Người Hàn có cách tính tuổi mụ rất khác: Trải lòng của cô gái tăng liền 2 tuổi sau 1 chuyến bay, phút chốc thành "gái ế tuổi 30"
Tuổi 30 là một mốc thời gian quan trọng trong nhiều nền văn hóa. Đến 30 tuổi, bạn phải bắt đầu ổn định cả về sự nghiệp và hôn nhân, nhưng có đúng thế không?
- 21-11-2022Sao nhí gốc Hàn đóng vai cô bé người Việt nổi tiếng: Lập kỷ lục tại hàng loạt giải thưởng lớn Hollywood
- 14-11-2022Người Việt được Hàn Quốc trao giải thưởng danh giá nhất về các hoạt động thiện nguyện
- 30-10-2022Người Việt đầu tiên đóng chính phim truyền hình Hàn: Ngoại hình thăng hạng, học vấn khủng
- 19-10-2022Người dân Hàn Quốc ngại sinh con khiến một ngành nghề đứng trước nguy cơ khan hiếm dần
Lược dịch từ bài viết của tác giả Elain Yj Lee trên trang Refinery29.
Luôn luôn có một trò đùa về cái gọi là “Ba chục là lúc để hư” (nguyên văn: Dirty Thirty). Bất cứ khi nào một người bạn mừng sinh nhật thứ 30 của họ, tôi sẽ chêm vào một câu đùa về việc giờ họ có thể thực sự “hư” như đúng nghĩa của cái từ đó. Tôi còn thực sự không hiểu như thế có nghĩa là gì. Tôi chỉ là thích cách nó vần.
Khi năm 2020 tới gõ cửa, sinh nhật lần thứ 30 của chính tôi cuối cùng đã lù lù trong tầm mắt. Nhưng tham vọng được “hư” của tôi không thực sự diễn ra như kế hoạch. Thay vào đó, virus xuất hiện và tôi bị kẹt ở nhà. Độc thân, suốt vài tháng liền liên hệ gần nhất của tôi với bất cứ ai ngoài bạn cùng phòng là qua Zoom.
Ban đầu, tôi không có thời gian mà cô đơn. Đại dịch khiến việc tìm cơ hội việc làm mới gần như bị hoãn vô thời hạn, buộc tôi phải tất bật và bận rộn với mọi công việc viết tự do mà tôi kiếm được. Vào những lúc rảnh rỗi, tôi tập trung vào tập Pilates tại nhà, cày phim liên tục và rèn luyện kỹ năng chơi Candy Crush. Độ cuồng K-Pop của tôi cũng đạt mức cao kỷ lục.
Nhưng sau khi dành 3 tháng giãn cách ở Thành phố New York, tôi quyết định là tôi cần phải rời khỏi căn hộ của mình. Ở Seoul, nơi tôi lớn lên và từng sống 8 tháng trước đó, bạn bè tôi có cuộc sống gần như bình thường, ra ngoài vui chơi như thể mọi thứ vẫn chẳng có gì xáo động. Cuộc sống của họ trên Instagram Stories tốt đến nỗi tôi muốn về đó.
Tôi đặt một chuyến bay về Hàn Quốc và hạ cánh ở Seoul hôm 1/7, hào hứng được gặp gia đình mình và lập kế hoạch giao du xã hội. Có điều tôi không ngờ được rằng mọi chuyện đã khác tới mức nào so với năm trước đó. Có cái gì đó đã thay đổi nhanh khủng khiếp cứ như qua đêm. Cụ thể là tuổi tôi. Ngay khi vừa chạm chân xuống Hàn Quốc, tôi đã nhảy cóc từ 29 đến 31 tuổi. Thế có nghĩa là tôi đã hơn 30 và vẫn độc thân.
Để tôi giải thích đã: Hàn Quốc tính tuổi khác với phần còn lại của cả thế giới. Không đơn giản chỉ là cần biết mỗi sinh nhật đâu.
Ở Hàn, bạn 1 tuổi ngay khi sinh ra, và bạn được thêm 1 tuổi vào ngày đầu năm mới chứ không phải sinh nhật. Phương pháp tính tuổi này, gọi là “Cách tính tuổi Á Đông” được cho là đến từ Trung Quốc, bởi hệ thống đếm số của họ bắt đầu từ số 1 chứ không phải 0. (Một số cho rằng người Á Đông từng tính tuổi trong bụng mẹ vào tuổi đời - tuổi mụ - nhưng điều đó không được xác nhận về mặt lịch sử).
Các đất nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Mông Cổ hay kể cả Triều Tiên phần lớn đã dừng sử dụng hệ thống tuổi này muộn nhất từ những năm 1980. Hàn Quốc là nước duy nhất còn lại trên thế giới dùng nó một cách thông dụng.
Đối với các vấn đề pháp lý, Hàn Quốc sử dụng tuổi theo sinh nhật thông dụng, gọi là “tuổi đủ” hay “tuổi quốc tế”. Nhưng “tuổi Hàn” hay “tuổi danh nghĩa” được dùng phổ biến hơn trong bối cảnh văn hóa. Khi ai đó hỏi bạn bao nhiêu tuổi ở Hàn Quốc, bạn không trả lời với tuổi quốc tế của mình mà trả lời bằng năm sinh.
Càng thêm phức tạp là cách nhìn nhận của Hàn Quốc về việc “sinh sớm”. Người Hàn sinh vào tháng 1 và tháng 2 có cùng tuổi danh nghĩa với người sinh từ tháng 3 đến tháng 12 năm trước. Điều này là bởi hệ thống giáo dục địa phương.
Trẻ em Hàn được yêu cầu ghi danh vào trường học khi đủ 6 tuổi quốc tế. Năm học ở Hàn bắt đầu vào tháng 3, và những đứa trẻ sinh vào tháng 1 và tháng 2 sẽ học cùng khối lớp với những đứa sinh từ tháng 3 đến tháng 12 năm trước đó.
Mặc dù quy định này đã được vô hiệu hóa vào năm 2009, nó vẫn áp dụng với tôi. (Tôi sinh tháng 2 năm 1991; tôi đi học cùng những người sinh từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1990). Sau khi làm toán, tôi 29 tuổi ở Mỹ và đã 31 ở Hàn. (Bài viết được tác giả đăng tải tháng 9 năm 2020).
Ban đầu, có vẻ như việc bước vào thập niên 30 của cuộc đời có ý nghĩa với gia đình và bạn bè tôi ở Hàn hơn bản thân tôi. Tôi không thấy khác lắm, nhưng mọi thứ xung quanh thì có.
Mức độ cằn nhằn của bố tôi tăng vọt lên gấp 10 (“Con 30 rồi đấy! Bao giờ mới mua nhà hả?”). Tôi được mời tới đám cưới mỗi tuần. “Cậu nên gặp gỡ ai đó đi!” - gần như ai cũng nói thế.
Phần lớn mọi người xem “30” như một cột mốc. Đó là khi bạn chuyển từ tuổi 20 vẫn còn được khám phá sang những năm 30 bắt đầu ổn định, ít nhất là về lý thuyết. Điều đó mở rộng sang cả các mối quan hệ. Mọi người nói về việc “độc thân ở tuổi 30” như điều gì đó cần phải tránh.
Tôi chưa bao giờ quá áp lực về ý tưởng hôn nhân. Tôi thích độc thân, và tôi không cố thay đổi điều đó. Nhưng kể cả trước khi về Hàn, thái độ thờ ơ của tôi với việc hẹn hò đã gần như tạo cảm giác dị biệt trong vòng tròn xã hội của mình. Tôi có ngày càng ít điểm chung với những người bạn ưu tiên ổn định và có con. Cảm giác như chỉ trong 1 năm, chúng tôi chuyển chủ đề từ công việc mơ ước sang đông trứng.
Chuyến đi đến Hàn Quốc càng phóng đại cảm giác này - vừa bằng việc “ném” tôi vào danh sách 30 tuổi chỉ trong một đêm, vừa soi xét tình trạng độc thân của tôi. Người Hàn đặc biệt nhạy cảm về việc hẹn hò. Ngày 14 của mọi tháng là một ngày lễ không chính thức cho các cặp đôi ăn mừng.
Ngoài ngày Valentine, thì có nào là Ngày Trắng, Ngày Đen, Ngày Hoa Hồng, Ngày Pepero. Người Hàn ăn mừng không chỉ vào dịp kỷ niệm mà còn mỗi mốc 100 ngày yêu nhau. Trên biển quảng cáo, TV, ga tàu điện ngầm, chẳng lạ gì khi thấy các diễn viên làm mẫu cho mấy dịch vụ ghép đôi. Thậm chí việc bạn chưa bao giờ tham dự một cuộc hẹn giấu mặt do bạn bè sắp xếp sẽ gây sốc.
Dù tôi khá mâu thuẫn trong tâm về việc bao giờ tôi sẽ tìm được một người bạn đời lâu dài (nếu có), việc gặp lại bạn bè người Hàn khiến tôi trở nên ám ảnh về tình trạng tuổi tác và hôn nhân của bản thân. Tôi tự hỏi mình có nên làm mọi thứ khác đi không. Tôi có nên cảm thấy cô đơn không?
Một cú sốc là bằng cách nào đó, những năm 20 của tôi đã không còn nữa. Nỗi sợ bắt đầu thành hình trong tâm trí: Liệu giờ nam giới có muốn tôi ít hơn không khi tôi (theo cách nào đó) đã hơn 30? Nếu tôi không gặp gỡ ai đó ngay lúc này, liệu tôi có nhớ tuổi hoàng kim để kết hôn không? Liệu tôi có hối hận khi không có con lúc còn trẻ? Tôi sẽ cô độc mãi à?
Khi ngày càng nhiều bạn bè xung quanh thông báo kế hoạch kết hôn của họ, tôi càng cảm thấy bị tách biệt so với phần còn lại của thế giới. Tôi cảm thấy mình như bị tụt lại đằng sau, như kiểu độc thân và muốn duy trì tình trạng đó ở “tuổi tôi” khiến tôi trông thật thiếu chín chắn.
Nhưng thứ dập tắt mọi nỗi sợ đó là một tiết lộ đơn giản nhưng sâu sắc với bản thân tôi: Hôm nay là ngày tôi trẻ nhất trong suốt phần đời còn lại. Thế nên thay vì hoài niệm quá khứ, hay lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, tôi có thể cứ thế tận hưởng mỗi ngày.
Suy nghĩ này bất chợt đến với tôi vào một ngày kia dù không có sự kiện hay tương tác góp phần nào. Nhưng ngay khi tĩnh tâm, tôi lập thức cảm thấy tốt hơn. Từ đó tôi đã cố bấu víu vào một “thần chú” để nó làm tôi tĩnh lại và tập trung khi tôi phát hiện bản thân so sánh tư duy hay lối sống của bản thân với những người xung quanh. Tôi biết rằng ít ra vào lúc này, tôi thích tập trung vào bản thân hơn là ai khác hay thứ gì khác.
Hơn nữa, tôi vẫn còn tuổi 30 thật sự đang chờ đón vào năm tới. Tôi đã có một cái tên cho nó: Ba Chục Là Lúc Để Hư, Dù Thế Có Nghĩa Là Gì.
Nguồn: Refinery29
Phụ nữ Việt Nam