơn.
Nhịp sống thị trường