Người lái tàu điện tại Nhật Bản có một thói quen ai nhìn cũng tưởng bất lịch sự, nhưng thực chất mục đích phía sau thì cực kỳ quan trọng
Thói quen ấy dựa trên một hệ thống được quy định, nhằm đảm bảo sự an toàn cho hành khách trên tàu.
- 20-05-2020Ichigo Ichie - Nhất kì nhất hội: Triết lý sống đem lại hạnh phúc của người Nhật Bản, mỗi khoảnh khắc trôi qua chính là một kho báu quý giá
- 07-05-2020Nàng Công chúa Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản: Khởi đầu từ mối lương duyên đẹp đến cô dâu được người dân xứ Phù Tang yêu quý
- 07-05-2020Cái cúi đầu đến 90 độ của hai nhân viên tại sân bay Nhật Bản khi nhìn thấy hành khách chuẩn bị cất cánh khiến cô gái bồi hồi đầy xúc động
Ở Nhật Bản, hệ thống tàu điện là một trong những phương tiện giao thông công cộng quan trọng bậc nhất, mà bất kỳ ai - kể cả du khách hay dân địa phương - cũng đều cần sử dụng.
Có điều với du khách nước ngoài khi dùng tàu điện tại Nhật Bản hẳn phải nhận ra một hiện tượng lạ: nhân viên lái tàu có thói quen chỉ tay vào những thứ xung quanh, rồi nói rất to. Nếu là một thói quen, thì phải chăng đây là một thói quen bất lịch sự, bởi việc chỉ tay và nói to nơi công cộng vốn không phải là điều nên làm ở một số nền văn hóa.
Nhưng thực ra, đó là công việc của họ. Việc chỉ tay như vậy về bản chất là dành cho nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là đảm bảo sự an toàn dành cho hành khách.
Shisa Kanko: Hệ thống kiểm soát an toàn cho hành khách
Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, khi phải lặp đi lặp lại một hành động mỗi ngày thì dù có đơn giản đến đâu, sẽ có rủi ro bạn phạm sai lầm. Và với một nghề như lái tàu, sự sai lầm ấy có thể phải trả giá bằng tính mạng con người.
Trên thế giới, đường sắt của Nhật Bản luôn nằm trong top an toàn nhất, và lý do chính là nhờ hệ thống kiểm soát dựa vào cử chỉ và lời nói có tên Shisa Kanko - hay tạm dịch là "Chỉ và gọi to".
Shisa Kanko có nghĩa là khi làm bất kỳ hành động gì, người lái tàu sẽ kết hợp cùng cử chỉ và lời nói để xác nhận. Ví dụ khi muốn xác nhận tốc độ của tàu là 80 dặm/h (khoảng 128km/h), họ sẽ chỉ thẳng vào đồng hồ tốc độ, miệng đọc to con số ấy lên. Liền sau đó, họ sẽ đưa tay lên tai, lại chỉ vào đồng hồ, và nói "Xác nhận".
Thói quen ép não bộ phải làm việc
Nhưng tại sao phải làm như vậy? Thực ra, hệ thống này dựa vào khoa học hẳn hoi đấy!
Những hành động thể chất kết hợp cùng lời nói sẽ làm tăng lượng máu đến một số khu vực trong não bộ, buộc não phải tham gia và tập trung hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc chỉ vào vật thể, nói lên thứ mình định làm, và xác nhận một lần nữa bằng lời nói sẽ có hiệu quả hơn so với việc chỉ nhìn hoặc nghĩ về hành động ấy thôi.
Các thống kê cho thấy, phương pháp này hiệu quả đến mức có thể giảm thiểu lỗi sai trong khi làm việc tới 85%. Và không chỉ ngành lái tàu, nhiều ngành công nghiệp khác tại Nhật Bản cũng áp dụng hệ thống này.
Ngành hàng không trên thế giới cũng áp dụng những phương pháp tương tự. Phi công và tiếp viên thường phối kết hợp lời nói và hành động trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi phải thực hiện những yêu cầu đòi hỏi tính chính xác cao. Chẳng hạn như lúc muốn thay đổi độ cao thì sau khi nhập tọa độ mới vào hệ thống, cơ trưởng sẽ vẫn để tay trên nút điều chỉnh cho đến khi cơ phó xác nhận (hoặc ngược lại).
Ngay cả chúng ta cũng có thể áp dụng
Trên thực tế thì ngay cả trong những hành động thường ngày, chúng ta cũng có thể áp dụng hệ thống này, đặc biệt là nếu bạn thuộc vào nhóm "não cá vàng" - nhớ trước, quên sau.
Quy tắc Shisa Kanko được áp dụng như sau.
1. Nhìn vào vật thể: Ví dụ bạn muốn chắc chắn phải tắt bàn là sau khi sử dụng, nhìn vào đó.
2. Chỉ tay vào vật thể.
3. Xác nhận hành động bằng lời nói. Ví dụ: Bàn là đã được tắt.
4. Đưa tay lên tai, 1 tay chỉ vào vật thể, miệng nói xác nhận.
Tham khảo: BS, VT.co
Trí thức trẻ