MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Hàn Quốc tuyệt vọng vì tự nỗ lực chỉ là vô ích, chỉ có thể đổi đời nếu trúng độc đắc

07-12-2021 - 06:24 AM | Tài chính quốc tế

Người Hàn Quốc tuyệt vọng vì tự nỗ lực chỉ là vô ích, chỉ có thể đổi đời nếu trúng độc đắc

Nhiều người Hàn Quốc trong nhóm thu nhập thấp và trung bình ngày càng trở nên thất vọng do "nấc thang địa vị xã hội" bị phá vỡ. Theo đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng khiến người ở tầng lớp dưới đang dần mất đi cơ hội thăng tiến, leo lên bậc thang tới tầng lớp trên.

Cơ hội mong manh

Kim Jae-sung, 26 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Seoul, là một trong những người Hàn Quốc không có cơ hội leo lên "nấc thang xã hội". Anh chuẩn bị có việc làm, nhưng không thấy hy vọng gì vì thu nhập ước tính không cao bằng khoản nợ của anh. Anh nóI: "Tôi phải làm việc cả đời nhưng sẽ không bao giờ mua được nhà", đó là điều mà anh và những người bạn của mình thường nói với nhau trong những ngày này.

"Bạn bè của tôi và cả tôi đều cảm thấy thu nhập hàng tháng thậm chí không thể đảm bảo trang trải cuộc sống trong tương lai gần. Câu chuyện đổi đời không còn tồn tại nữa", Kim chia sẻ. "Nếu không trúng độc đắc bằng cách đầu tư tiền điện tử, thị trường chứng khoán hoặc làm video trên YouTube, thì việc xoay chuyển cuộc sống của tôi gần như là không thể".

Người Hàn Quốc tuyệt vọng vì tự nỗ lực chỉ là vô ích, chỉ có thể đổi đời nếu trúng độc đắc - Ảnh 1.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng tại Hàn Quốc

Kim Jeong-seok, 41 tuổi, một kỹ sư đến từ Suwon, tỉnh Gyeonggi, cũng chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp những khó khăn mà anh gặp phải trong việc vượt qua sự bất bình đẳng xã hội. "Tôi cảm thấy ngày càng khó đạt được mức sống tốt hơn chỉ bằng nỗ lực cá nhân, so với tình hình xã hội trước đây khi tôi ở độ tuổi 20. Sự bất bình đẳng dường như ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khi thu nhập tài chính từ các khoản đầu tư vượt xa thu nhập kiếm được, ở mọi tầng lớp", Kim nói.

Theo một cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, trong số 10 thì có tới 6 người trưởng thành tin rằng có rất ít cơ hội để họ cải thiện tình trạng kinh tế xã hội của mình. Chỉ 25,2% trong số 36.000 người được hỏi trả lời rằng nỗ lực cá nhân có thể cải thiện cuộc sống. Những người tự nhận thuộc nhóm thu nhập thấp thể hiện họ dường như không có hy vọng leo lên nấc thang xã hội.

Trong số những người được hỏi tự xếp hạng mình ở mức thu nhập cao, 55,9% trả lời rằng cơ hội để họ leo lên vị trí cao hơn nữa trong xã hội là rất cao. Nhưng con số này giảm xuống còn 14,9% ở những người tự xếp mình vào nhóm thu nhập thấp. 

Phân biệt đối xử giữa các tầng lớp

Hong Seul-ki, 30 tuổi, một người tiếp thị tự do đến từ Gwangmyeong, tỉnh Gyeonggi, cho biết cô đã bị phân biệt đối xử trong công việc do trình độ học vấn của mình. "Tôi nghĩ rõ ràng rằng việc học đại học và tìm việc làm của thế hệ tôi phần lớn phụ thuộc vào nguồn lực kinh tế của cha mẹ. Điều tồi tệ hơn là vẫn có nhiều người biện minh cho sự phân biệt đối xử này", Hong nói với The Korea Times.

Một vụ bê bối năm 2019 liên quan đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk đã phản ánh một phần thực tế đó. Cho và vợ bị cáo buộc lợi dụng địa vị và sức ảnh hưởng của mình để cho con đậu vào trường đại học danh tiếng. Đây là hiện trạng rất phổ biến hiện nay, các bậc cha mẹ có nhiều tiếng nói về mặt xã hội và tài chính đã nhúng tay, cho con được nhận vào các trường đại học danh tiếng hoặc thực tập tại các công ty, tập đoàn lớn.

Người Hàn Quốc tuyệt vọng vì tự nỗ lực chỉ là vô ích, chỉ có thể đổi đời nếu trúng độc đắc - Ảnh 2.

Người dân tổ chức một cuộc họp báo trước Cheong Wa Dae vào ngày 10/9/2019 để kêu gọi cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk từ chức do bị cáo buộc sử dụng địa vị và tầm ảnh hưởng của mình để giúp con được nhận vào các trường đại học danh tiếng

"Tất cả các bậc cha mẹ thường có xu hướng giáo dục con cái và duy trì hoặc nâng cao vị thế của chúng. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu rộng của họ đến thị trường việc làm và tài sản cá nhân là một vấn đề lớn trong xã hội Hàn Quốc, dẫn đến bất bình đẳng xã hội", Lee đến từ Đại học Chung-Ang cho biết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến xã hội Hàn Quốc là bất động sản. Khi giá nhà đất tăng cao, khoảng cách giàu nghèo giữa những người có nhà và những người vô gia cư càng trầm trọng, đến mức những người nghèo đó gần như không thể theo kịp.

"Về tài sản, khoảng cách giữa những người sở hữu bất động sản tại thủ đô và những người không có đã trở nên rất rộng trong 10 năm qua. Tình trạng này không thể khắc phục trong một sớm một chiều, vì vậy tầng lớp xã hội không có bất động sản khó có cơ hội vươn lên", Park Mun-su, một lập trình viên 31 tuổi, cho biết.

Xã hội "giậm chân tại chỗ"

Một báo cáo toàn cầu cũng cho thấy Hàn Quốc được xếp hạng tương đối thấp về mức độ dịch chuyển xã hội so với tình trạng kinh tế của nước này. Trong Chỉ số Dịch chuyển Xã hội Toàn cầu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hàn Quốc xếp thứ 25 trong số 82 quốc gia, trong khi nguồn lực kinh tế của nước này đứng thứ 12.

Báo cáo nêu rõ: "Do thiếu sự dịch chuyển trong xã hội, mọi người vẫn bị ràng buộc bởi tình trạng kinh tế xã hội của họ từ khi sinh ra, kéo theo sự bất bình đẳng". Các chuyên gia chỉ ra rằng chính phủ phải tăng cường nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo để khắc phục tình trạng bất bình đẳng này.

"Khoảng cách xã hội đặt mọi người ở những điểm xuất phát khác nhau, và khoảng cách sẽ chỉ ngày càng mở rộng nếu không có sự can thiệp tích cực của chính phủ trong khu vực công. Giáo dục công phải được tăng cường, và các cá nhân phải được đánh giá và tuyển dụng dựa trên năng lực chứ không phải địa vị xã hội của họ", Lee nói.

Giáo sư kết luận: "Một số người cho rằng chỉ cần nỗ lực là có thể thắng cuộc, nhưng có vẻ như họ có ít đặc quyền hơn ở các bậc thang phía trên. Hầu hết những người thuộc tầng lớp dưới không có cơ hội nói về bất bình đẳng, vì thế, chính quyền cần có những biện pháp tiếp cận họ".

Tham khảo The Korea Times

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên