Người giàu nhất thế giới là một kẻ “phá luật": Thành công không đến tình cờ, cái "ngông" có tính toán làm nên một Elon Musk nổi danh
Tỉ phú Elon Musk có những cách thức và lối đi không giống ai. Và chính điều đó giúp ông đi tới thành công hơn tất cả.
- 16-04-2022Siêu đám cưới của tỷ phú và nữ ca sĩ lừng danh: Dàn khách mời cực VIP, váy cưới đính 24 nghìn mảnh kim cương nhưng cái kết sau 5 năm lại rất sốc!
- 16-04-2022Chân dung nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Ấn Độ: Cựu quản lý ngân hàng cấp cao bỏ việc ở tuổi 49 lập ra đế chế thời trang và mỹ phẩm Nykaa
- 15-04-2022Những siêu mẫu nội y giàu có nhất thế giới: Đắt giá là thế nhưng Kendall Jenner và vợ tỷ phú Snapchat vẫn bị "bà trùm" này bỏ xa với khối tài sản khổng lồ
Elon Musk – là tỉ phú, doanh nhân, một người nhập cư thành công, hay một người thường đăng tải những chuyện không đâu trên Twitter? Có rất nhiều hình ảnh xoay quanh người đàn ông giàu nhất thế giới này, và hình ảnh nào cũng đúng.
Không chỉ là người giàu nhất thế giới, Musk có lẽ cũng là người có ảnh hưởng nhất trên hành tinh này. Và sức ảnh hưởng đó không phải tình cờ mà có. Đó là kết quả của việc cố tình phá bỏ các tiêu chuẩn và thách thức mọi kỳ vọng
Hãy cùng phân tích những chiến lược “phá luật” mang lại sự nổi tiếng cũng như thành công cho Musk, để rút ra bài học cho câu chuyện kinh doanh của riêng bạn:
Chiến lược 1: "Đổ thêm dầu vào lửa"
Trước sức nóng của sự bùng nổ dotcom, Musk đã rất tinh nhạy. Năm 1995, ông thành lập Zip2, một công ty Internet cung cấp các hướng dẫn di chuyển trong thành phố và danh bạ kinh doanh cho các tờ báo. Chỉ 4 năm sau, ông trở thành triệu phú dotcom, khi Zip2 được bán với giá 307 triệu USD và Musk thu lợi nhuận lên tới 22 triệu USD.
Khi công chúng ngày càng quan tâm tới Thung lũng Silicon, Musk đã tự liên hệ với truyền thông để trực tiếp giới thiệu thành công của bản thân với công chúng. Chẳng hạn, khi Musk bắt đầu kiếm được hàng triệu USD, ông tự mời CNN tới nhà để ghi hình đưa tin về việc mình vừa mua một chiếc xe mới trị giá tới 1 triệu USD.
Để công chúng hiểu được hoạt động bên trong của Thung lũng Silicon là rất khó, nên Musk tự tạo dựng một hình ảnh dễ hiểu hơn nhiều về bản thân. Giới truyền thông muốn có một câu chuyện thành công và Musk sẵn sàng cho họ một ví dụ.
Vậy nếu bạn là một doanh nhân, đặc biệt là trong một ngành phức tạp, hãy học cách đưa tên tuổi của bản thân vào văn hóa đại chúng như Elon Musk đã làm. Điều này chắc hẳn sẽ mang lại lợi ích cho việc kinh doanh về lâu về dài.
Chiến lược 2: Cá nhân hóa công việc kinh doanh
Lời khuyên phổ biến dành cho kinh doanh là không để nó mang tính cá nhân, nhưng với Musk thì ngược lại, khi tính cách của ông gắn bó chặt chẽ với hai tập đoàn Tesla và SpaceX. Điều này là có lí do. Chính Musk đã nhận ra rằng trong kinh doanh, mọi người, mọi vị trí đều có thể bị thay thế, kể cả Musk cũng từng mất quyền kiểm soát các công ty của chính mình trong một số hoàn cảnh khó khăn trong quá khứ.
Với SpaceX và Tesla, Musk đã kết hợp mục tiêu cá nhân với mục tiêu kinh doanh, gắn vị trí trong lòng công chúng với hiệu quả hoạt động của cả hai công ty và đảm bảo vị trí dẫn đầu của mình. Ông thậm chí còn thay đổi chức danh công việc của mình tại Tesla từ CEO thành một khái niệm mới – Technoking – vua công nghệ.
Bài học ở đây là mọi người đều có thể bị thay thế, nên hãy suy nghĩ về cách bạn có thể kết hợp vị trí trong lòng công chúng với các mục tiêu của công ty để đảm bảo vị thế ổn định cho bản thân.
Chiến lược 3: Đặt ra các mục tiêu không thực tế
Thay vì tập trung vào một con đường rõ ràng để đạt được lợi nhuận, Musk tuyên bố những mục tiêu có vẻ bất khả thi, chẳng hạn như đưa nhân loại lên sao Hỏa trước khi ông chết. Là một trong những người giàu và quyền lực nhất thế giới, Musk tự cho công ty của mình là cậu bé tí hon nhưng đủ sức đánh bại những gã khổng lồ - tức những mục tiêu không tưởng.
Vậy nếu là một doanh nhân, hãy nhớ rằng mục tiêu không chỉ là doanh thu và hiệu quả hoạt động. Hãy đặt ra các mục tiêu có khả năng thúc đẩy lực lượng lao động, thu hút nhà đầu tư và cả các khách hàng tiềm năng.
Chiến lược 4: Xây dựng những hình ảnh ngoài lề
Các doanh nhân biết rằng chìa khóa thành công là luôn tập trung vào mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, kể cả khi Musk có bận làm việc đến mức phải ngủ trên ghế dài tại văn phòng, thì ông vẫn phải dành thời gian cho truyền thông, sân khấu, …
Hầu hết các nhà khoa học không muốn dính dáng đến lĩnh vực giải trí, nhưng Musk thì khác, khi ông thậm chí còn tham gia một số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Gia đình simpsons, Người Sắt, ... Rõ ràng bên cạnh việc là một người luôn mong muốn phát triển nhân loại, Musk cũng dành một khoảng thời gian nhất định để xây dựng hình ảnh của bản thân.
Vai cameo của Elon Musk trong tác phẩm Người Sắt 2 nổi tiếng
Musk muốn mọi người hiểu rằng chỉ duy trì các hoạt động theo nề nếp là chưa đủ đối với một lãnh đạo công ty. Thay vào đó, cần mạnh dạn tham gia vào các trải nghiệm khác, làm cho công ty trở nên nổi bật hơn, và những cơ hội lớn hơn cũng sẽ tìm tới.
Chiến lược 5: Nói những gì mình nghĩ
Musk sẵn sàng nói và làm mọi thứ, từ khác thường đến “phản diện”, chẳng hạn như đặt tên cho con trai là X Æ A-12 vào năm 2020 và con gái là Exa Dark Sideræl vào năm 2022. Ông sử dụng Twitter như một sân chơi cá nhân, với những phát ngôn gây ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu của Tesla, SpaceX, cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác. Từ việc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới đến so sánh thủ tướng Canada với Hitler, không có ai là ngoại lệ đối với Musk.
Là một doanh nhân, hãy nhớ rằng mọi thứ đăng trên MXH đều phản ánh bạn và doanh nghiệp. Khi Musk đăng các meme mọt sách, ông đang khẳng định rằng mình là một phần trong văn hóa đọc sách mà nhiều khách hàng cũng ở trong đó.
Khi đăng các thông tin cập nhật về doanh nghiệp, ông muốn cho cả thế giới và đội ngũ nhân viên biết rằng ông vẫn đang điều hành mọi công việc.
Những gì xuất hiện trên MXH đều có thể là một phần của chiến lược truyền thông lớn hơn. Do đó, hãy suy nghĩ về hình ảnh và thông điệp mà bạn muốn truyền tải, để biết cần làm gì, đăng gì.
Nói chung, tất cả các doanh nhân phải sẵn sàng thách thức một lối mòn, làm một việc theo cách bất ngờ hoặc tạo ra điều gì đó hoàn toàn mới. Đồng thời phải biết mục tiêu cuối cùng và xây dựng hình ảnh của bản thân xung quanh mục tiêu đó. Từ đó, họ có thể xác định những quy tắc nào cần được phá vỡ, hoặc thay đổi theo hướng có lợi cho mình, để mang lại những thành quả xứng đáng.
Theo Enterpreneur