MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người EQ cao luôn ngầm thực hiện 6 quy tắc, nhờ đó được lòng cả sếp lẫn đồng nghiệp, công việc “xuôi chèo mát mái”

28-05-2022 - 15:43 PM | Sống

Người EQ cao luôn ngầm thực hiện 6 quy tắc, nhờ đó được lòng cả sếp lẫn đồng nghiệp, công việc “xuôi chèo mát mái”

Không có con đường tắt nào dẫn thẳng đến thành công, nhưng luôn có những cách hay để “bứt tốc” và rút ngắn đoạn đường. Người EQ cao thường biết tận dụng nó vào thời điểm thích hợp.

Muốn thành công nơi công sở thì việc trau dồi kỹ năng bên trong thôi chưa đủ, kỹ năng bên ngoài cũng rất quan trọng. Nếu không có được sự tin tưởng và tán thành của người khác, tài năng của bạn rất dễ bị chôn vùi.

Tuy nhiên, mọi người đều bận rộn với công việc riêng, chẳng ai có nhiều thời gian để từ từ tìm hiểu bản chất con người bạn. Do đó, người EQ thường thực hiện các quy tắc “bất thành văn” sau đây để giành thiện cảm của mọi người một cách nhanh chóng.

1. Đến sớm 15 phút vào bất kỳ dịp nào

Rất nhiều người có suy nghĩ “Đi sớm hay về muộn cũng không được trả thêm lương nên chẳng cần thiết”. Họ không biết rằng, đây là cách thể hiện thái độ tích cực thường được mọi người đón nhận nhiều nhất.

Khi đi làm, đến sớm 15 phút, bạn có thể bình tĩnh dọn dẹp bàn làm việc, lập kế hoạch, khởi đầu ngày mới thuận lợi.

Khi giao lưu, đến sớm 15 phút, bạn có thể bình tĩnh chỉnh trang lại vẻ ngoài, làm quen với không gian xung quanh, bắt đầu tiếp cận mọi người sớm hơn.

Khi đi thăm ai đó, đến sớm 15 phút, có thể chuẩn bị quà cáp đàng hoàng, gõ cửa đúng giờ, dành thêm thời gian để trò chuyện với nhau.

Trong thời đại mà mọi người đều có tối thiểu một chiếc smartphone trong tay, tại sao nhiều người thành công vẫn có thói quen đeo đồng hồ? Đó không chỉ là mong muốn thể hiện danh tính và địa vị, mà còn là cách duy trì sự đúng giờ và trân trọng thời gian. 

Tôn trọng thời gian của mình là khôn ngoan, tôn trọng thời gian của người khác lại là phẩm chất cơ bản.

Người EQ cao luôn ngầm thực hiện 6 quy tắc, nhờ đó được lòng cả sếp lẫn đồng nghiệp, công việc “xuôi chèo mát mái” - Ảnh 1.

2. Luôn mang theo một cuốn sổ và bút bên mình

Đừng đánh mất thói quen mang theo giấy bút bên mình chỉ vì điện thoại có sẵn công cụ ghi âm, ghi chép. Sau khi đã ở ngoài xã hội một thời gian dài, bạn sẽ dần nhận ra đây là một thói quen tốt.

Một là vì nhu cầu công việc. Khi đi gặp lãnh đạo hoặc đi họp, dù sếp chỉ đạo 2-3 câu, dù khách hàng chỉ gọi điện trao đổi 3-5 phút, bạn cũng phải dùng bút viết lại những điều quan trọng. Việc ghi chép vừa thúc đẩy trí nhớ, vừa là cách thể hiện thái độ chỉn chu, tỉ mỉ trong công việc. Sau này, khi muốn tìm kiếm thông tin cũng dễ dàng hơn.

Hai là vì nhu cầu khẩn cấp. Khi tìm lãnh đạo ký tài liệu, khi gặp khách hàng để ký hợp đồng, khi cần ghi chép mà điện thoại đột ngột hết pin… rất nhiều trường hợp tương tự có thể xảy ra nên “cẩn tắc vô áy náy”.

Người EQ cao luôn ngầm thực hiện 6 quy tắc, nhờ đó được lòng cả sếp lẫn đồng nghiệp, công việc “xuôi chèo mát mái” - Ảnh 2.

3. Mang theo một vài gói trà, cà phê, bánh kẹo trong túi

Khi di chuyển bên ngoài, đặc biệt là thời điểm đi công tác, mọi người có thể cần “nạp thêm” năng lượng để tranh thủ làm việc. Vào thời điểm đó, một vài gói trà, cà phê và bánh kẹo có sẵn trong túi sẽ giúp ích rất nhiều.

Đương nhiên những món đồ này có thể dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Nhưng việc đó sẽ khiến bạn để lỡ cơ hội thể hiện bản thân là một người biết quan tâm, suy nghĩ cho mọi người.

Những quan tâm nhỏ nhặt, đời thường có thể giúp bạn âm thầm ghi điểm lúc nào không hay. Ngay cả khi đồng nghiệp, cấp trên không trực tiếp nói ra, ấn tượng trong lòng họ cũng sẽ dần thay đổi. 

4. Để ý ngay từ vị trí chỗ ngồi

Nhiều người trẻ mới bước vào môi trường làm việc “vô tâm vô tư” đến mức không để ý các phép xã giao cơ bản trong giao tiếp hàng ngày. Họ không biết rằng, những chi tiết nhỏ như vị trí chỗ ngồi cũng có thể khiến sếp để ý tới bạn. 

Tôi nên ngồi ở hàng trước hay hàng sau khi đi xe chung với lãnh đạo? Khi dự tiệc tối với lãnh đạo, thứ tự các ghế như thế nào? Trong buổi họp tập thể, nên ngồi gần hay xa sếp? Có rất nhiều điều bạn nên để ý nhiều hơn để thể hiện thái độ đúng mực. 

Người EQ cao luôn ngầm thực hiện 6 quy tắc, nhờ đó được lòng cả sếp lẫn đồng nghiệp, công việc “xuôi chèo mát mái” - Ảnh 3.

5. Ăn mặc phù hợp với văn hóa công ty

Nơi làm việc không phải là nhà riêng của bạn để “thích gì mặc nấy”. Quy tắc quan trọng nhất trong việc ăn mặc chính là phù hợp văn hóa của công ty. 

Nếu công ty chỉ toàn người trẻ, mọi người ăn mặc thoải mái, miễn sao hoàn thành tốt công việc thì bạn có thể mặc quần jeans, áo phông. Nếu công ty đề cao sự sang trọng và chuyên nghiệp, hãy khoác lên người những bộ vest, trang phục công sở thẳng thớm. 

Tại nơi làm việc, dù là nam hay nữ, ăn mặc chỉn chu và thích hợp chính là phẩm chất nghề nghiệp cơ bản nhất. Ngoại hình bên ngoài có thể tác động rất lớn tới ấn tượng đầu tiên.

6. Chào thật to khi gặp lãnh đạo

Người EQ thấp mới cúi đầu nghịch điện thoại, giả vờ như không nhìn thấy cấp trên đến gần. Nếu lãnh đạo không biết đến bạn, họ cũng không nhìn thấy tài năng của bạn. Nếu lãnh đạo biết bạn, ấn tượng về một nhân sự không giao tiếp, thiếu tự tin càng khiến họ bỏ qua năng lực của bạn.

Công ty chỉ có bấy nhiêu vị trí quản lý, chỉ có từng đó cơ hội để tăng lương. Nếu không có ý thức để biến bản thân trở nên nổi bật trong mắt lãnh đạo, làm sao bạn có thể lọt vào danh sách được đề bạt?

Vì vậy, nếu gặp lãnh đạo dù là trong hay ngoài công ty, trừ khi đang ở vào hoàn cảnh đặc biệt, bạn hãy tự nhiên cất tiếng chào hỏi. Nếu thời gian cho phép, tốt nhất nên trò chuyện vài câu để lãnh đạo có ấn tượng về mình.

*Theo Aboluowang

https://cafef.vn/nguoi-eq-cao-luon-ngam-thuc-hien-6-quy-tac-nho-do-duoc-long-ca-sep-lan-dong-nghiep-cong-viec-xuoi-cheo-mat-mai-2022052717004779.chn

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên