Người làm đèn lồng, đầu lân ở Hội An tất bật những ngày cận tết Trung thu
Trong không khí cận kề tết Trung thu, nhiều cơ sở làm đèn lồng, đầu lân tại Hội An đang bận rộn, cố gắng cho ra lò nhiều sản phẩm nhằm kịp phục vụ cho thị trường Trung thu tại Quảng Nam – Đà Nẵng.
- 27-08-2022Mẹo chọn bánh Trung thu từ A - Z: Ngay điều đầu tiên đã rất nhiều người chủ quan
- 27-08-2022Trong ngày có 1 thời điểm chuyên gia khuyên không nên ăn bánh Trung thu vì sẽ vô cùng hại sức khỏe
- 24-08-2022Nghệ nhân tỉ mẩn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi đón Trung thu
Trong cơ sở sản xuất lồng đèn Minh Hiền (Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam), chị Trần Thị Thu Hà đang cùng mọi người gấp rút hoàn thiện hơn 100 chiếc lồng đèn giao cho khách. Chị cho biết so với những ngày trước kia, số lượng đơn hàng tăng 2-3 lần vì lượng nhu cầu khách hàng tăng vọt cận dịp Trung thu.
So với năm trước -khi việc tiêu thụ bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với nhiều mặt hàng đồ chơi mới xuất hiện khiến việc cơ sở kinh doanh "khó càng thêm khó”. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tạm lui, nhu cầu đặt hàng các dịp lễ tăng mạnh, cơ sở phải làm việc từ sáng sớm cho đến tận 19h tối giờ mới ngơi tay.
Theo chị Hà, để làm ra một chiếc mặt nạ bao gồm 2 công đoạn chính là làm khung và bọc vải. Khung lồng đèn ban đầu được làm bằng tre, ngâm với nước muối trong 10 ngày để tăng độ bền, dẻo. Sau đó, để thuận tiện cho việc di chuyển, khung lồng đèn còn được làm bằng chất liệu kim loại.
Lồng đèn sau khi được làm khung sẽ đến giai đoạn bọc vải, tùy theo kích thước, hình dạng mà số lượng vải bọc sẽ được căn chỉnh khác nhau. Vải được sử dụng là vải lụa tơ tằm hoặc vải gấm. Người chế tác sử dụng một loại keo để kết dính vải bọc và nan lồng đèn cho chắc chắn.
“Đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc làm đèn lồng, bởi vì chỉ cần vải không được căng, đèn sẽ mất đi tính thẩm mỹ. Thường công việc dán vải bọc dành cho người phụ nữ bởi nó đòi hỏi nhiều sự tỉ mẩn, kiên trì, khéo léo”, chị Hà chia sẻ.
Lồng đèn sau khi hoàn thiện được xếp gọn, đóng gói và chuyển đến cơ sở trưng bày hoặc chuyển đến cho những khách hàng đã đặt từ trước.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở Minh Hiền cung cấp ra thị trường từ 100-500 chiếc đèn lồng. Với giá thành mỗi chiếc từ 60.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy theo kích cỡ.
Vào dịp này, cơ sở làm đầu lân nổi tiếng của anh Nguyễn Hưng (50 tuổi, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, Hội An) cũng bận rộn không kém. Để giải quyết được số lượng đơn hàng, anh phải huy động cả gia đình vào các công đoạn sản xuất đầu lân.
Theo anh Hưng, việc làm đầu lân còn tùy theo kích cỡ. Đối với đầu lân nhỏ thì để hoàn thiện được nó cần có 3 công đoạn. Đầu tiên là đắp cốt, sau đó đợi khô rồi gỡ, đến công đoạn dán và sơn hoàn thiện. Còn với đầu lân lớn thì công đoạn hoàn thiện nó dài hơn, đầu tiên là làm vành, tiếp đến là đan mây dán vải sau đó vẽ và dán lông. Trung bình thời gian để có một đầu lân hoàn chỉnh là từ vài ngày cho đến vài tuần.
Đầu lân bắt mắt không chỉ bởi màu sắc mà hình dáng phải toát lên được thần thái và cái hồn riêng. Trọng lượng đầu phải nhẹ nhưng chắc chắn, chịu được va đập khi biểu diễn.
Đầu lân được giao đến cho khách hàng, đa phần là những đoàn lân Sư Rồng trong khu vực.
Mỗi chiếc đầu lân sẽ có giá thành từ 70.000 đồng đến 7 triệu đồng tùy theo kích cỡ và yêu cầu của khách hàng.
Trí Thức Trẻ