MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này

26-03-2022 - 00:28 AM | Sống

Nếu chẳng may bưu kiện được gửi đến và không có ai nhận, nó vẫn sẽ ở nguyên vị trí đó cho đến khi chủ sở hữu quay về và khui hàng.

Nếu bạn để bưu kiện trước cửa nhà ở Hàn Quốc, dù sau một tuần, nó vẫn ở nguyên vị trí cũ. Việc các bưu kiện được để bên ngoài mà không có bất kỳ rủi ro nào ở Hàn Quốc không còn là điều xa lạ. Thực tế, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, tình trạng này đã gia tăng đáng kể do các công ty bỏ giao hàng trực tiếp nhằm hạn chế lây lan virus.

Nhân viên giao hàng không bấm chuông gọi cửa và bàn giao gói hàng. Thay vào đó, hầu hết các công ty thương mại điện tử và hậu cần đã thay đổi sang hệ thống giao hàng không tiếp xúc. Chỉ cần để các gói hàng trước cửa nhà là việc giao hàng đã hoàn tất, hạn chế những tiếp xúc không cần thiết.

Thực tế, bưu kiện không phải thứ duy nhất mà người Hàn Quốc có thể yên tâm bỏ đồ ở ngoài mà không mất. Người dân ở xứ sở kim chi có thói quen bỏ đồ vật như điện thoại, laptop hay thậm chí ví tiền trên bàn nhằm giữ chỗ trong khi họ đi gọi món.

Bởi lẽ tình trạng trộm cắp vặt được coi là không phổ biến ở Hàn Quốc. Không ít YouTuber có hàng nghìn video cho thấy các thí nghiệm xã hội, mọi người bỏ lại đồ dùng có giá trị của họ và xem có ai đến lấy không.

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này - Ảnh 1.

Ở Hàn Quốc, các gói hàng thường được để bên ngoài để tránh tiếp xúc không cần thiết trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Shuttershock.

Câu chuyện của Chae Ji Won, 27 tuổi, là một trong số đó. Cô đặt mua đôi giày từ trang web của Mỹ vì không tìm thấy ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, đơn đặt hàng mất nhiều thời gian và không thể xác định ngày giao hàng chính xác. Không may, bưu kiện được giao đúng lúc Ji Won đang đi nghỉ dưỡng.

"Dựa trên thông tin theo dõi bưu kiện, đơn đặt hàng quốc tế mà tôi thực hiện vài tuần trước đã được giao khi tôi vẫn đang đi nghỉ ở Đảo Jeju. Tôi lo lắng bưu kiện có thể bị đánh cắp khi tôi đi vắng, nhưng nó vẫn ở đó, trước căn hộ khi tôi về nhà", cô kể lại.

Tại sao tình trạng trộm cắp lại hiếm ở Hàn Quốc?

Trả lời cho câu hỏi này, cây bút của Korea JoongAng Daily đề cập đến 2 lời lý giải.

Tìm hiểu về vấn đề trộm cắp ở Hàn Quốc, một số chuyên gia đã xem xét lịch sử của đất nước, đặc biệt là xu hướng sống trong các cộng đồng gắn bó thời thập niên 1970 và 1980.

Thứ nhất, ở thời kỳ này, người Hàn Quốc có mối quan hệ thân thiết với hàng xóm. Các gia đình thường sống gần hoặc cùng nhau. Ngay cả khi thời đó chưa có hệ thống camera giám sát (CCTV), hầu hết người dân trong khu phố hiểu rằng việc lấy trộm thứ gì đó hoặc lấy đồ vật có giá trị ở nơi công cộng có khả năng bị bắt rất cao. Theo sau đó là sự khinh miệt từ cộng đồng.

Giáo sư tâm lý học Han Min cho biết: "Chúng tôi thường xuyên bị mất điện nhưng mọi người không quan tâm. Họ ra bên ngoài và thư giãn cùng hàng xóm. Nếu tình trạng mất điện xảy ra ở các quốc gia như Mỹ, các cửa hàng sẽ ngay lập tức bị cướp".

Lời giải thích thứ hai cho tình trạng này là tâm lý học của người Hàn Quốc vì họ có sự tin tưởng cao lẫn nhau. Song điều này không đồng nghĩa với việc mù quáng tin người. Họ tin rằng làm điều tốt cho người khác sẽ giúp nhân rộng hành động văn minh này.

"Về tâm lý học, chúng tôi cho rằng lòng tin của một người hình thành từ khi họ còn nhỏ. Cha mẹ Hàn Quốc có xu hướng thực hành điều này nhiều hơn ở các quốc gia khác. Điều này giúp trẻ dành lòng tin nơi cha mẹ nhiều hơn và khi trưởng thành, trẻ cũng có lòng tin vào người khác", Han Min chia sẻ.

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này - Ảnh 2.

Người Hàn Quốc để đồ vật trên bàn nhằm giữ chỗ ngồi. Ảnh: iStock.

Có thực sự tình trạng trộm cắp hiếm ở Hàn Quốc là vì văn hoá và tâm lý?

Ngoài 2 câu trả lời trên, yếu tố khác được cho đóng vai trò quan trọng là số lượng lớn các CCTV đang hoạt động ở Hàn Quốc.

Có 83.557 camera giám sát ở thủ đô Seoul, tính đến tháng 12/2021. Tại thời điểm này, thành phố có dân số 9,83 triệu người, tức Seoul có khoảng 8,5 camera theo dõi 1.000 người.

Công ty theo dõi thị trường Comparitech cho biết Seoul đứng vị trí 44 trong 150 thành phố trên toàn cầu có lượng CCTV nhiều nhất.

"Nếu có thứ gì đó nằm trên mặt đất, người Hàn Quốc hiểu rằng không nên chạm vào đồ của người khác. Họ cũng biết rằng việc lấy đồ không thuộc về mình và bị CCTV ghi lại có thể khiến họ bị phạt rất lớn", Park Hee Bong - giáo sư dạy môn Khoa học xã hội tại Đại học Chung-Ang nói.

Việc truy cập cảnh quay của camera giám sát không đặc biệt khó ở Hàn Quốc. Luôn có camera giám sát tại các cửa hàng, trong thang máy của tòa nhà và ngoài đường. Nếu bị mất đồ ở nhà hàng, mọi người có thể yêu cầu nhân viên kiểm tra các camera giám sát.

Ngay cả trước đại dịch, khoảng 1/3 đơn giao hàng ở Seoul đã được đặt trước cửa nhà người nhận vì họ sống một mình hoặc các thành viên trong gia đình không có nhà khi nhân viên giao hàng đến. Mặt khác, một công ty hậu cần cho biết bưu kiện thỉnh thoảng bị lạc hoặc bị đánh cắp, nhưng số lượng là không đáng kể.

Camera giám sát có đem lại giá trị. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng CCTV hiệu quả hơn trong việc bắt những tên trộm hơn là ngăn ngừa tội phạm.

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này - Ảnh 3.

Ảnh: BusinessWorld Online.

Nếu mất đồ đạc ở Hàn Quốc, người đó có dễ dàng tìm thấy món đồ không?

Việc trộm cắp đồ có giá trị không chỉ không được coi là vấn đề đáng lo ngại. Người dân còn có xu hướng tìm mọi cách để lấy lại đồ đạc đã mất.

Có 101.523 món đồ được giao cho trung tâm thất lạc và tìm thấy ở Seoul Metro vào năm 2021. Trong đó, ví tiền là thứ phổ biến nhất bị lạc với 24%. Theo sau đó là điện thoại di động, túi xách và quần áo.

Đồ bị mất được giữ ở trung tâm trong một tuần và sau đó bàn giao cho đồn cảnh sát địa phương. Trong tổng 101.523, có 66.426 món đồ (tương đương 65%) đã được trả lại cho chủ sở hữu trong tuần đó.

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này - Ảnh 4.

Đồ thất lạc được cất giữ tại một trung tâm thất lạc và được tìm thấy ở ga Chungmuro ​​ở trung tâm Seoul. Ảnh: Seoul Metro.

Phát ngôn viên Yoon Kang Jae của Seoul Metro nói rằng nhân viên của họ thường xuyên thu thập các mặt hàng bị bỏ lại trên tàu điện ngầm, ngay cả khi tàu đã đến trạm cuối. Bên cạnh đó, có nhiều hành khách cũng mang đồ đến trung tâm bởi họ nghĩ đó là điều đúng đắn và thực sự muốn chủ sở hữu nhận lại vật phẩm.

Park A Yeong, sinh viên mới tốt nghiệp ở độ tuổi 20, từng có công việc bán thời gian ở phòng vé bảo tàng nghệ thuật. Anh tâm sự rằng có nhiều người trả lại những món đồ bị mất mà họ tìm thấy trong phòng tắm hoặc cửa hàng lưu niệm. "Có ví, tai nghe, thẻ tín dụng, túi đựng đồ trang điểm và vô vàn thứ khác".

Chủ nhân của những món đồ bị mất cũng được cung cấp một khoảng "đền bù". Điều này thúc đẩy người nhặt được gìn giữ đồ vật bị mất an toàn và đưa chúng nguyên vẹn về với chủ sở hữu.

Theo Đạo luật Đồ bị mất ở Hàn Quốc, chủ sở hữu phải trả 5-20% giá trị của mặt hàng cho người nhặt được. Nhiều người nhận thấy rằng việc trả lại chủ những vật có giá trị là điều nên làm. Mặt khác, người nhặt đồ có quyền hợp pháp để ra toà và yêu cầu phần thưởng của họ nếu muốn.

Người Hàn Quốc vứt ví, điện thoại ngoài đường không lo mất, đồ đạc để trước cửa cả tuần chẳng ai lấy, tất cả vì lý do này - Ảnh 5.

Những chiếc túi bị thất lạc được hành khách và nhân viên thu thập rồi gửi đến trung tâm. Ảnh: Seoul Metro.

Theo Korea JoongAng Daily

https://cafef.vn/nguoi-han-quoc-vut-vi-dien-thoai-ngoai-duong-khong-lo-mat-do-dac-de-truoc-cua-ca-tuan-chang-ai-lay-tat-ca-vi-ly-do-nay-20220325113614448.chn

Lam Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên