MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lao động cân nhắc khi làm 1 năm, hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp

30-04-2024 - 10:49 AM | Xã hội

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) số người lao động lợi dụng quy định của pháp luật, chỉ làm việc và đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 12 tháng xin nghỉ việc gây biến động thị trường lao động là không nhiều.

Bộ LĐ-TB-XH vua nhận được kiến nghị giảm tỉ lệ đóng BHTN, quy định thời gian đóng, hưởng BHTN hợp lý hơn để tránh trường hợp người lao động, nhất là lao động trẻ lợi dụng đi làm đủ 12 tháng nghỉ, hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, gây biến động thị trường lao động.

Phản hồi kiến nghị này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết căn cứ theo quy định tại Điều 15 Công ước số 168 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định của tiền lương của người lao động bình thường nhưng không ít hơn mức có thể đảm bảo mức sống cơ bản tối thiểu.

Người lao động cân nhắc khi làm 1 năm, hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp- Ảnh 1.

Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm

Điều 24 Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế và quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.

Điều 48 Bộ Luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương (50% mức tiền lương).

Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, tại Điều 49 Bộ Luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm trong các trường hợp theo quy định, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương (100% mức tiền lương) nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương, tối thiểu 200% mức tiền lương).

Như vậy, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 3 tháng với mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN (180%) là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành. Mức này đảm bảo cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới.

Trong quá trình tổ chức triển khai chính sách BHTN, Bộ LĐ-TB-XH thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về BHTN. Mặc khác, Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các sở LĐ-TB-XH, các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về BHTN, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, các hành vi gian lận, trục lợi BHTN.

Thực tế, để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm, người lao động phải có nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có quyết định nghỉ việc, sổ bảo hiểm xã hội chốt) mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động cân nhắc khi làm 1 năm, hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp- Ảnh 2.

Nếu người lao động nghỉ việc cũng mất toàn bộ 100% tiền lương (chưa kể cả khoản tiền thưởng, phụ cấp,...) chỉ để hưởng 60% tiền lương thì người lao động phải cân nhắc

Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm. Mặt khác, nếu người lao động nghỉ việc cũng mất toàn bộ 100% tiền lương (chưa kể cả khoản tiền thưởng, phụ cấp,...) chỉ để hưởng 60% tiền lương thì người lao động phải cân nhắc. Do đó, số người lao động lợi dụng quy định của pháp luật, chỉ làm việc và đóng BHTN 12 tháng xin nghỉ việc gây biến động thị trường lao động là không nhiều.

"Thực hiện Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 6-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH được giao chủ trì, xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trong đó nghiên cứu, sửa đổi chính sách BHTN. Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)" - Bộ LĐ-TB-XH cho hay.

Theo Hồng Đào

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên